Ảnh hưởng của SCG lên các ngành bao bì, hóa dầu và vật liệu xây dựng Việt ngày càng đậm nét
Dựa trên báo cáo quý I/2021, SCG tại Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá 116.878 tỷ đồng (5.062 triệu USD), tăng 41% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngành Hoá dầu. Tập đoàn ghi nhận doanh thu bán hàng quý I/2021 đạt 8.206 tỷ đồng (356 triệu USD), tăng 34% so với cùng kỳ, chủ yếu từ ngành kinh doanh Bao bì (VKPC), Hóa dầu (TPC) và xuất khẩu Thái Lan.
Về hoạt động kinh doanh: SCG đang mở rộng hợp tác với các đối tác địa phương. Vào tháng 2 vừa qua, SCG Packaging đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân để cung cấp các sản phẩm phôi PET, chai nhựa, nắp đậy, và các sản phẩm nhựa công nghiệp cho các công ty đa quốc gia và các thương hiệu FMCG trong nước. Cùng với Nhựa Duy Tân, SCG sẽ nâng cấp công nghệ, xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn nhân lực địa phương. Tháng 2/2021 vừa qua, SCG đã mua lại 70% cổ phần của nhựa Duy Tân và cuối năm 2020 họ cũng đã sở hữu thêm bao bì Biên Hòa.
Đối với mảng kinh doanh gạch ốp lát, SCG và Prime Group đã xuất khẩu thành công sản phẩm gạch ốp lát "Made in Vietnam" ra thị trường thế giới.
Trong khi đó, công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Việt Nam đang đạt tiến độ hoàn thành 76% theo kế hoạch và sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào nửa đầu năm 2023.
Rộng hơn, tại khu vực ASEAN (ngoại trừ Thái Lan), doanh thu bán hàng của SCG trong quý I/2021 ghi nhận tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 1.067 triệu USD, chiếm 26% tổng doanh thu bán hàng của tập đoàn. Doanh thu này bao gồm doanh số bán hàng sản xuất từ các cơ sở kinh doanh thuộc các nước ASEAN và hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng giá trị tài sản của tập đoàn lên đến 25.542 triệu USD, trong khi tổng tài sản của SCG tại khu vực ASEAN (ngoại trừ Thái Lan) là 9.661 triệu USD, chiếm 38% tổng tài sản hợp nhất của SCG.
Doanh thu bán hàng Tập đoàn SCG đạt 93.897 tỷ đồng trong quý I/2021
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG, chia sẻ kết quả hoạt động chưa kiểm toán của tập đoàn trong quý I/2021 với doanh thu bán hàng đạt 93.897 tỷ đồng (4.034 triệu USD), tăng 26% so với quý trước, nhờ vào sự cải thiện hoạt động kinh doanh ở tất cả nhóm ngành.
Trong khi đó, lợi nhuận trong kỳ đạt 11.472 tỷ đồng (493 triệu USD), tăng 85% so với quý trước. Kết quả này có được nhờ vào sự tăng trưởng doanh thu bán hàng ngành Hoá dầu sau khi hoàn thiện quá trình bảo trì định kỳ nhà máy Map Ta Phut Olefins (MOC) trong quý IV/2020, khởi đầu giai đoạn 2 của dự án mở rộng công suất nhà máy MOC, mức cầu bình ổn trên phạm vi toàn cầu và thu nhập trên nguồn vốn chủ sở hữu gia tăng.
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG
Tăng trưởng quý cũng được thúc đẩy từ nhu cầu thời vụ trong ngành Xi măng -Vật liệu xây dựng và ngành Bao bì nhờ tích cực mở rộng danh mục đầu tư hạ nguồn và củng cố nhóm khách hàng đa dạng hiện tại.
Tính theo năm, doanh thu bán hàng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trong kỳ tăng 114%, chủ yếu nhờ vào việc mở rộng các sản phẩm Hóa dầu và thu nhập vốn chủ sở hữu tăng.
Trong quý I/2021, doanh thu từ các Sản phẩm Giá trị Gia tăng cao (High Value Added - HVA) của SCG đạt 31.904 tỷ đồng (1.371 triệu USD), chiếm 34% tổng doanh số bán hàng. Ngoài ra, Phát triển các Sản phẩm Mới (New Products Development - NPD) và các Giải pháp Dịch vụ (Service Solution) như Giải pháp Năng lượng Mặt trời và các Giải pháp Thông minh và Chuyên sâu, chiếm 13% và 5% tổng doanh số bán hàng.
Bên cạnh đó, doanh thu của SCG từ các đơn vị kinh doanh khác ngoài Thái Lan, cùng với doanh thu xuất khẩu từ Thái Lan đạt 39.311 tỷ đồng (1.689 triệu USD) trong quý I/2021, tương đương 42% tổng doanh số bán hàng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Hóa dầu
Dự án mở rộng công suất tại nhà máy Map Ta Phut Olefins.
Bên cạnh việc tập trung vào các Sản phẩm Giá trị Gia tăng cao (HVA) như SMX ™ HDPE và HDPE Pipe PE112, ngành hóa dầu cũng chủ động tiếp cận các thị trường tăng trưởng cao như các doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn. Gần đây, ngành hóa dầu SCG đã trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn tại Châu Âu khi thỏa thuận mua cổ phần của Sirplaste - công ty tái chế nhựa hàng đầu ở Bồ Đào Nha.
Thương vụ này không chỉ tối ưu hoá các nguồn lực phù hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, mà còn cho phép SCG cải tiến công nghệ tái chế nhựa tại ASEAN và mở rộng thị trường bán hàng sang khu vực châu Âu.
Dự án mở rộng công suất tại MOC, do ngành Hóa dầu của SCG hợp tác cùng DOW, đã hoàn thành trước kế hoạch và bắt đầu quá trình sản xuất đầu tiên. Công suất tối đa dự kiến đạt được vào tháng 5/2021, với sản lượng olefin tăng 350.000 tấn mỗi năm. Công nghệ hiện đại của dự án Mở rộng công suất MOC (MOC Debottleneck) cho phép chi phí đầu tư vào quy trình sản xuất thấp hơn, tiết kiệm năng lượng cũng như thân thiện với môi trường (Quy trình xanh - Green Process).
Về cơ hội phát triển trong tương lai của ngành Hóa dầu, như việc mở rộng công suất trong khu vực ASEAN, SCG đang trong quá trình nghiên cứu tính khả thi của việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của ngành, bao gồm khả năng chào bán cổ phiếu của SCG Chemicals ra công chúng. Nghiên cứu này và việc tái cơ cấu doanh nghiệp dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022.
Ngành Xi măng -Vật liệu Xây dựng
Ngành Xi măng -Vật liệu Xây dựng tăng trưởng thông qua các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp bền vững, phù hợp với định hướng chiến lược ESG. Điển hình như giải pháp Xây dựng Xanh của CPAC bao gồm các công nghệ kỹ thuật số nhằm đa dạng hoá các tiêu chuẩn xây dựng của Thái Lan theo hướng thân thiện với môi trường từ đầu đến cuối.
Điều này có thể thực hiện dựa vào Giải pháp xây dựng CPAC bao gồm CPAC BIM, CPAC Drone, In 3D CPAC và Smart Structure CPAC. Các giải pháp này sẽ giúp chuyển đổi khoảng 10 - 20% chất thải xây dựng thành tài nguyên công cộng (khái niệm chất thải thành tài nguyên).
EV Solution Platform.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn triển khai giải pháp Mái Năng lượng Mặt trời SCG (SCG Solar Roof Solution) cho phân khúc nhà ở dân dụng và thương mại như các nhà ở tư nhân hay doanh nghiệp cá thể có nhu cầu tiêu thụ điện năng trong ngày.
Mục tiêu doanh số bán hàng thu về 4.615 tỷ đồng (20 triệu USD) trong năm 2021 sẽ giúp cắt giảm chi phí điện năng và cung cấp nguồn năng lượng sạch cho người tiêu dùng. Gần đây, Nền tảng Giải pháp EV (EV Solution Platform) đã được ra mắt nhằm hỗ trợ nhu cầu về xe điện tại Thái Lan.
Ngành Bao bì
Ngành Bao bì phát triển không ngừng với các giải pháp bền vững. Ngành tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh bao bì hạ nguồn trong khu vực ASEAN và tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đầu tư, bao gồm mở rộng năng lực sản xuất và các thương vụ sáp nhập và hợp tác (M&P), đồng thời hợp lực giữa các cơ sở sản xuất.
Gần đây, nhà máy bao bì của SCG tại Fajar (Indonesia) đã bắt đầu hoạt động sản xuất với công suất 400.000 tấn/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường sản xuất bao bì Hiệu suất cao và bao bì Polymer với tổng sản lượng 347 triệu chiếc mỗi năm tại Công ty TNHH Bao bì Visy (Thailand).
Ngành bao bì đã quản lý thành công các rủi ro liên quan đến nguồn nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển hàng hóa nên được hưởng lợi từ sự phục hồi thị trường.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị