Giá thức ăn tôm bị các doanh nghiệp ngoại chi phối kéo theo giá thành sản xuất tôm tại Việt Nam tăng cao. Chuỗi liên kết ngành tôm đang có nguy cơ đổ vỡ ngay từ khi chưa thu hoạch được tôm.
Thị trường thức ăn bị doanh nghiệp ngoại thao túng
Đầu năm 2021, hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản thông báo tăng giá.
Đơn cử như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 1.500 đồng/kg kể từ ngày 1.3; Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam từ ngày 1.4 áp giá bán mới với tất cả các sản phẩm thức ăn tôm cao hơn 1.200 đồng/kg; Công ty TNHH Tongwei cũng đã tăng giá thức ăn tôm từ ngày 5.2 với mức tăng từ 1.200 - 1.400 đồng/kg... Theo giải tích của các doanh nghiệp do giá nguyên liệu đầu vào của ngành này tăng từ 16 - 51% và chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu so với năm 2020.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định: “Giá thức ăn tăng như vậy, chắc chắn giá thành tôm nuôi sẽ tăng. Bởi, thực tế giá thành tôm nuôi 70% giá thức ăn quyết định”.
Nguy cơ gãy chuỗi liên kết
Ông Trần Văn Tân, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bộc bạch: “Thường thì cái gì mình mua nhiều, xài nhiều sẽ được khuyến mại, giảm giá, nhưng riêng lĩnh vực nuôi tôm mua càng nhiều càng phải chịu mức giá cao. Nghịch lý này hầu như bà con nuôi tôm nào cũng thấy, nhưng không mua, không lấy hàng của họ thì cũng chẳng biết chọn lựa ở đâu. Bởi vậy, bà con mình mấy năm gần đây dù có nuôi thành công thì lợi nhuận cuối vụ cũng chẳng đáng là bao so với vốn liếng, công sức đã bỏ ra”.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hội nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu, tính toán: “Nếu thức ăn nuôi tôm được đưa đến tận tay nông dân, giá thành giảm được 20% chi phí hoa hồng, thì giá thức ăn tôm sẽ thấp hơn và sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Song, điều này khó thực hiện vì việc sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiện tại rất yếu. Đại lý và “đầu nậu” vì thế có thể “làm mưa làm gió”, thậm chí công ty sản xuất cũng còn phải e ngại họ”.
Sở dĩ các đại lý cung ứng thức ăn, trang thiết bị đầu vào có “quyền hành” như trên là vì họ bán hàng trả chậm cho nông dân, trong khi các công ty sản xuất không làm được như vậy. Mặt khác, các đại lý có khả năng cho vay gối đầu, người nuôi tôm lại có “xu hướng” chuộng kiểu “ăn trước trả sau” nên lệ thuộc nhiều vào họ.
Ông Trần Thanh Quynh, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đưa ra giải pháp: “Vấn đề này chỉ giải quyết được nếu chuỗi liên kết có sự tham gia của Nhà nước, tức là ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho công ty cung ứng có thể bán hàng trả chậm cho nông dân theo cách mà các đại lý đang làm hiện nay”.
Nhiều trang trại đã giải quyết vấn đề giá thành bằng cách đơn giản nhất là đến trực tiếp các công ty sản xuất để mua mà không qua đại lý, ngay lập tức họ giảm được 20% chi phí thức ăn.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, nêu lên nguy cơ: “Chuỗi liên kết, nói thì rất dễ, nhưng thực tế giá thức ăn do các doanh nghiệp sản xuất quyết định. Họ cũng có cái khó của họ là nguyên liệu đầu vào tăng cao kéo theo giá tăng. Một khi giá thức ăn tăng, giá thành tôm nuôi cũng tăng điều này khiến người nuôi gặp khó”.
Theo ông Ly, đây là câu chuyện kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay chưa giải quyết được.
Xem thêm: odl.194809-ov-od-oc-yugn-oc-mot-hnagn-taux-nas-iouhc/et-hnik/nv.gnodoal