Giá hàng hóa toàn cầu nói chung trong các phiên giao dịch gần đây liên tục tăng mạnh do nguồn cung bị tắc nghẽn khi các nền kinh tế lớn tái mở cửa và tích cực đưa ra chính sách kích thích kinh tế.
Các biện pháp ban đầu đã thất bại
Sở giao dịch Hàng hóa Đại Liên nâng yêu cầu ký quỹ đồng thời nới biên độ giao dịch hàng ngày đối với các hợp đồng quặng sắt từ ngày 11/5, theo thông báo đăng trên website cuối ngày 10/5.
“Có rất nhiều yếu tố bất ổn đang tác động đến sự vận hành của thị trường và giá hàng hóa, đặc biệt là giá than cốc và quặng sắt. Những yếu tố này đã gây nên những đợt biến động mạnh vừa qua. Người tham gia thị trường nên giao dịch một cách hợp lý để bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro và đảm bảo thị trường vận hành một cách suôn sẻ”, thông báo của Sở giao dịch Hàng hóa Đại Liên viết.
Cùng ngày, Sở giao dịch Hàng hóa tương lai Thượng Hải cũng tăng phí giao dịch bằng cách khôi phục phí đóng vị thế đối với các hợp đồng có liên quan tới thép cây và thép cuộn cán nóng ở mức 0,01% giá trị giao dịch.
Tuy nhiên, các biện pháp nhằm “hạ nhiệt” thị trường này lại không có tác dụng khi giá quặng sắt và các loại thép đều chạm mức cao chưa từng thấy trong phiên 11/5. Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 tăng 1,7% lên 1.306,5 nhân dân tệ/tấn (203,2 USD/tấn), giá thép cây và thép cuộn cán nóng tăng ít nhất 4,6% tại Thượng Hải. Theo số liệu của Bloomberg, giá đồng, quặng sắt và thép cây đều đã tăng 86% - 113% trong vòng một năm qua.
Khó kiểm soát giá hơn Trung Quốc nghĩ
Trung Quốc quyết định “ra tay” kìm hãm đà tăng giá của hàng hóa dù tác động ban đầu chỉ là thoáng qua. Bởi họ lo ngại sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng công nghiệp có khả năng đẩy giá lên mức cao mới.
Cốt lõi của đợt bùng nổ trên thị trường hàng hóa lần này cũng như tâm điểm của các cuộc tranh luận về “siêu chu kỳ” chính là nó đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, tức là giá hàng hóa tăng ở hầu hết những nơi có kinh tế phục hồi và chương trình kích thích quy mô lớn. Vì vậy, đây có thể coi là phép thử đối với các nhà chức trách Trung Quốc để tìm ra cách kiểm soát hiệu quả tình trạng chi phí gia tăng khiến giá sản xuất tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2017.
Thực tế, biện pháp ban đầu của sở giao dịch hàng hóa tại Đại Liên và Thượng Hải không phải hoàn toàn không có hiệu quả. Bởi giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore có lúc đã giảm xuống trong phiên hôm qua.
“Tuyên bố của Sở giao dịch Hàng hóa Đại Liên có thể có hiệu quả trong ngắn hạn đối với việc hạn chế biến động về giá trên thị trường cũng như xoa dịu lo ngại về nguy cơ lạm phát tức thời. Tuy nhiên, cho tới khi chúng ta có được sự cân bằng hợp lý trong cơ chế cung - cầu quặng sắt toàn cầu, thị trường sắt thép có vẻ sẽ vẫn đi lên”, Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC, nhận định.
Trung Quốc đang chi tiêu ồ ạt để tạo ra đà phục hồi cho kinh tế. Nhưng đồng thời, họ cũng đang áp dụng các biện pháp hạn chế sản xuất đối với các kim loại, như thép và nhôm, để giảm bớt lượng khí thải nhà kính. Đây là một phần trong cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mang lại một nền kinh tế sạch hơn vào năm 2060. Bắc Kinh cũng giảm mua than và các loại hàng hóa khác, như đồng, từ quốc gia cung cấp chính Australia trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.
Quặng sắt là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường của Trung Quốc. Chính những lo ngại về việc Bắc Kinh có thể mở rộng quy định hạn chế sản lượng thép đã kích thích các nhà máy tăng cường công suất, từ đó đẩy nhu cầu quặng sắt lên cao. Việc giá vật liệu thô này tăng không ảnh hưởng tới các nhà máy do giá thép cũng đang ở mức cao.
Chính phủ Trung Quốc hiện phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách. Bởi họ chính là “tác giả” của nhiều lo ngại về nguy cơ lạm phát.
Hơn nữa, Trung Quốc không còn dẫn đầu về tiêu thụ hàng hóa nữa, và điều này sẽ là trở ngại trong việc tạo ảnh hưởng đến giá hàng hóa của nước này.
“Trong chu kỳ giá trước đó, Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy thị trường hàng hóa đi lên. Khi đó, đây là quốc gia tạo ra hơn 100% tăng trưởng nhu cầu. Còn trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi thấy nhu cầu xuất phát từ nhiều phía hơn nên chu kỳ lần này cũng sẽ mạnh mẽ hơn”, Evy Hambro, giám đốc đầu tư toàn cầu tại BlackRock, nhận định.
Trung Quốc có thể làm gì?
Giá cả hàng hóa tăng mạnh, từ đồng, thép sử dụng trong xây dựng, tới than để sưởi ấm nhà cửa và cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện, tới ngô để làm thức ăn cho gia súc. Đây là mối đe dọa đối với đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc cũng như sức mua của người dân nước này. Vậy Trung Quốc có thể làm gì để kiểm soát đà tăng kỷ lục của thị trường hàng hóa?
Nếu biện pháp của hai sàn giao dịch hàng hóa ở Đại Liên và Thượng Hải không có tác dụng trong dài hạn, Bắc Kinh vẫn còn các công cụ khác để kiểm soát giá, như rút thanh khoản khỏi hệ thống tài chính hoặc hoãn gói kích thích tài chính. Đối với từng mặt hàng, các nhà hoạch định chính sách có thể triển khai các biện pháp cụ thể hơn như tạo ra nguồn cung bổ sung hoặc giải phóng kho dự trữ chiến lược.
Hạn chế giao dịch
Các sở giao dịch hàng hóa bận rộn của Trung Quốc luôn là mối nghi ngờ đầu tiên mỗi khi Bắc Kinh nhận thấy giá biến động quá mạnh. Đấy là lý do khiến Sở giao dịch Hàng hóa Đại Liên tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm trong giao dịch quặng sắt, đồng thời nâng mức giao dịch ký quỹ và thu hẹp biên độ giao dịch hàng ngày. Sở giao dịch Hàng hóa tương lai Thượng Hải cam kết thắt chặt hoạt động giao dịch thép, còn Sở giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu cũng có động thái tương tự với than nhiệt.
Mục đích là để “hạ nhiệt” tâm lý đầu cơ, thứ có thể thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư và tạo ra các đợt tăng giá chóng mặt. Vấn đề là cách tiếp cận này chưa chắc có thể giúp quản lý thị trường hàng hóa vật chất, một loại thị trường có động lực riêng của nó.
Bổ sung nguồn cung
Nỗ lực nhằm tăng nguồn cung than của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao với Australia. Ảnh: Bloomberg. |
Trung Quốc có thể dựa vào cơ quan nhà nước để xoa dịu tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tháng 4, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc yêu cầu các nhà khai thác than tăng công suất mùa đông lên tối đa, một động thái hầu như không ảnh hưởng tới đà tăng của giá than lên kỷ lục gần đây.
Tuy nhiên, nỗ lực nhằm tăng nguồn cung năng lượng của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao với Australia khi Bắc Kinh thông báo đình chỉ vô thời hạn đối thoại kinh tế với Canberra. Nước này sau đó cấm nhập khẩu than từ Australia. Ngoài ra, ít nhất 2 trong số các nhà nhập khẩu khí đốt nhỏ của Trung Quốc được yêu cầu tránh mua thêm hàng từ Australia để giao trong năm tới.
Giải phóng kho dự trữ
Trung Quốc đang cân nhắc bán khoảng 500.000 tấn nhôm từ kho dự trữ quốc gia để “hạ nhiệt” thị trường. Ảnh: Bloomberg. |
Trung Quốc đang cân nhắc bán khoảng 500.000 tấn nhôm từ kho dự trữ quốc gia để “hạ nhiệt” thị trường. Ban đầu, giá có xu hướng giảm như dự kiến nhưng sau đó lại lên cao nhất trong 10 năm qua. Sản lượng đồng năm 2020 của trung Quốc đạt 37 triệu tấn, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sở hữu kho dự trữ nhiều vật liệu khác, từ đồng cho tới các loại thực phẩm như đậu tương, cũng như trữ lượng dầu thô khổng lồ. Bất kỳ động thái mua hay bán nào đối với kho dự trữ này cũng sẽ khiến thị trường hàng hóa thay đổi một cách đáng kể. Vì vậy, kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh có thể sẽ bao gồm việc bổ sung kim loại cơ bản vào các kho dự trữ chiến lược để đảm bảo nguồn cung trong nước và giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Tất nhiên, vẫn có khả năng việc Trung Quốc tăng mua cho kho dự trữ quốc gia sẽ nạp thêm động lực cho đà tăng hiện tại.
Dự trữ thực phẩm
Trung Quốc tăng mua ngô để làm thức ăn chăn nuôi và làm đầy kho dự trữ chiến lược. Ảnh: Bloomberg. |
Trung Quốc cũng đang xây dựng kho nông sản dự phòng. Bắc Kinh đã mua một lượng lớn ngô từ Mỹ cho kho dự trữ quốc gia và có thể bán ra để kìm hãm bất kỳ đợt tăng giá đột biến nào trước vụ thu hoạch trong nước vào quý IV. Các cơ quan quản lý cũng đang hạn chế bán lúa mì trong kho dự trữ quốc gia vì lo ngại các nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ tăng mua vào để thay thế nguyên liệu ngô đắt đỏ, từ đó dẫn tới giá lúa mì vụ mới (tháng 6) lên cao.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang bổ sung kho dự trữ đậu tương lần đầu tiên kể từ năm 2017 để kiềm chế tình trạng lạm phát lương thực. Trước đây, quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng thường xuyên bán thịt lợn trong kho dự trữ quốc gia để “hạ nhiệt” giá trên thị trường.
Kích thích tài chính
Trung Quốc giảm tốc độ đầu tư vào các dự án hạ tầng để kéo giảm nhu cầu. Ảnh: Bloomberg. |
Để giải cứu một nền kinh tế đang suy sụp vì đại dịch Covid-19, Trung Quốc từng triển khai các dự án xây dựng quy mô lớn được nhà nước tài trợ để kích cầu, đồng thời nâng mức tính dụng cung cấp cho thị trường bất động sản. Điều này khiến giá thép và các vật liệu xây dựng khác, như đồng và nhôm, đều “phi mã”.
Vì vậy, sang năm 2021, Bắc Kinh đã giảm hạn ngạch phát hành trái phiếu thường dùng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Chính quyền các địa phương cũng phát hành trái phiếu với tốc độ chậm hơn.
Hiện tại, các nhà giao dịch kim loại đang tìm hiểu xem liệu chính sách tài chính có bị thắt chặt hơn nữa hay không, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đang tập trung ngăn chặn tình trạng bong bóng tài sản.
Chính sách tiền tệ
Mối lo ngại mà nhiều người đặt ra nhất là việc giá hàng hóa lên kỷ lục có kích thích lạm phát toàn cầu hay không, và liệu các ngân hàng trung ương có đang hành động quá chậm để ngăn chặn xu hướng này hay không.
Tháng 4, giá hàng hóa xuất xưởng của Trung Quốc tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2017. Trong bối cảnh như vậy, các thị trường tài chính ở Trung Quốc đều đang đồn đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ vì nước này đang dần phục hồi hoàn toàn từ đại dịch Covid-19.
Đối với kim loại, những yêu cầu cho vay khắc nghiệt hơn sẽ gây ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ của nhiều lĩnh vực, từ bất động sản cho tới ôtô và hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, Bloomberg Economics cho rằng cơ quan này vẫn chưa có đủ động lực để làm như vậy vì giá tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn tương đối thấp.
Xem thêm: nhc.94345249031501202-aoh-gnah-gnourt-iht-auc-gnat-ad-teihn-ah-ed-ig-mal-eht-oc-couq-gnurt/nv.fefac