Nhà máy của Wynnewood tại Heyuan- Tỉnh Quảng Đông- Trung Quốc là nơi sản xuất nhiều loại đồ chơi cũng như một số thiết bị điện tử xuất khẩu cho thị trường Mỹ. Dẫu vậy thời gian gần đây, chủ tịch Bryant Chan của hãng bắt đầu nhận thấy giá cả hàng loạt nguyên liệu như sơn bao bì, ốc vít, lò xo, pin hay bao bì đóng gói đều đã tăng tới 15% từ đầu năm đến nay. Thậm chí những nguyên liệu như hạt nhựa đã tăng giá đến 40%.
"Nói một cách đơn giản là mọi thứ đều tăng giá. Đợt tăng giá này khá mạnh và trải dài cho nhiều loại chi phí hơn so với những lần chúng tôi từng chứng kiến", Chủ tịch Chan than vãn.
Để lấy ví dụ, ông Chan phân tích giá thành sản phẩm của một chiếc máy ảnh mà hãng sản xuất chuyên cho những nhiếp ánh gia chụp thiên nhiên và động vật hoang dã. Bộ phận điện tử chiếm 40% chi phí của chiếc máy đã tăng 10% giá thành. Chi phí đóng gói thường chiếm 10% giá đã tăng thêm 10%. Ngay cả đến bao bì nhựa để bọc sản phẩm cũng đắt hơn so với trước.
Hệ quả là chiếc máy ảnh này giờ đây có chi phí sản xuất đắt hơn 6% so với trước đại dịch.
Nhà máy của Wynnewood tại Heyuan
Theo hãng tin Bloomberg, trường hợp nhà máy của ông Chan không phải cá biệt khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang phải chịu đà tăng giá của hàng loạt mặt hàng trước dịch bệnh, cuộc chiến về bán dẫn với Mỹ hay thậm chí là vụ khủng hoảng kênh đào Suez. Giờ đây, những nhà máy này bắt đầu tăng giá thành phẩm với khách hàng nước ngoài để bù đắp sự gia tăng chi phí, qua đó thúc đẩy một thách thức lạm phát trên toàn cầu.
Xin được nhắc là Trung Quốc chiếm tới 28,7% tỷ trọng hoạt động sản xuất toàn cầu vào năm 2019, cao hơn 10% so với Mỹ. Trung Quốc đã vượt Mỹ về tỷ trọng hoạt động sản xuất vào năm 2010 để trở thành công xưởng của thế giới.
Tổng giá trị ngành sản xuất của Trung Quốc đạt tới 4 nghìn tỷ USD năm 2019, chiếm gần 30% tổng GDP cả nước. Trong khi đó ngành sản xuất của Mỹ chỉ đóng góp có 11% tổng GDP và nền kinh tế số 1 thế giới cũng không còn dựa dẫm nhiều vào mảng kinh tế này.
Làn sóng lạm phát
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tăng mạnh chưa từng thấy kể từ tháng 4/2017 đến nay. Tất cả nguyên liệu từ dầu thô, kim loại đến những con ốc vít hay bảng mạch đều tăng giá mạnh. Hậu quả là tại Mỹ, giá các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng tới 1,8% trong tháng 3/2021 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong gần 9 năm qua.
Hãng tin Bloomberg nhận định hai câu hỏi cần đặt ra hiện nay là liệu đà tăng giá này sẽ kéo dài bao lâu và liệu chúng có lan rộng ra toàn thế giới hay không. Nếu chuỗi cung ứng sản xuất từng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Trung Quốc có thể hoạt động ổn định trở lại thì mọi việc sẽ êm xuôi hơn, thế nhưng tình hình sẽ khá căng thẳng nếu điều đó không xảy ra.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) so với cùng kỳ năm trước của nhiều nước tăng mạnh
Hiện các chuyên gia đang khá lo lắng về lạm phát khi chi phí đầu vào của ngành sản xuất từ từ dồn nén và đẩy giá thành phẩm trong năm nay lên cao, qua đó tác động đến người tiêu dùng. Giá nguyên liệu thô đã tăng 15,2% trong tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm trước.
CEO Christopher Tse của Musical Electronics cho biết các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng tìm cách hạn chế việc tăng giá thành phẩm nhằm giữ tính cạnh tranh nhưng áp lực đang ngày một lớn khi chi phí cứ tăng dần.
"Cuối cùng thì nếu không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi cũng phải tăng giá. Thế nhưng hiện giờ chúng tôi vẫn đang cố thử mọi cách để tiết kiệm chi phí thay vì tăng giá quá mức cho khách hàng", CEO Tse thừa nhận.
Không riêng gì Trung Quốc, hàng loạt nhà máy tại Mỹ, Đức và Hàn Quốc cũng chịu cảnh tương tự. Chỉ số Bloomberg Commodity Index theo dõi giá của 23 loại hàng hóa chủ chốt trên thế giới trong tháng này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này đã tăng hơn 70% kể từ mức đáy 4 năm vào tháng 3/2020.
Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index theo dõi giá của 23 nguyên liệu chủ chốt
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu với hàng Trung Quốc đang khá mạnh khi xuất khẩu của nước này tăng tới 32,3% trong tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể khiến đà lạm phát lan truyền nhanh hơn sang những nền kinh tế khác.
"Tôi không nghĩ chúng tôi có thể chịu đựng được sự tăng giá này nữa. Sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng tôi tăng giá thành phẩm để người tiêu dùng tự chi trả cho đà tăng giá này", ông Wilson Lam, chủ một nhà máy tại Thâm Quyến chuyên sản xuất bao bì cho các nhãn hiệu mỹ phẩm quốc tế và vỏ chai cho rượu whisky thừa nhận.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị