Từng giữ cương vị Giám đốc Marketing của Facebook - người tạo ra Facebook Live, là một trong những nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại thung lũng Silicon, thực hiện trên 50 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Mỹ, nhưng Randi Zuckerberg được gọi nhiều nhất với cái tên "chị gái của Mark Zuckerberg".
"Những thành tựu của chúng ta luôn bị nhìn nhận dưới lăng kính của người đàn ông có liên quan đến mình, trong trường hợp của tôi là em trai. Đây là điều hiển nhiên mà rất nhiều phụ nữ đang đối mặt trong kinh doanh để được công nhận thành tựu là của chính mình chứ không phụ thuộc vào những người đàn ông bên cạnh", Randi Zuckerberg chia sẻ tại hội thảo trực tuyến Đầu tư vào startup và xây dựng hệ sinh thái: "Vị thế Phụ nữ trong tương lai đầu tư thế giới".
Sự kiện do S-World tổ chức với sự đồng hành của Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM. Đây cũng là lần đầu tiên Randi Zuckerberg, hiện giữ cương vị CEO Zuckerberg Media, kết nối với một sự kiện trực tuyến tại Việt Nam.
"Họ không gọi tôi là doanh nhân, họ gọi tôi là ‘chị gái của Mark Zuckerberg’"
Randi Zuckerberg tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2012.
Tốt nghiệp ĐH Harvard, và có một công việc thú vị tại Ogilvy NewYork, Randi Zuckerberg có bước ngoặt trong cuộc đời khi em trai trở thành một trong 10 tỷ phú giàu nhất thế giới, và từ đó cô trở thành "chị gái của Mark". Randi từng thừa nhận rằng sự nghiệp của cô từ “từ lâu đã bị lu mờ bởi sự nổi tiếng của em trai, Mark Zuckerberg”.
"Tôi là sinh viên tốt nghiệp Harvard, điều mà người em trai nổi tiếng của tôi đã không làm được (cười). Đây là một trong số ít những điều trong đời mà tôi cảm thấy tự hào".
"Một lần, trong một quảng cáo trên TV cho công ty SodaStream, tôi đã bị nhìn nhận là "chị gái của Mark Zuckerberg" khi đang xuất hiện trên TV. Khi đứng trước máy quay chia sẻ rằng mình là tác giả viết sách, phát thanh viên, doanh nhân, rồi một người hỏi "Cô có phải là chị gái của...". Tôi đã tức giận và bóp vỡ chiếc cốc trên tay mình", Randi kể lại.
Việc bị gắn mác này khiến Randi bận tâm rất nhiều khi còn trẻ, nhưng hiện tại, cô cho biết khi đã là mẹ của 3 đứa trẻ và có sự nghiệp của riêng mình, cảm giác của cô lúc này là tự hào về việc em trai mình đã xây dựng và kết nối mọi người trên toàn thế giới.
"Thật phi thường khi có một thành viên trong gia đình mình làm được điều đó", Randi nói.
Lê Diệp Kiều Trang tốt nghiệp từ 2 trường đại học nổi tiếng là Oxford và MIT, có một sự nghiệp xán lạn tại McKinsey, sau đó chuyển sang làm việc cho chồng của mình, và trở thành "vợ của Sonny Vũ".
"Giống như Randi, lúc ban đầu tôi thấy hơi phiền một chút, nhưng sau một khoảng thời gian ngắn, tôi nhận ra đó không phải là vấn đề. Bởi đối với một vài người, họ chọn cách tin vào những gì mà họ muốn tin cho dù chúng ta có cố gắng đến đâu đi nữa".
"Nếu các bạn nhìn vào đa số công ty trên thế giới, nếu chỉ nhận định người dẫn đầu là người nắm giữ sự thành công thì rất phiến diện. Vì chúng ta phải nhìn vào toàn bộ đội ngũ vận hành đứng phía sau, chúng ta thấy phụ nữ chiếm đa số và những người phụ nữ ấy có sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến công ty", Trang chia sẻ.
"Những điều mà tôi làm ngày hôm nay là đưa nhiều bạn gái trẻ gia nhập vào lĩnh vực công nghệ, cũng như là đưa nữ doanh nhân tiến vào đầu tư và cố vấn bởi vì tôi không muốn bất kỳ người phụ nữ nào trong tương lai lại bị nhìn nhận và phán xét bởi mối liên hệ với những người đàn ông trong cuộc sống của họ", Randi nói.
Phụ nữ đầu tư không thua nam giới
Ảnh chụp màn hình sự kiện trực tuyến.
Theo số liệu từ Goldman Sachs năm 2020, các nhà đầu tư nữ đạt được thành tích đầu tư tốt hơn đồng nghiệp nam. Có tới 43% số quỹ do đa số phái nữ quản lý vượt mục tiêu đầu tư đề ra trong năm, so với con số 41% tại các quỹ được lãnh đạo bởi đa số nhà đầu tư nam.
Do đó, Randi khuyến khích nữ giới tích cực tham gia một cách sáng tạo trong các hoạt động đầu tư để nâng cao kiến thức của mình trong nhiều lĩnh vực. Cô cho biết không có một thời điểm hoàn hảo cho việc đầu tư, hãy bắt đầu ngay bây giờ.
"Phụ nữ thường chờ đến lúc mọi thứ phù hợp. Nhưng sẽ không bao giờ có thời điểm hoàn hảo tuyệt đối để đầu tư," cô nói. "Cách tốt nhất để học hỏi là bắt tay vào ngay và học hỏi trong quá trình đó."
Cô khuyên các nhà đầu tư nữ đa dạng danh mục đầu tư từ 20 - 30 doanh nghiệp, đồng thời đề xuất tham gia hoạt động gọi vốn cộng đồng, một mô hình đã hình thành từ lâu tại các quốc gia phát triển và có thể sẽ là xu thế mới tại Việt Nam trong những năm tới.
Lê Diệp Kiều Trang - hiện là đồng sáng lập của Alabaster và Giám đốc tài chính tại Arevo - cho rằng việc tham gia vào các nền tảng gọi vốn cộng đồng giúp các startup tiếp cận những khách hàng đầu tiên (early adopters) sẵn sàng chi tiền để ủng hộ những bước đi phát triển sản phẩm. Đồng thời, startup có thể hiểu được thị trường sớm hơn mà không phải quá mạo hiểm và lo ngại không được thị trường đón nhận.
Đối với phụ nữ, tham gia vào hoạt động đầu tư mang lại những mạng lưới và kiến thức vô cùng đặc biệt cho quá trình phát triển sự nghiệp và cuộc sống. Trang nhấn mạnh rằng bất kể nam hay nữ giới, hãy bắt đầu bằng việc đầu tư vào các lĩnh vực mà mỗi cá nhân có hứng thú, tin tưởng vào trực giác và "đừng quá tham lam" bởi điều đó không mang lại giá trị to lớn cho xã hội.
"Chúng ta cần phải hiểu rõ những thứ ta đầu tư vào, thay vì nghe người khác nói rằng một thứ gì đó tốt và đầu tư theo. Đó là cách đầu tư tệ nhất mà một người có thể làm", Trang chia sẻ.
"Đầu tư đôi khi là một nghệ thuật hơn là một môn khoa học. Vì thế, hãy tin vào trực giác của bạn."
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị