Cầu vượt thép bộ hành chữ Y - Ảnh: A. Đ.
Đây là nút giao thông lớn có lưu lượng phương tiện, người đi bộ qua lại nhiều vì gần công viên, trường học, cơ quan nhà nước, văn phòng… nên cầu vượt đi vào hoạt động không chỉ đẹp về mỹ quan mà còn góp phần thiết thực vào nhu cầu thực tế của người dân.
Anh Lê Trần Trung Hiếu (sinh viên năm 2, Trường ĐH Lao động - Xã hội) cho biết ở trọ tại đường Láng Hạ nên ngày nào cũng đi tới trường qua nút giao thông này.
"Tới giờ tan tầm, nhiều xe, người qua lại tạo nên cảnh hỗn loạn. Có cầu, người đi bộ, đi xe đạp muốn qua đường sẽ thuận tiện hơn. Hà Nội có nhiều cầu vượt cho người đi bộ nhưng tôi thấy đây là cây cầu 'siêu đẹp', đẹp như thơ vậy. Mấy hôm trước tôi với nhóm bạn còn qua đây để chụp ảnh, chờ ngày cầu được khánh thành…" - Hiếu nói.
Sống tại một tòa nhà chung cư trên đường Láng Hạ nhưng ông Trương Anh Thìn (67 tuổi) cho biết dù gần công viên Thanh Xuân nhưng lười đến vì "ngán" qua đường mỗi giờ tan tầm.
"Để tránh giờ tắc đường, vợ chồng tôi thi thoảng chạy thể dục thường đi vào sáng sớm. Công viên Thanh Xuân đẹp, nhiều cây xanh, có hồ nước rộng nhưng rất ít người vào bởi một phần không tiện giao thông..." - ông Thìn nói.
Cầu vượt thép nhìn từ ngã tư Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ
Phòng văn hóa và thông tin (UBND quận Thanh Xuân) cho biết đây là một trong những công trình của quận chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập quận (1996 - 2021).
Phòng văn hóa và thông tin cho biết thêm: "Cầu được thiết kế 3 trụ chính sử dụng kết cấu thân trụ thép, nhồi bêtông, bệ bêtông cốt thép. Đây là cây cầu vượt được đánh giá là công trình có tính thẩm mỹ cao, đẹp nhất trong các cầu bộ hành hiện nay trên địa bàn Thủ đô".
Cầu đang được gấp rút thi công những hạng mục còn lại - Ảnh: QUANG THẾ
Chiều 12-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết: "Cầu sử dụng kết cấu phần trên dạng dầm hộp thép, có thiết kế mái che phục vụ người lưu thông trên cầu. Hai bên thiết kế lan can mỹ thuật tạo dấu ấn kiến trúc cho công trình. Cầu thép bộ hành chữ Y được thi công từ tháng 5-2020 và dự kiến khánh thành ngày 30-6 tới".
Điểm đầu cầu vượt tại vỉa hè đường Hoàng Minh Giám phía công viên hồ điều hòa Nhân Chính, điểm cuối cầu vượt tại 2 bên vỉa hè đường Nguyễn Thị Thập giao với đường Hoàng Minh Giám. Phần cầu vượt bộ hành có bề rộng 4,0m, tổng chiều dài cầu 49,0m.
Cầu bộ hành hướng ra công viên Thanh Xuân - Ảnh: A. Đ.
Nhìn ra hướng đường Láng Hạ - Ảnh: A. Đ.
Cầu vượt thép bộ hành chữ Y đi vào hoạt động sẽ giúp người dân qua lại nút giao thông này thuận tiện hơn - Ảnh: QUANG THẾ
Cầu Hải Long nối khu đô thị Ecorivers với trung tâm thành phố Hải Dương vừa được khánh thành ngày 15-4. Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: “Cầu Hải Long là cây cầu đẹp nhất Hải Dương, cây cầu này khi hoàn thành thắp sáng toàn bộ vùng Đông Nam của tỉnh"