Sáng 12-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1 (TP.HCM) đã tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV - đơn vị bầu cử số 2 và ĐB HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 - đơn vị bầu cử số 4.
Phát triển nguồn lực con người, khai thác hiệu quả quỹ đất
Tại hội nghị, các cử tri quận 1 bày tỏ mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử sẽ có giải pháp phát huy nội lực, nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc xây dựng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.
Cử tri Đặng Quốc Hùng mong muốn các ứng cử viên quan tâm xây dựng chính sách phát triển DN trong và ngoài nước, tập trung vào nhóm lao động, khoa học kỹ thuật để giải quyết việc làm và tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế TP.HCM.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết phát triển nguồn lực là vấn đề TP đặc biệt quan tâm, đó là nguồn lực con người, tài chính, đất đai.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với cử tri tại hội nghị. Ảnh: MINH TÂM
Theo ông Phong, về nguồn lực con người là đội ngũ trí thức rất lớn. Riêng đội ngũ trí thức giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học trên địa bàn TP, cũng như đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo thông qua các chương trình liên kết với các nước đã tạo nên điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển TP. Ngoài ra, TP cũng có đội ngũ những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, cần phát huy nguồn lực này cho sự phát triển của TP.
Về nguồn lực đất đai, ông Phong cho biết hiện nay công nghiệp và dịch vụ của TP đóng góp hơn 99% tổng giá trị sản phẩm, trong khi ngành nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% nhưng diện tích đất dành cho nông nghiệp chiếm hơn 50%. Do vậy, đất đai cho hạ tầng công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị… là một bài toán đặt ra trong thời gian tới.
Ông Phong cho biết hiện TP đang rà soát lại các khu công nghiệp xem chỗ nào chưa lấp đầy để thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó, do nguồn lực nhà, đất công còn rất lớn nên TP đang cho rà soát lại, bán đấu giá, chuyển mục đích sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên đất, nhất là đất nông nghiệp để góp phần đầu tư phát triển hạ tầng…
Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)
Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết TP cũng có đề án phát triển giáo dục thông minh từ nay đến năm 2030; đề án đào tạo nguồn nhân lực ngang tầm quốc tế thuộc tám lĩnh vực phục vụ cho việc triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số.
Đặc biệt, TP đã thành lập hội đồng tư vấn về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Với việc này, ông Phong cho biết các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của TP, trong đó Trường ĐH Quốc gia hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đào tạo AI của khu vực.
Riêng đối với vấn đề y tế, ông cho biết TP có định hướng xây dựng y tế thông minh, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á. “TP hoàn toàn có thể trở thành trung tâm y khoa của khu vực vì có đội ngũ y, bác sĩ rất giỏi. Vấn đề đặt ra là đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại và đưa ra các điều kiện nâng cao chăm sóc sức khỏe, trí lực, thể lực cho người dân” - ông Phong nói.
Còn đối với vấn đề phát triển DN, ông Phong cho biết trên địa bàn TP đa phần là DN siêu nhỏ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng những tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh.
Để làm được điều này, TP đang giao Sở Công Thương xây dựng chính sách tạo điều kiện để thúc đẩy xây dựng những tập đoàn kinh tế lớn. Trên cơ sở tập đoàn kinh tế lớn sẽ tạo ra sự liên kết với DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế TP. “Để DN phát triển bền vững và khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường không có con đường nào khác là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số” - ông Phong nói.
Còn về nguồn lực về vốn, ông Phong cho biết cùng với việc mở ra môi trường thu hút các nguồn vốn đầu tư DN trong nước thì TP cũng mở rộng hội nhập, kinh tế đối ngoại để thu hút nguồn lực nước ngoài thông qua các dự án FDI. Hiện nay, trên địa bàn TP có hàng ngàn DN từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư.
“Từ đó, tới đây TP cần có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là bài toán đặt ra cho các ngành, các cấp” - ông Phong nói.
Chỉ đạo giải quyết ngay việc dân nêu
Ông Nguyễn Thành Phong là ứng cử viên ĐB HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 - đơn vị bầu cử số 4 (quận 1).
Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết nếu được bầu làm ĐB HĐND TP nhiệm kỳ tới, ông sẽ liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe ý kiến đóng góp và nguyện vọng của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, chỉ đạo giải quyết ngay những vấn đề mà cử tri nêu theo thẩm quyền.
Ông cam kết sẽ không quan liêu, tham nhũng; lấy lợi ích của Đảng và Nhà nước, nhân dân làm cơ sở cho mọi hành động của mình; tận tụy, nhiệt tâm, tất cả vì sự phát triển của TP.HCM.
Đặc biệt, ông nêu sáu nội dung để thực hiện khát vọng phát triển, đưa TP trở thành đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là:
Một là tập trung xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hai là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Ba là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế.
Năm là đẩy mạnh công tác phòng chống dịch COVID-19.
Sáu là xử lý nghiêm tiếng ồn từ karaoke, giải quyết cơ bản vấn đề chỉnh trang đô thị, ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung đánh mạnh vào tội phạm cướp giật, trộm cắp
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, là ứng cử viên ĐB Quốc hội khóa XV - đơn vị bầu cử số 2 (các quận 1, 3 và Bình Thạnh). Tại cuộc tiếp xúc sáng 12-5, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho rằng dưới tác động của đại dịch COVID-19 đã làm cho các loại tội phạm gia tăng vì nhiều người thất nghiệp, đời sống khó khăn. Theo Đại tá Quang, để xây dựng là TP đáng sống và văn minh thì kỷ cương, kỷ luật phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, ngành công an có các giải pháp đảm bảo an toàn, kéo giảm tội phạm, nhất là những loại tội phạm gây bức xúc trong nhân dân như cướp giật, cướp, trộm cắp (chiếm tỉ lệ gần 80% tội phạm). “Phải tập trung đánh mạnh vào ba loại tội phạm này thì mới mong kéo giảm được tội phạm. Giải pháp quan trọng là phòng ngừa, giải quyết các vấn đề xã hội như hạn chế thất nghiệp” - ông Quang nói. Về tội phạm trên không gian mạng, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định hiện đang gia tăng, đặc biệt là tội lừa đảo qua mạng, tấn công các trang website của DN và cá nhân, trộm cắp thông tin người dùng để lừa đảo. “Lừa đảo hiện nay rất phổ biến và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù lực lượng chức năng tuyên truyền rất nhiều. Chúng tôi tuyên truyền nhiều nhưng tại sao tội phạm lừa đảo trên mạng vẫn gia tăng?” - ông Quang đặt câu hỏi và cho rằng điều này đặt ra vấn đề về công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác. Việc này được thực hiện chưa tới và người dân chưa thực sự quan tâm đến việc đề cao cảnh giác tội phạm lừa đảo trên mạng. Một nguyên nhân khác là do một số người dân hạn chế về hiểu biết, tội phạm đánh vào lòng tham nên bị mất cảnh giác. Đối tượng lừa đảo giả danh công an, kiểm sát, thuế vụ… gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền thì một số người hoảng hốt và chuyển tiền. “Cơ quan công an, cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại, chúng ta phải thống nhất quan điểm này” - ông Quang nói. Ngoài ra, một phần cũng do các công ty, DN tập trung vào kinh doanh mà coi nhẹ việc bảo mật thông tin nội bộ. “Vừa qua, Công an TP.HCM đã xử lý một đối tượng chỉ là một em học sinh lớp 11 nhưng lại sở hữu hơn 1 triệu module - các máy trạm liên tục tấn công bất kỳ trang website nào” - ông Quang nói. |