Thời gian qua, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã không ít lần hoa mắt với việc giá cổ phiếu một số doanh nghiệp có mức tăng thẳng đứng chỉ trong một thời gian ngắn.
Trường hợp điển hình về việc giá cổ phiếu tăng nhanh như thổi đó là cổ phiếu THD của Công ty Cổ phần Thaiholdings. Cổ phiếu này mới chính thức niêm yết trên HNX ngày 19.6.2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tính đến phiên 14.5.2021, thị giá của THD đã đạt mức 193.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chưa đến 11 tháng đầu tiên giao dịch trên sàn HNX, cổ phiếu THD đã tăng hơn 900% giá.
Ngoài ra, đi cùng với đà tăng của giá sắt thép, rất nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp ngành thép đã có những phiên tăng điểm vượt bậc. Đơn cử cổ phiếu DNS của Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng. Chỉ trong chưa tới nửa tháng, tính từ ngày 19.4, cổ phiếu này liên tục tăng trần và có thị giá tăng vọt lên gần 300% từ mức giá 9.400 đồng/cổ phiếu lên đến mức trần 33.500 đồng/cổ phiếu tính đến phiên giao dịch ngày hôm nay 14.5.
Cổ phiếu của Công ty chứng khoán VIX, một cái tên khá mới trong ngành chứng khoán, cũng bất ngờ từ mức đáy 4.300 đồng/cổ phiếu được thiết lập hồi đầu năm bỗng nhiên tăng vọt một mạch lên mức giao dịch quanh vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu này đã tăng giá gần tới 600%, tức gấp 6 lần từ đáy kể trên.
Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu thường phản ánh 'sức khỏe' của chính doanh nghiệp đó. Thông thường, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ tạo động lực giúp cổ phiếu đi lên và ngược lại. Tuy nhiên, nghịch lý vẫn tồn tại khi nhiều doanh nghiệp kết quả kinh doanh đi xuống nhưng giá cổ phiếu lại bứt phá.
Đơn cử, Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV mã NCP, báo lợi nhuận quý 1 lỗ đến 70,8 tỉ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp này. Tổng lỗ lũy kế đến 30.3, của Nhiệt điện Cẩm Phả ở mức 1.727 tỉ đồng. Dù kết quả kinh doanh "bết bát" nhưng tính từ thời điểm cuối tháng 3 đến nay, giá cổ phiếu NCP lại có diễn biến tích cực khi tăng từ 5.900 đồng/cổ phiếu lên vùng giá gần 7.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này thường xuyên không có thanh khoản.
Hay như, cổ phiếu ngành thép là mã TTS của Cán thép Thái tăng đến hơn 157% từ 6.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 15.400đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trái ngược với kết quả kinh doanh tích cực của các cổ phiếu cùng ngành thép, lợi nhuận quý I của Cán thép Thái Trung lại đi xuống với chỉ 382 triệu đồng, giảm 94% so với mức lãi sau thuế 6,6 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước.
Những hiện tượng trên được nhiều chuyên gia lý giải đó là do dòng tiền của nhà đầu tư mới đổ vào thị trường đang tìm đến các cổ phiếu vốn hóa nhỏ với thị giá thấp và kỳ vọng sẽ có suất sinh lời tốt hơn. Tuy nhiên, với việc có nhiều cổ phiếu tăng phi mã sau một thời gian dài đứng im, lời khuyên các chuyên gia đưa ra cho những nhà đầu tư mới tham gia thị trường đó là phải thận trọng khi không loại trừ có những cổ phiếu trên thị trường đã được làm giá.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc quỹ đầu tư DG Investment phân tích, một thông tin dù tốt đến đâu, cũng chỉ tác động làm tăng giá cổ phiếu trong một biên độ nhất định 10-20%, chứ không thể tăng phi mã. Thời gian qua, có rất nhiều những cổ phiếu mới lên sàn, chưa được nhiều người biết đến nhưng có khối lượng giao dịch lớn cũng dễ là đối tượng bị làm giá. Những doanh nghiệp làm ăn bài bản, thuộc rổ VN30, hay nhóm bluechip tăng giá đã đành, rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay cổ phiếu thuộc hàng penny (thị giá thấp) cũng tăng giá ầm ầm. Nhà đầu tư cần phải trang bị kiến thức cho mình, tránh việc chạy theo mua những cổ phiếu này sẽ rất dễ nhận trái đắng của cuộc chơi làm giá.
Xem thêm: odl.242909-aig-mal-iohc-couc-gnad-gnob-aum-yahn-ueihp-oc-aig/et-hnik/nv.gnodoal