Trong năm nay, ngành điện TP HCM sẽ nâng cấp tổng đài đa kênh để chăm sóc khách hàng trên nền tảng mạng xã hội và tăng cường hoàn thiện ứng dụng (app) EVNHCMC CSKH để người tiêu dùng sử dụng, thanh toán hóa đơn, đăng ký dịch vụ… nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí hơn...
Đây là hai trong số nhiều nỗ lực của ngành điện TP HCM trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Những thông tin này cũng là chủ đề chính của buổi tọa đàm "Ngành điện chuyển đổi số, người dân lợi gì?" do Báo pháp luật TP HCM phối hợp Tổng công ty điện lực TP HCM (EVNHCMC) tổ chức sáng 14-5.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC, Tổng công ty bắt đầu triển khai công tác số hóa dữ liệu từ năm 2000. Hơn 10 năm qua, tổng công ty đã chủ động xây dựng và bám sát lộ trình ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, số hóa toàn diện các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý kỹ thuật và quản trị điều hành.
Đến nay, việc áp dụng chuyển đổi số đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ, bao gồm cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với tất cả 19/19 loại hình dịch vụ về điện; nâng tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt lên 99%, thiết lập các kênh giao dịch trực tuyến để hỗ trợ khách hàng giao tiếp với ngành điện được nhanh chóng, thuận lợi, mọi lúc, mọi nơi như App EVNHCMC CSKH, Zalo page, Website, Chatbot…
Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực TP HCM (giữa) chia sẻ về những thành quả chuyển đổi số của ngành điện TP tại tọa đàm sáng 14-5
"Hiện 100% trạm biến áp 110/220kV đã được chuyển sang vận hành theo chế độ không người trực, điều khiển từ xa. Với các công tác đã hoàn tất như trên, việc chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ cho Tổng công ty trong việc quản lý vận hành, quản trị doanh nghiệp mà quan trọng là khách hàng được hưởng lợi rất nhiều từ công tác này. Dịch vụ điện tốt hơn, thông minh hơn, hoàn toàn trực tuyến, trải nghiệm khách hàng, chất lượng cung cấp điện cao hơn, cung cấp những giá trị gia tăng cho khách hàng" – ông Phạm Quốc Bảo dẫn chứng.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, nói thêm mục tiêu của chuyển đổi số là làm sao để người dân tiếp cận dịch vụ điện nhanh nhất, hiệu quả nhất, chu đáo nhất. Chuyển đổi số giúp năng suất lao động ngành điện tăng, giảm tổn thất điện năng, góp phần giảm bớt những yếu tố thuộc về chi phí trong giá thành điện.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Bùi Quốc Hoan, Phó Trưởng ban Kinh doanh, cũng cho biết chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của Tập đoàn hiện nay lẫn trong thời gian tới.
Theo Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025, EVN xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số gồm: Sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin.