Việc VinGroup quyết định đóng mảng sản xuất smartphone và tivi của VinSmart cho thấy một sự quyết đoán sớm sủa nhằm chuyển hướng chiến lược tập trung nguồn lực cho ôtô VinFast với mục tiêu đưa thương hiệu này “trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới”.
Thị trường xe điện thông minh còn rộng mở
Đó là mục tiêu được VinGroup đề cập trong thông cáo phát đi về quyết định đóng mảng sản xuất điện thoại và tivi.
Còn trước đó, vào ngày 22.1.2021 khi VinFast chính thức ra mắt 3 dòng xe điện tự lái, công ty này cũng cho biết “đây là cột mốc quan trọng, khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu của VinFast; đồng thời góp phần đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới”.
Trên thực tế, tầm nhìn về tương lai xe điện thông minh trên phạm vi toàn cầu đang được nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này dù đang ở giai đoạn startup nhưng đã đặt ra một cách mạnh mẽ, thậm chí táo bạo.
Đơn cử Tesla – hãng xe điện của tỉ phú Elon Musk, nếu tính về doanh số bán xe thì doanh nghiệp này vẫn đang lỗ hoặc chỉ đạt điểm hòa vốn, song giá cổ phiếu lại liên tục tăng mạnh từ năm 2020 trở lại đây, đưa Tesla trở thành doanh nghiệp ôtô có có giá trị vốn hóa cao nhất ngành, và vừa mới đây vươn lên vị trí doanh nghiệp có vốn hóa cao thứ 5 toàn cầu.
Đơn giản vì, các startup xe điện thông minh đang nằm trong tầm nhìn hướng tới tương lai, là xu thế thời đại, được giới đầu tư kì vọng sẽ là sự thay thế hiệu quả cho ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường.
Tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới là Trung Quốc, từ năm 2019 trở lại đây, doanh số bán xe ôtô điện luôn chiếm mức tối thiểu 10% tổng doanh số bán ra trên thị trường. Trung Quốc cũng là thị trường ôtô nói chung và ôtô điện nói riêng lớn nhất trên thế giới, là nơi Tesla đang chiếm thị phần lớn thứ 2 về ôtô điện.
Và còn nhiều cơ hội cho VinFast
Trước đó trong tháng 4, hai nguồn tin được hai hãng tin về kinh tế tài chính hàng đầu thế giới là Reuters và Bloomberg dẫn lại cho biết, VinFast đang có kế hoạch IPO tại Mỹ với mục tiêu huy động nguồn vốn từ 3-4 tỉ USD. Cũng hai hãng tin này thông tin, mức định giá của VinFast có thể từ 50-60 tỉ USD.
Xét về ngành hàng, với việc sản xuất điện thoại, tivi hay các sản phẩm điện tử, điện máy, điện gia dụng nói chung, rất khó có startup nào khi IPO có được mức giá trị vốn hóa từ 50-60 tỉ USD trong thời gian tới vì những thị trường này đã bão hòa.
Ngành xe điện thông minh đang là xu hướng mới, thị trường không những còn đang rộng mở và gia tăng từng năm, sự cạnh tranh cũng chưa quá khốc liệt, chính là thời cơ cho các startup trong lĩnh vực này.
Nếu xét trên phạm vi khu vực Đông Nam Á, VinFast chính là một trong số rất ít thương hiệu xoay chuyển chiến lược một cách sớm sủa sang xe điện thông minh và vận hành các nguồn lực tổng hợp tập trung cho mũi nhọn này.
Một điều rất đáng chú ý nhưng chưa nhiều người biết, đó là với ngành ôtô truyền thống hầu hết nguồn thu của hãng xe là lấy từ hầu bao người tiêu dùng; tuy nhiên với ngành xe điện thông minh, có một nguồn thu tiềm năng rất lớn chính là bán hạn ngạch phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide (CO2).
Bán hạn ngạch phát thải là nguồn thu chính tạo ra lợi nhuận cho Tesla chứ không phải từ doanh số bán xe. Cụ thể trong 5 năm qua, Tesla thu về 3,3 tỉ USD từ việc bán hạn ngạch phát thải. Riêng năm 2020, nguồn thu này mang về cho Tesla khoảng 1,6 tỉ USD, bù cho các khoảng lỗ và giúp công ty này còn lãi ròng 721 triệu USD.