Thị trường chứng khoán đã xác lập những phiên giao dịch khớp lệnh tỉ USD. Hơn 110 nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 4. Dư nợ margin đạt 101,4 nghìn tỉ đồng là những con số đáng chú ý.
Dòng tiền liên tục đổ vào chứng khoán
Nói về nguyên nhân vì sao giá chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tăng mạnh thời gian qua, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định có bốn nguyên nhân chính.
“Đầu tiên là dòng vốn rẻ từ các gói hỗ trợ của chính phủ, từ lãi suất cho vay thấp.
Thêm vào đó, vai trò hàn thử biểu nền kinh tế của thị trường chứng khoán đang bị lung lay khi mà mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán với nền kinh tế thực trở nên lỏng lẻo. Năm 2020 kinh tế thế giới suy thoái song giá chứng khoán vẫn tăng khá mạnh.
Hiện tượng phân tán giá chứng khoán rất rõ nét, một số nhóm trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, sắt thép… tăng mạnh, trong khi giá chứng khoán nhiều lĩnh vực khác như vận tải, du lịch, giáo dục – đào tạo… giảm mạnh.
Và cuối cùng là tâm lý bầy đàn và đòn bẩy tài chính luôn hiện hữu, nhất là đối với thị trường chứng khoán Việt Nam”, TS Cấn Văn Lực cho biết.
Chứng khoán tăng nóng, liên tiếp phá các đỉnh kỉ lục mới.
Những con số tài khoản mở mới trên thị trường chứng khoán cũng đủ thấy giật mình. Từ đầu năm 2021, thị trường chứng khoán đã có những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh tỉ USD.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101,4 nghìn tỉ đồng, tăng 53,6 nghìn tỉ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương với tăng 53%. Con số này tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện nay”.
Có tới hơn 110 nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 4. Như vậy, trung bình mỗi ngày làm việc, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 5.500 tài khoản chứng khoán (không kể thứ 7, chủ nhật và 2 ngày nghỉ lễ trong tháng).
Số liệu Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, lũy kế 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tính tới cuối tháng 4, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,1 triệu, tương đương khoảng 3,1% dân số.
Theo đánh giá của các chuyên gia SSI, Việt Nam là điểm sáng hút vốn tháng 4 của khu vực Châu Á nhờ dòng vốn ETF. Dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là nhờ quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng, đóng góp 7.800 tỉ đồng, bên cạnh nhiều quỹ ETF khác duy trì dòng tiền tích cực như VFM VNDiamond.
Ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF tiếp tục bị rút ròng -111 tỉ đồng. Các quỹ chủ động vẫn rút ròng vốn tháng thứ 8 liên tiếp chỉ còn rút ròng tháng 4 là 41 triệu USD, đã giảm 54% so với tháng trước và rất nhỏ bé so với lượng vốn ETF vào thị trường Việt Nam.
Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 273 tỉ đồng sau 6 tháng liên tiếp bán ròng trước đó. Dù kết quả này được đóng góp bởi giao dịch thỏa thuận VHM mua 2.189 tỉ đồng ngày 9.4.
“Với tổng tài sản 8.200 tỉ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO. Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên kỳ vọng xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì không chỉ ở quỹ Fubon và cả các ETF khác. Do đó, dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5 có thể không mạnh như tháng 4 nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực”, chuyên gia SSI nhận định.
Xem thêm: odl.546809-gnourt-iht-oav-yahc-ta-o-neit-iom-cul-ik-ahp-peit-neil-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal