Bà Võ Thị Đào (67 tuổi, ngụ xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có đơn gửi báo Pháp Luật TP.HCM trình bày việc cháu ngoại nhiều lần bị người hàng xóm hiếp dâm. Sự việc xảy ra từ năm 2018 nhưng đến nay cơ quan điều tra vẫn không khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tòa: Có dấu hiệu của tội hiếp dâm
Theo đơn tố cáo, khoảng đầu năm 2017, lúc này cháu ngoại bà Đào là M. (15 tuổi) và ông Ph. (38 tuổi, ở gần nhà bà) kết bạn qua mạng xã hội, thường xuyên nhắn tin qua lại.
Từ tháng 5 đến tháng 7-2018, ông Ph. nhiều lần quan hệ tình dục với M. Đến ngày 7-1-2019, phát hiện M. có nhiều biểu hiện khác thường nên bà Đào đi tố cáo.
Ảnh minh họa
Ngày 11-3-2019, trả lời tố giác của bà, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh cho rằng hành vi của ông Ph. không cấu thành tội phạm do khi xảy ra việc quan hệ tình dục, M. đã trên 16 tuổi, đồng thời không có cơ sở xác định việc giao cấu là trái ý muốn của M.
Sau khi công an và VKSND huyện thống nhất không khởi tố vụ án, bà Đào đã kiện ông Ph. yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Ngày 5-9-2019, TAND huyện Bình Chánh thụ lý, giải quyết vụ án. Do nhận thấy M. có nhiều biểu hiện bất thường nên tòa yêu cầu giám định tâm thần.
Theo kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM thì M. chậm phát triển tâm thần, mức độ nhẹ kèm động kinh, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Xét thấy hành vi của ông Ph. có dấu hiệu tội hiếp dâm theo Điều 141 BLHS 2015, ngày 14-11-2019, tòa đã chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm.
Công an và VKS: Không có hành vi phạm tội
Ngày 25-3-2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh có văn bản bảo lưu quan điểm không khởi tố vụ án, đồng thời trả lời rằng đối chiếu với diễn biến sự việc xảy ra thì tình trạng tinh thần của cháu M. không thuộc trường hợp không thể tự vệ được.
Sau đó, VKSND huyện Bình Chánh cho rằng để có căn cứ giải quyết, cơ quan điều tra phải đề nghị cơ quan giám định giải thích rõ những vấn đề như: Tình trạng tâm thần của cháu M. Có cơ sở xác định việc quan hệ tình dục với ông Ph. là trái ý muốn hay không? Bản thân M. có thể nhận thức, tự vệ hay không?
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM có công văn trả lời rằng M. bị hạn chế khả năng nhận thức về hành vi tình dục và rất dễ bị dụ dỗ hoặc lợi dụng.
Ngày 25-2-2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh tiếp tục có công văn trao đổi với VKS cùng cấp về việc xử lý giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án. Quyết định này được VKS kiểm sát và thống nhất quan điểm với công an.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM mới đây, Đại tá Phạm Hoàng Thảo, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, cho biết từ cuối năm 2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã rút hồ sơ để thẩm định vụ việc. Đến nay hồ sơ chưa về lại công an huyện, cũng chưa có chỉ đạo gì từ Công an TP.
“Cháu tôi khờ khạo và bị lợi dụng” Bẩm sinh, cháu tôi đã nhận thức kém và thường xuyên bị co giật. Khi phát hiện vụ việc, tôi đã khai với công an về việc M. bị động kinh từ nhỏ. Nó khờ khạo, không biết gì nên mới bị người ta dụ dỗ thực hiện hành vi đồi bại. Bà VÕ THỊ ĐÀO, bà ngoại của M. |
Phải khởi tố vụ án Điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 06/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định rằng một trong những tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là tình trạng nạn nhân bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Người nào lợi dụng tình trạng này để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì phạm vào tội hiếp dâm, theo khoản 1 Điều 141 BLHS… Cả hai kết quả giám định pháp y tâm thần đều nêu M. thuộc trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, người đã có hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của M. để xâm hại tình dục M. cần phải bị khởi tố để điều tra. Khi xác định được người hàng xóm quan hệ tình dục với M. vào thời điểm M. bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì hành vi của người này đã thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về tội hiếp dâm. Có như vậy mới tránh được việc bỏ lọt tội phạm, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của bị hại. Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM |