Sau khi tập 2 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 được phát sóng, Shark Phú đã nhận về nhiều chỉ trích cùng những bình luận trái chiều, xung quanh đánh giá của vị “cá mập” về CEO Wiibike.
Cụ thể, trong màn gọi vốn của nữ CEO Wiibike – Thu Hằng, shark Phú đã có câu cảm thán: "Chắc là anh mải nhìn em rồi nên anh chẳng nhìn thấy gì khác biệt cả".
Ngoài ra, lời đề nghị đầu tư sau đó cũng gây chú ý.
"Em không cần giải thích gì thêm về business (mô hình kinh doanh – PV). Với anh chỉ cần liếc mắt là biết business nào rồi. Nên anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1,5 tỷ cho 10% cổ phần", ông chủ Sunhouse nói.
Điều này khiến nhiều người cho rằng ông không hề quan tâm đến doanh nghiệp mà chỉ nhìn mặt nữ CEO để đưa ra quyết định đầu tư. Thậm chí, lời bình phẩm của Shark Phú còn bị đánh giá là phản cảm, lố bịch, cợt nhả về giới tính.
"Từ bao giờ "xinh" trở thành tiêu chí đánh giá năng lực phát triển sự nghiệp của phụ nữ?", một nhà văn nhận đinh.
Trong khi Shark Phú vẫn giữ im lặng giữa "bão" dư luận thì bà Trương Lý Hoàng Phi – từng là "cá mập" khách mời của chương trình, đã có một vài bình luận liên quan.
"Nếu không quan tâm đến business, chắc hẳn sẽ không bỏ tiền ra đầu tư đâu.
Hồi trước, mình cũng có vài tình huống, lúc đó mình chỉ quan tâm đến nhà sáng lập, vì đó là một người, một team rất giỏi, chăm chỉ và đã theo đuổi mô hình kinh doanh trong một thời gian dài nhưng công ty kiểu như là "start" mà chẳng "up". Quá trình trao đổi, hội đồng đầu tư lúc đó đều thấy vấn đề nằm ở business mindset và business model chưa đúng hướng. Khi đó, mình cũng cố thuyết phục hội đồng đầu tư là nên đầu tư ở một mức độ nào đó cho công ty vì mình tin vào giá trị của việc thành viên hội đồng đầu tư sẽ hỗ trợ định hướng cho startup này, cộng với tài năng và sự chăm chỉ thì kết quả sẽ khả quan hơn.
Tuy nhiên, lúc đó, một ý kiến nói với mình rất rõ ràng: Thôi Phi à, chúng ta đừng đầu tư để các bạn ấy hiểu ra và đi làm việc khác có giá trị cao hơn. Lãng phí tài năng và thời gian vì gieo cho các bạn niềm hy vọng vào một thứ không "up" nổi thì cũng không phải tốt đâu
Vậy nên, đúng là nếu không quan tâm đến business thì chắc hẳn là không đầu tư đâu, trừ khi nhà đầu tư đó trả rất nhiều tiền acquire công ty với mục đích acquihire (mua công ty để lấy nhân tài rồi làm việc khác)", bà viết trên Facebook cá nhân.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - người từng là "cá mập" khách mời của chương trình ở những mùa trước.
Nói ngắn gọn, bà Trương Lý Hoàng Phi cho rằng nhà đầu tư không bao giờ dại dột "xuống tiền" mà không quan tâm đến mô hình kinh doanh hay tình hình tài chính, hướng đi của startup.
Cũng xoay quanh những chỉ trích "Shark Phú chỉ nhìn mặt CEO mà không quan tâm doanh nghiệp", chính người trong cuộc là CEO Thu Hằng đã lên tiếng: "Câu mà bạn nói đến nằm ở phần chốt deal, sau khi các Shark đã không còn câu hỏi nào đặt ra cho Wiibike nữa. Xét trong hoàn cảnh lúc đó, tôi hiểu ý Shark Phú rằng: "Anh hỏi xong rồi nên không còn quan tâm đến business của em nữa. Anh chỉ quan tâm đến người sáng lập thôi". Shark không nói đến vẻ bề ngoài như một số ai đó đã hiểu không hết ý. Tôi nghĩ việc Shark Phú đặc biệt quan tâm đến Founder là việc hết sức bình thường. Shark Phú cũng đã từng nhiều lần khẳng định ý này trên Shark Tank rồi".
Thực tế, trước đây, ông chủ Sunhouse đã nhiều lần chia sẻ về quan điểm nhìn tướng của nhà sáng lập startup.
"Tinh và tướng là hai từ mà ông bà ta thường nhắc tới. Đó là yếu tố rất quan trọng của con người. Con người đầu tiên phải có sức khỏe. Tướng mạo thể hiện qua sức khỏe, sự tràn đầy sức sống. Tinh là ánh mắt thể hiện khát vọng. Sự cháy bỏng, kiên trì thể hiện qua ánh mắt đó", ông lý giải thêm về cách đánh giá của mình".
"Trong 10 giây đầu tiên, founder phải có "tướng" thủ lĩnh, nếu không thì 90% khả năng tôi sẽ loại bỏ".
Ở một sự kiện khác, vị thủ lĩnh Sunhouse tiết lộ rằng với các startup đã có sản phẩm hiện hữu, tròn trịa, ông sẽ nhìn vào doanh số, lợi nhuận để quyết định đầu tư. Các chỉ số đó cho thấy sản phẩm có được người dùng tiếp nhận hay không; nếu không tiếp nhận thì doanh nghiệp đó dễ "chết" trong tương lai.
Tuy nhiên, với nhiều trường hợp startup mới có ý tưởng, chưa định hình thành sản phẩm hay bức tranh tài chính rõ ràng, Shark Phú sẽ sử dụng nhân tướng học để ra quyết định.
"Ví dụ tôi nhìn tướng, thấy người này bây giờ chưa phát nhưng sau này phát, có thể thành tỷ phú thì lúc ấy tôi chả quan tâm đến sản phẩm nữa. Tôi tin người đó thành công nên tôi sẽ ném tiền vào", Shark Phú cho hay.
Hoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị