Đừng rơi khỏi ‘Top 4’
Thanh Thảo
(KTSG Online) - Trong nông nghiệp, ông cha ta thường nói: “nước, phân, cần, giống”, câu nói ấy vẫn đúng cho tới bây giờ. Nhưng lâu nay, có một nhân tố luôn ở “Top 4” ấy nhưng ít được quan tâm, đó là “giống”. Vì sao như vậy?
Về nông thôn bây giờ, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp các loại giống có nguồn gốc Trung Quốc, Thái Lan, thỉnh thoảng có Đài Loan, còn giống thuần Việt thì ngày càng ít đi, rồi giống do người Việt tạo ra trong hiện tại còn ít hơn nữa.
Vừa rồi chúng ta nghe chuyện giống lúa ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua - từng hai lần được giải quốc tế, một lần giải nhất, một lần giải nhì - có nguy cơ bị nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Chuyện đăng ký bản quyền, nhất là bản quyền một thực thể như gạo, là không hề dễ dàng. Nhưng như thế, không có nghĩa chúng ta lơ là với việc đăng ký bản quyền quốc tế.
Tạo ra một giống lúa mới chiếm bảng vàng quốc tế là vô cùng khó khăn. Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự đã làm được điều đó, nhưng làm sao lan tỏa được giống lúa mới quý báu này trên khắp đồng ruộng Việt Nam thì chưa nghe ai nói tới. Tạo một giống mới quý hiếm, là để nhân rộng nó ra cho nông dân mình cùng hưởng lợi, và như thế, cho đất nước mình hưởng lợi. Nhưng chúng ta còn quá ít quan tâm tới chuyện này.
Có dịp đi về một số vùng quê, người nông dân cho biết có những giống lúa được khuyến cáo trồng vì năng suất cao, lại ngắn ngày. Phải nói ngay rằng, đã “năng suất cao” lại thêm “ngắn ngày” thì gạo nấu thành cơm không dở mới là chuyện lạ. Nhưng làm sao họ có được giống lúa tốt, không dám nói giống lúa ST25, nhưng là giống lúa có chất lượng cao? Câu hỏi thì dễ, câu trả lời chẳng biết lúc nào mới có.
Thực tế cho thấy, lâu nay chất lượng giống như thế nào rất ít được quan tâm. Không chỉ giống lúa, mà các giống cây trồng, cây ăn quả khác cũng vậy. Xin kể câu chuyện từ trải nghiệm của bản thân. Một người quen thân, xuất thân từ ngành nông nghiệp, gửi cho nhiều cây giống bưởi da xanh, tôi cắc củm trồng bao nhiêu năm mới cho quả, nhưng quả ăn vừa khô vừa nhạt, không giống chút nào với giống bưởi da xanh vẫn mua ngoài chợ hay trong siêu thị. Cùng lúc, tôi cũng nhận một cây bưởi không rõ giống gì, nhưng trồng nhiều năm lại cho quả ngọt. Từ trải nghiệm so sánh này, tuy có thể chủ quan nhưng tôi nghĩ rằng trong trường hợp đó không phải tại đất, không phải tại “nước”, “phân” hay “cần”, mà chỉ tại “giống”.
Tình hình nông nghiệp của chúng ta không thể được cải thiện nếu chúng ta vẫn dễ dãi dùng các loại giống chất lượng thấp của nước ngoài, hay những loại giống lai tạp không rõ nguồn gốc. Không thể trồng một vườn bưởi tới 7 năm để thu hoạch những quả bưởi thiếu chất lượng, như nhà tôi đã trồng.
Từ xa xưa, giống đã vào top 4 nhân tố quan trọng nhất làm nên thành công của nông nghiệp. Chẳng lẽ bây giờ, giống lại bị văng khỏi top 4 “nước, phân, cần, giống” như một đội bóng nào đó ở giải Ngoại hạng Anh sao?
Xem thêm: lmth.4-pot-iohk-ior-gnud/542613/nv.semitnogiaseht.www