- Cùng nhau trụ bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
- Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
"Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác định phù hợp với UNCLOS 1982", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
* Liên quan đến phán quyết của tòa án Pháp bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga - công dân Pháp gốc Việt kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của toà án đối với vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam dioxin. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã giữ liên lạc, trao đổi động viên bà Nga và sẵn sàng hỗ trợ phù hợp.
"Chúng tôi ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty sản xuất dioxin của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo trực tuyến. |
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, chấm dứt leo thang căng thẳng, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, bảo đảm an toàn và lợi ích chính đáng của người dân. Đối với vấn đề Đông Jerusalem, lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi giải pháp cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
* Liên quan đến Báo cáo của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ năm 2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Tự do Tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo tín ngưỡng.
"Tuy nhiên báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam", bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Theo Người phát ngôn, nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Bà Lê Thị Thu Hằng đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường sự hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.