Đà Nẵng: Lữ hành, khách sạn chật vật xoay xở vì hơn 90% tour bị hủy
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp lữ hành bị hủy 90-100% đoàn khách cũng như các dịch vụ liên quan. Các khách sạn cũng lâm vào cảnh bi đát không kém. Họ đang tìm cách xoay xở để bớt mất doanh thu, tính kế lâu dài và cầu “phép màu” để quay trở lại sớm nhất có thể.
Con đường khách sạn dọc biển Đà Nẵng một lần nữa trải qua "thời gian ngủ đông" không mong muốn do dịch Covid-19 lại bùng phát. Ảnh: Nhân Tâm |
Ngày nào cũng lo giải quyết khách hủy
Trong thời gian từ 18 đến 25-4, Công ty TNHH Du lịch Phiêu lưu Việt (Viet Adventure), đón hơn 500 khách đi du lịch đến Đà Nẵng. Công ty cũng nhận rất nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách về Đà Nẵng sau thành công của chương trình kích cầu du lịch mang tên “Miền di sản diệu kỳ” và kỳ vọng sẽ đón nhiều khách trong “thời gian vàng” (đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 và thời gian hè sau đó).
Nhưng mọi thứ xoay 180 độ sau đó, bắt đầu từ 28-4 khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên.
“Các đoàn đi chơi dịp lễ gần như huỷ toàn bộ, khoảng 90%”, ông Hồ Thanh Tú, Giám đốc Viet Adventure, chia sẻ.
“Sau đó, khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng tại các tỉnh thành với nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng thì hiện tại tất cả các đoàn trong tháng 5 đều đã huỷ. Các hợp đồng chuẩn bị ký trong tháng 6 và 7 cũng tạm hoãn, các đoàn đã ký hợp đồng từ tháng 5 đến tháng 7-2021 đều nhận thông báo hoãn chờ tới khi dịch được kiểm soát.”
Theo ông Tú, công ty mất doanh thu vài tỉ đồng và cũng gặp khó khăn là phải bảo lưu toàn bộ tiền cọc tại các dịch vụ lớn như hàng không, khách sạn, gây rất nhiều khó khăn trong việc duy trì nguồn vốn lưu động cho công ty.
Vì vậy, hiện nay công việc chính hằng ngày của vị giám đốc này là đàm phán với các đối tác dịch vụ để nhờ hỗ trợ hoàn tiền cọc để công ty có thêm nguồn để hoàn lại tiền đặt cọc tour cho khách.
“Chủ yếu là các khách lẻ, các khách đoàn vẫn hỗ trợ Viet Adventure bảo lưu để triển khai dịch vụ trong thời điểm sau khi dịch hoàn toàn được kiểm soát”, ông Tú nói và chia sẻ hiện nay công ty tập trung thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 nên yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc trực tuyến, tránh tập trung và tiếp xúc trực tiếp lẫn nhau.
Theo ghi nhận, hiện nay giám đốc các công ty lữ hành lớn nhỏ đều lâm vào cảnh tương tự và “bận rộn” như Viet Adventure. Thậm chí, nhiều công ty còn bi đát hơn khi đã trót vay ngân hàng hoặc dùng tiền tích lũy còn lại đầu tư lại sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách trong thời gian vàng này.
Qua nắm thông tin từ các đơn vị lữ hành, Sở Du lịch Đà Nẵng ghi nhận, các đoàn khách du lịch trong tháng 5-2021 đã hủy 90-100%. Lượng khách lẻ đặt dịch vụ (vé máy bay, lưu trú…) cũng rất ít.
Các cơ sở lưu trú cũng lâm vào tình cảnh khó khăn không kém khi một số khách sạn và resort có công suất phòng lớn chứng kiến hủy gần như toàn bộ đặt phòng trong tháng 5 và tháng 6-2021. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến ngày 11-5, số lượng khách lưu trú còn lại trên địa bàn thành phố hơn 700 khách (không bao gồm 1.900 khách lưu trú dài hạn). Khách hiện nay còn lưu trú tại cơ sở lưu trú chủ yếu là khách đi công tác và khách ở dài hạn để làm việc.
Trước 30-4, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Khu phức hợp Furama resort và villa cũng như Cung hội nghị quốc tế Ariyana, xác định mục tiêu đạt 50% tỷ lệ kín phòng (Furama có gần 200 phòng và 70 căn biệt thự), với lượng đặt phòng rất cao; trong khi đó, Ariyana nhận đặt gần 30 sự kiện.
“Hiện tại thì số lượng phòng huỷ đến 90%, giờ tỷ lệ kín phòng chỉ chiếm dưới 10%/tháng. Các đoàn và sự kiện họ đều hoãn lại”, ông Quỳnh nói và chia sẻ giải pháp tạm thời là đóng cửa toàn bộ hoặc chỉ mở cửa rất ít phòng cũng như dịch vụ để tiết kiệm tối đa, cho nhân viên nghỉ bù hoặc nghỉ phép, tập trung vào công tác bảo trì bảo dưỡng, xem xét các phương án tiết kiệm cũng như tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Quỳnh cho biết Furama hiện nay đang hỗ trợ triệt để dành cho đối tác lữ hành, như trả lại tiền cọc nếu như khách muốn huỷ hoặc khích lệ khách giữ lại tiền cọc cho đến cuối năm 2021.
Bất định cho du lịch an toàn trong tương lai
Chia sẻ thêm với KTSG Online, ông Quỳnh, cũng là Phó chủ tịch Hội khách sạn cho biết, qua các thời kỳ bùng phát của dịch thì các doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm, quy trình “dừng” và “triển khai” hiệu quả cơ sở và chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, về thời gian quay trở lại, hè này hay cuối năm, ông cho rằng tương lai thật sự khó đoán định.
Tất cả phụ thuộc vào thời điểm dịch được kiểm soát. “Nếu có kỳ vọng thì kỳ vọng vào thị trường nội địa, vì vậy doanh nghiệp mong muốn dịch được kiểm soát và du lịch được an toàn”, ông Quỳnh nói.
Ngành du lịch Đà Nẵng đang nóng lòng đón khách trở lại trong an toàn. Ảnh: Nhân Tâm |
Ông Hồ Thanh Tú, cũng là Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, có cùng quan điểm và cho biết chắc chắn là không còn mùa hè dành cho doanh nghiệp du lịch.
“Tôi dự đoán khả quan lắm thì cũng giữa tháng 6 mới kiểm soát hoàn toàn. Sau đó, mất ít nhất 30 ngày nữa để đảm bảo không còn ca cộng đồng thì thời gian còn lại không giải quyết được gì khi tâm lý khách vẫn còn lo ngại”, ông Tú nói.
Ông chia sẻ thêm, để tiếp tục duy trì hoạt động, bản thân công ty ông sẽ tính đến phương án trao đổi với nhân viên để cùng hỗ trợ trong việc phân bổ lại thời gian làm việc, xây dựng lại các hoạt động training, cơ cấu lại sản phẩm dịch vụ... cũng như đàm phán việc giảm lương để cắt giảm bớt chi phí và chờ cơ hội phục hồi sau khi dịch hoàn toàn kiểm soát.
Về mặt quản lý nhà nước, Sở Du lịch Đà Nẵng đã ban hành công văn gửi đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch; Hiệp hội Du lịch; Hội Lữ hành, Khách sạn… đề nghị triển khai áp dụng bản đồ an toàn Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo thành phố.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai ngay việc sử dụng, cập nhật thông tin thường xuyên lên ứng dụng bản đồ chống dịch - An toàn Covid-19; đồng thời theo dõi mức độ an toàn của cơ sở mình và có giải pháp khắc phục kịp thời để cơ sở mình bảo đảm an toàn chống dịch để phục vụ khách cách ly hiện tại cũng như khi du khách quay trở lại trong tương lai.
Ông Tú dự đoán đặc tính và tâm lý du khách sẽ thay đổi sau dịch. Khách sẽ không còn đặt tour sớm khi không biết tình hình dịch mà chỉ đặt trước vài ngày khi thực sự có nhu cầu. “Và như vậy thì các công ty cũng không dám lên các kế hoạch làm tour sớm”, ông Tú chia sẻ.
“Bài học là không bao giờ được chủ quan, và luôn ở tâm thế chủ động khi có các nguy cơ dịch bệnh và các sự cố khác”, ông Quỳnh nói.
Xem thêm: lmth.yuh-ib-ruot-09-noh-iv-ox-yaox-tav-tahc-nas-hcahk-hnah-ul-gnan-ad/552613/nv.semitnogiaseht.www