Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bên ngoài một bệnh viện ở Nepal - Ảnh: NY TIMES
Ấn Độ đang đối mặt với mức tăng mạnh các ca bệnh COVID-19 và dịch bệnh cũng đã gia tăng tại các nước láng giềng, bất kể việc hầu hết các nước đó đã phong tỏa biên giới với quốc gia Nam Á.
Ấn Độ cùng các nước láng giềng nằm có những đặc điểm chung được cho là dễ bị tổn thương với dịch COVID-19: các thành phố đông dân, ô nhiễm không khí nặng nề, hệ thống y tế còn yếu kém và đông đảo người lao động nghèo.
Theo báo New York Times, Nepal cho thấy rõ ràng nhất tác động của COVID-19 lên khu vực này. Sau làn sóng dịch đầu tiên năm ngoái, số ca bệnh ở quốc gia 30 triệu người đã giảm xuống vào đầu năm nay.
Người dân tụ tập để ăn mừng năm mới và hàng trăm ngàn công nhân nhập cư đã quay lại Ấn Độ làm việc.
Khi làn sóng virus bắt đầu hoành hành ở Ấn Độ, nhiều công nhân trong số đó đã quay về Nepal, mang theo mầm bệnh COVID-19.
Nhân viên y tế chở thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nơi an táng - Ảnh: AFP
Tại huyện biên giới Nepal là Kanchanpur, mỗi ngày có hơn 1.500 người Nepal về từ Ấn Độ. Quận trưởng Ram Kumar Mahato cho biết khoảng 1/5 trong số đó dương tính với virus corona.
Theo New York Times, Nepal đang ghi nhận 9.000 ca mới mỗi ngày, với hơn 40% xét nghiệm cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, các ca bệnh nhập khẩu không phải là lý do duy nhất dẫn đến khủng hoảng dịch bệnh tại Nepal.
Tương tự Ấn Độ, chính phủ Nepal đã không mở rộng các cơ sở y tế sau khi dịch được kiểm soát một phần vào năm ngoái. Việc thực thi các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội cũng không được thực hiện triệt để.
Khi khủng hoảng COVID-19 leo thang ở Ấn Độ, quốc gia này ngừng xuất khẩu vắc xin, khiến Nepal thiếu hụt khoảng 1 triệu liều vắc xin, và cũng làm xáo trộn luôn kế hoạch tiêm chủng ở Bangladesh.
Từ cuối tháng trước, nhà chức trách Bangladesh đã tạm dừng tiếp nhận đăng ký mới tiêm vắc xin sau khi nguồn cung đã bị cắt.
Tiêm vắc xin COVID-19 ở Bangladesh - Ảnh: AFP
Hiện Bangladesh còn thiếu khoảng 1,5 triệu liều để tiêm mũi thứ hai, chưa tính tới những người chưa tiêm. Chính phủ nước này đang tìm thêm nguồn cung vắc xin từ Trung Quốc và Nga.
Dù thiếu hụt vắc xin nhưng tình hình dịch ở Bangladesh chưa quá nghiêm trọng, số ca bệnh đã giảm từ đợt bùng phát vào tháng 4.
Tuy nhiên do Bangladesh cũng có nhiều khu nhà ổ chuột đông đúc, khiến các chuyên gia lo ngại tình hình sẽ dần tệ hơn giống như Ấn Độ, nhất là khi nước này đã ghi nhận xuất hiện ca mắc biến thể virus corona ở Ấn Độ.
Khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ cũng khiến hàng lang du lịch giữa nước này và Sri Lanka bị tạm dừng hoạt động.
Sri Lanka đã kỳ vọng sớm hồi sinh ngành du lịch nhờ hàng lang du lịch này, vì du khách đến từ Ấn Độ chiếm số lượng lớn nhất trong năm 2019, chiếm tới 1/5 tổng lượng du khách đến Sri Lanka.
Anh Nipuna Lokuhetty - giám đốc một công ty du lịch Sri Lanka cho biết đã phải sa thải 70% nhân viên kể từ khi dịch bùng phát. Những nhân viên còn lại cũng bị giảm nửa lương.
"Hành lang du lịch là một sáng kiến tuyệt vời. Thật không may, chúng tôi không thể triển khai được do tình hình COVID-19 ở Ấn Độ", Nipuna nói.
TTO - Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19 và tập trung vào phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) để có kết quả nhanh hơn, qua đó cách ly người bệnh sớm hơn.
Xem thêm: mth.82055844141501202-91-divoc-nart-ov-oc-yugn-av-od-na-gneig-gnal-coun-cac/nv.ertiout