Sự trở lại phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp ở TP.Hà Nội đang phải gồng mình, tìm kiếm các giải pháp mới để ứng phó. Trong đó những cách thức được cho là đột phá như mô hình "bếp chung", "bếp trên mây" hoặc chuyển hẳn sang phương thức kinh doanh trực tuyến đã giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí mặt bằng, vận hành.
San sẻ lợi ích bằng mô hình chia sẻ
Dịch COVID-19 bùng phát trở tiếp tục là "cơn đau đầu" cho nhiều chủ doanh nghiệp, nhà hàng tại Hà Nội. Một số chuỗi cửa hàng có tiếng, tuy nằm ở trung tâm thủ đô đang rơi vào tình cảnh doanh thu không đủ chi trả tiền mặt bằng, chi phí nhân sự, vận hành... Những khó khăn bủa vây buộc các chủ mặt bằng đang phải tìm ra cách thích ứng để tồn tại.
Theo tìm hiểu PV, để giải quyết bài toán cho chi phí mặt bằng, một số chủ doanh nghiệp đã chọn giải pháp xé nhỏ không gian để san sẻ các gánh nặng về chi phí cho các đối tác mới. Từ đó, mô hình với tên gọi "bếp chung" hay "bếp trên mây" đã được sử dụng và phát huy tính hiệu quả cao trong thời điểm dịch bệnh.
Cụ thể, trong một bằng kinh doanh, mỗi đơn vị, doanh nghiệp sẽ sở hữu không gian từ 5-8m2, được dùng chung tất cả các tiện ích giao nhận, bảo quản hàng hoá. Trung bình, mỗi một mô hình bếp chung sẽ có khoảng 10 đối tác cùng tham gia. Điều này đã giúp cho doanh nghiệp, nhà hàng tối ưu hoá, giảm gánh nặng chi phí mặt bằng.
Anh Hoàng Tùng - chủ một thương hiệu Pizza tại Hà Nội với hàng loạt mặt bằng tại các con phố như Đại Cồ Việt, Kim Mã, Văn Miếu... cho biết, đã từng có thời kỳ phải lao đao dịch bệnh. Trong năm vừa qua, cửa hàng của anh cũng phải đóng cửa nhiều cơ sở. "Với số tiền mặt bằng ngốn tới 40% chi phí doanh nghiệp, tôi đã phải mạnh tay cắt bỏ những điểm bán kém hiệu quả" - anh Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để tồn tại bền vững hơn, anh Tùng cho đã nảy ra ý tưởng vừa kinh doanh, vừa chia sẻ mặt bằng với các nhà hàng, đối tác để giảm gánh nặng chi phí. Đến nay, mô hình bếp chung mà anh Tùng triển khai đã đi vào hoạt động 8 tháng, có khoảng 10 đối tác tham gia, giúp giảm gánh nặng cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Một trường hợp khác, cũng ngay trong những ngày khó khăn của dịch COVID-19, anh Nguyễn Minh Cường (chủ một quán bún chả tại Hà Nội) vẫn quyết định khởi nghiệp. Không bàn ghế, không khách tại chỗ, anh Cường cùng chung một địa điểm với 8 cửa hàng khác và chỉ nhận đơn online qua các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến.
Anh Cường chia sẻ, trong đợt dịch COVID-19, nhiều người đã bắt đầu chuyển sang hướng kinh doanh các mặt hàng online. Theo đó, việc tận dụng mô hình kinh doanh "bếp chung", "bếp trên mây" online giúp cửa hàng của anh giảm nhiều chi phí, vừa có thể bán hàng, lại vừa có thể chống dịch hiệu quả.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mô hình "bếp chung", "bếp trên mây" gần đây mang tính phá cách lớn so với ngành kinh doanh ẩm thực truyền thống. Mặc dù mô hình này chỉ mới xuất hiện nhưng đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh duy trì hoạt động trong đại dịch COVID-19.
Chia nhỏ mặt bằng cho thuê
Ghi nhận của PV ngày 11.5, tại khu vực trung tâm, phố cổ sầm uất bậc nhất Thủ đô Hà Nội, nhiều mặt bằng đang được người dân treo biển rao bán, chờ đợi khách đến thuê. Tại các tuyến phố "đất vàng" như: Hàng Đào, Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Rươi… phần lớn các cửa hàng đều rơi vào tình trạng đóng cửa im lìm.
Mặc dù đã nhiều lần giảm giá thuê nhà, thế nhưng nhiều tháng nay, bà T.T.L (cho thuê nhà trên phố Mã Mây) vẫn đang hết sức khó khăn để tìm kiếm nguồn khách. "Đợt dịch khó khăn, nhiều khách hàng không đủ tiềm lực thuê lại nhà nguyên căn nên tôi đã phải chia nhỏ các căn hộ để dễ tìm khách thuê hơn" - bà T.T.L cho biết.
Theo bà L, phần tầng một rộng 30m2 được bà cho thuê để kinh doanh. Còn tầng 2, tầng 3 thì bà xé nhỏ, cho khách thuê để ở, làm văn phòng nhỏ gọn. Đợt dịch bùng phát nên bà gặp khó khăn trong việc thu hút tệp khách hàng thuê nhà nguyên căn. Nhất là phần mặt bằng kính doanh, giá thuê hàng trăm triệu đồng/tháng lại càng khó tìm khách hơn. Ngay cả khi bà L thuê “cò” bất động sản uy tín nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê hết các phòng ở.
Bên cạnh việc liên tục đặt biển cho thuê mặt bằng, trên các tuyến phố Hà Nội còn xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp, cửa hàng lần lượt treo biển đổi địa điểm sang nơi có giá thành rẻ hơn. Ghi nhận tại một số trung tâm thương mại ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, một số doanh nghiệp cũng treo biển tạm dừng hoạt động hoặc đang tìm cách sang nhượng.
Tháo chạy khỏi khu trung tâm đắt đỏ, một số chủ kinh doanh đã chuyển hướng tìm kiếm mặt bằng trong các ngõ nhỏ để tiết kiệm chi phí. Trong đó, xu hướng này thường diễn ra ở các ngành làm đẹp, thời trang, dịch vụ du lịch, lữ hành… Đây cũng chính là những giải pháp được coi là tạm thời để các doanh nghiệp, cửa hàng vượt qua khó khăn trong đợt dịch COVID-19.
Xem thêm: odl.791809-hneb-hcid-court-yam-nert-peb-gnuhc-peb-hnih-om/et-hnik/nv.gnodoal