Trước câu hỏi về kế hoạch của Trung Nam trong triển khai dự án điện LNG khí hóa lỏng, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, công nghệ này 10-20 năm trên thế giới đã làm nhiều; với Trung Nam việc làm điện LNG sẽ được triển khai tại cảng Cà Ná, Ninh Thuận.
Cụ thể, CEO Trung Nam tiết lộ Tập đoàn đã nhận chuyển nhượng dự án Cà Ná từ Tập đoàn Hoa Sen . Với cảng Cà Ná, Chính phủ cho phép điều chỉnh làm LNG và cảng tổng hợp, do địa thế cảng có mực nước sâu, điều kiện tự nhiên là cảng hở, phải xây kè chắn sóng. Trước đây, Bộ Công Thương quy hoạch vùng này làm điện hạt nhân, vì tạm dừng, Bộ Công Thương và Chính phủ đồng ý bổ sung, bù đắp lại cho Ninh Thuận làm LNG Cà Ná.
"Trung Nam đang theo đuổi mảng năng lượng nên nhận chuyển nhưởng dự án Cà Ná từ Hoa Sen", CEO Trung Nam đề cập lý do tập đoàn này mua lại dự án.
Vị này không tiết lộ giá trị chuyển nhượng và cho biết tập đoàn đang xin chuyển KCN Cà Ná trước đó thành KCN có phát triển mảng điện tử (sản phẩm bo mạch - một trong 6 mảng mà Trung Nam đang theo đuổi).
Trước đó, hồi tháng 7/2020, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) chính thức công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Hai doanh nghiệp này là chủ đầu tư của 2 dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và Đầu tư Khu công nghiệp Cà Ná.
Tập đoàn Hoa Sen cho biết, giá trị chuyển nhượng được HĐQT thống nhất không thấp hơn chi phí thực tế mà Tập đoàn đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm chuyển nhượng. Theo báo cáo tài chính niên độ 2018 - 2019, tính đến cuối kỳ, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng vào hai doanh nghiệp này.
Tập đoàn xác định tập trung tìm các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai dự án tại tỉnh Ninh Thuận để xúc tiến chuyển nhượng.
Lý giải việc đột ngột rút khỏi dự án, ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho hay sự chuyển biến của tình hình khách quan hiện nay không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi Tập đoàn xúc tiến đầu tư các dự án.
Bên cạnh đó, ở góc độ nội tại, Tập đoàn đã có sự điều chỉnh đối với chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án theo hướng tập trung nguồn lực vào việc củng cố, phát huy hiệu quả của mảng sản xuất kinh doanh sở trường tôn, thép, nhựa.
Tổ hợp dự án thép Cà Ná từng được ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, với kỳ vọng sản xuất 16 triệu tấn thép mỗi năm.
Dự án này được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035, nhưng sau đó bị loại bỏ. Giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng Dự án để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.
Huyền Trâm
Nhịp sống doanh nghiệp