Mỹ đang xem xét lại lực lượng của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (ÂĐD - TBD) để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền Washington cũng đang đẩy mạnh xây dựng quan hệ hợp tác với quốc gia Đông Nam Á, tờ Nikkei Asia đưa tin.
Các nước Đông Nam Á là những đối tác tiềm năng
Mục đích chính của việc xem xét lại lực lượng của Mỹ là để có một lực lượng phối hợp trải rộng khắp khu vực khiến đối phương khó ra đòn tấn công ngay lập tức, nhưng vẫn đủ gần các khu vực quan trọng như eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, việc dựng lên các căn cứ quân sự mới, hoặc thậm chí việc tìm kiếm các sân bay và các cảng mà Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ có thể sử dụng luân phiên thì rất khó để thực hiện.
Căn cứ không quân Futenma của Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: KYODO
Năm 2021 đánh dấu 25 năm kể từ khi Washington đồng ý di dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ từ khu vực đông dân cư trên đảo Okinawa của Nhật đến một khu vực ít dân hơn. Tuy nhiên, đến nay nhiệm vụ di chuyển "căn cứ nguy hiểm nhất thế giới" vẫn chưa được hoàn thành. Theo đó, điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến việc đồn trú và triển khai lực lượng.
Mặc khác, Mỹ vẫn đang rất thận trọng trong việc chuẩn bị các nền tảng cơ sở phòng trường hợp sẽ có những đề nghị tương tự trong tương lai.
Khi nói về những nỗ lực xây dựng lòng tin ở ÂĐD - TBD, Quyền Bộ trưởng Lục quân Mỹ John Whitley đặc biệt nhấn mạnh rằng các quốc gia Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ về lâu dài có thể mang lại nhiều khả năng tiếp cận cũng như xây dựng các căn cứ quân sự.
"Chúng tôi đang đàm phán với Indonesia, họ muốn xây dựng một trung tâm huấn luyện quân sự. Chúng tôi sẽ bàn bạc với họ thêm về điều đó và về cách chúng tôi có thể hỗ trợ. Chúng tôi cũng đang tham gia vào chương trình Stryker ở Thái Lan. Đối với Ấn Độ, chúng tôi cũng có sự hợp tác về đồ bảo hộ, lựu pháo và các hình thức hỗ trợ tiềm năng khác” - ông nói thêm.
“Điều mà các đồng minh và các đối tác tiềm năng ở Thái Bình Dương của chúng ta mong muốn là mở rộng quy mô hợp tác và mối quan hệ dựa trên việc xây dựng năng lực” - ông giải thích.
Trong số các quan hệ đối tác mà ông Whitley đã đề cập, sự hợp tác giữa Lục quân Mỹ với Lục quân Indonesia có thể nói là mối quan hệ gắn kết nhất.
Tháng 10-2020, 125 binh sĩ Indonesia đã tới Fort Polk, Louisiana (Mỹ) để tham gia một hoạt động huấn luyện chung tại Trung tâm Huấn luyện sẵn sàng phối hợp. Trong chuyến đi đó, những binh sĩ Indonesia đã học được cách bắn, di chuyển và liên lạc từ những lính Mỹ có kinh nghiệm chiến đấu ở Iraq và Afghanistan.
Ông Whitley cho biết hiện Indonesia đang muốn sở hữu cho mình một trung tâm huấn luyện riêng. Tại Thái Lan, Mỹ vẫn tiếp tục trao đổi để bán thêm xe chiến đấu bộ binh Stryker sau khi Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á nhận loại xe này vào năm 2019.
Trong các nỗ lực ngoại giao quân sự, Lục quân Mỹ tự định vị mình là một “sứ giả” mang lại các cơ hội chiến lược thiết yếu trong khu vực.
Trong một cuộc hội thảo trực tuyến do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức, ông Whitley nói rằng: "Lục quân, cùng với các nỗ lực ngoại giao, có thể là một đối tác vững mạnh và còn là chìa khóa mở cửa của một số quốc gia".
Mỹ gặp khó ở Nhật
Theo truyền thống, Mỹ đã củng cố các lực lượng triển khai ở một số quốc gia chủ chốt. Có 55.000 lính Mỹ - chủ yếu thuộc Hải quân và Thủy quân lục chiến - tại Nhật, trong khi chỉ khoảng 26.400 binh sĩ Mỹ - chủ yếu là từ Lục quân - tại Hàn Quốc. Lục quân Mỹ cũng viếng thăm Úc, Singapore và Philippines trên cơ sở luân phiên.
Tuy nhiên, với những cải tiến về tên lửa của mình, Trung Quốc có thể phá hủy căn cứ đồn trú Mỹ chỉ với một đòn không kích.
Khả năng tấn công chính xác - hay "hỏa lực tầm xa" theo cách gọi của Lục quân - nhằm đánh bại lá chắn chống xâm nhập-chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc. Theo đó, lá chắn này của Trung Quốc vốn là để tìm cách đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 30-3, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville đã nói về các thách thức chính trị khi thuyết phục các đồng minh như Nhật Bản cho Mỹ đặt căn cứ của lực lượng đặc nhiệm đa nền tảng (MDTF) và vũ khí tầm xa, tầm trung trên lãnh thổ của họ.
Ông cho biết đó là một "quyết định chính trị" và sẽ được định hình bởi đường lối ngoại giao giữa Mỹ với các nước đồng minh và đối tác, dựa trên lợi ích an ninh quốc gia của họ.
Ông Jeffrey Hornung - nhà khoa học chính trị chuyên về Nhật Bản tại tổ chức phi lợi nhuận Rand Corp, Mỹ - cho biết việc cho phép triển khai hệ thống tên lửa tầm xa ở Nhật Bản có thể vấp phải sự phản đối chính trị rất gay gắt.
Ông Hornung nhận định rất khó để thuyết phục các địa phương chấp nhận việc triển khai hệ thống phòng thủ của Mỹ, do lính Mỹ vận hành, khi mà nó chính là mục tiêu trong làn sóng tấn công đầu tiên.
Tại Okinawa - nơi tập trung hơn 70% căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật - những hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang được theo dõi cặn kẽ.
Ông Mike Mochizuki - Nhà khoa học Chính trị tại Đại học George Washington - nói rằng "có hai xu hướng tương đối mâu thuẫn" đối với Okinawa trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
"Một là do năng lực quân sự của Trung Quốc tăng mạnh, các khí tài quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật - đặc biệt là ở Okinawa - trở nên dễ bị tấn công hơn. Do đó, Mỹ cần phải phân tán lực lượng của mình, chuyển từ việc tập trung lực lượng ở Okinawa sang việc phân tán qua các vùng khác của Nhật Bản" - ông Mochizuki nói.
"Mặt khác, việc các căn cứ Mỹ dễ bị tấn công và chiến lược chống tiếp cận-chống xâm nhập của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ nỗ lực tăng cường sự hiện diện quân sự ở Okinawa, cũng như khu vực khác của Nhật" - ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Mochizuki nói rằng khi vị thế của Nhật Bản ở ÂĐD - TBD tăng lên, "Nhật và Okinawa sẽ không ngần ngại bày tỏ mối quan ngại của mình với Mỹ về sự gia tăng đối đầu chiến lược Mỹ - Trung, đồng thời đề xuất biện pháp giảm bớt sự hiện diện quân sự Mỹ và gánh nặng cho Okinawa".