Bà Lê Cẩm Tế tại Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng - Ảnh: THÁI LỘC
Lời khen xứng tầm
Một tối cuối tuần, tôi đón vợ chồng nhạc sĩ Dương Thụ ghé Huế, họ ghé thăm trong chuyến chạy xe từ Nam ra Bắc. "Hôm nay thật bất ngờ, tôi vừa ghé một nơi đẳng cấp thế giới ở Huế, đó là Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng" - Dương Thụ nói ngay khi vừa xuống xe.
Tôi nối máy anh gặp một người quen cũ là chủ nhân và tác giả của công trình đặc biệt ấy. Bà Lê Cẩm Tế "trách": "Sao anh chị đến phải mua vé vào mà không báo để em đón tiếp đàng hoàng". "Tôi đến mua vé là đúng đấy chị ạ. Thế mới hạnh phúc, nó rất là vô tư. Có khi chị mời tôi đi, tôi khen thì hóa ra xã giao. Ở đây vì tôi không biết (của chị làm), một bảo tàng của Việt Nam tất nhiên là không thể có như thế này rồi, đó là đẳng cấp thế giới chị ạ!" - nhạc sĩ Dương Thụ trải lòng.
Nhạc sĩ Dương Thụ đi nhiều nơi trên thế giới, đến đâu ông cũng tìm thăm bảo tàng của các nghệ sĩ, danh nhân danh tiếng. Nào là Bảo tàng Fundació Joan Miró ở Barcelona (Tây Ban Nha), Bảo tàng Matisse ở TP Nice và Bảo tàng Dali ở TP Paris (Pháp), Bảo tàng Van Gohg ở Amsterdam (Hà Lan), Bảo tàng Gosho Auyama ở Tottory (Nhật Bản)...
Ông nói: "Đi đâu tôi cũng đến xem bảo tàng, nhiều nơi rất đẹp, nhưng với cái bảo tàng này xứng tầm, cách trưng bày tuyệt vời, ánh sáng bố trí tinh tế kinh khủng, từ cả cái bóng trần nhà đổ xuống rất hay, rất đáng khâm phục".
Tinh tế, sang trọng
Không gian ký ức Lê Bá Đảng nhìn từ trên cao - Ảnh: HỒ VIẾT VINH
Chúng tôi đến thăm Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng ở làng Kim Sơn, thị xã Hương Thủy, cách trung tâm TP Huế chừng 10km. Những ai ở Huế, sống với thời tiết khắc nghiệt cả mưa lẫn nắng mới cảm nhận sự kỳ diệu của khu vườn.
Mọi nơi trong khuôn viên 1,6ha này, những cỏ cây hoa lá, màu sắc, hương hoa, tác phẩm nghệ thuật và đường đi lối dạo được chọn lựa, bố trí hoặc thiết kế một cách vô cùng tinh tế, hài hòa.
Theo chân bà giám đốc Lê Cẩm Tế, chúng tôi men theo con đường nhỏ tiến vào khu vườn, một bên là những khóm hoa nhiều màu nối tiếp trên nền cỏ mượt xanh, một bên là lạch nước, cây cối bóng mượt dù dưới nắng chát chúa.
Càng đi trên con đường dốc thoai thoải quanh co chúng tôi càng thích thú với sự thay đổi có nhịp điệu của những khóm hoa, thảm cỏ, đặc biệt là mùi hương trên đường cũng biến đổi có nhịp điệu như thế. Thích nhất vẫn là cây dâu da xanh tốt đang kỳ đậu trái, những chùm trăng trắng li ti chen lấn từ gốc đến tận cành cao.
Tiếp tục theo con dốc là là để tiến lên tòa nhà chính, lại những thảm hoa trải dài từ hoa cúc tím đậm cho đến đám hoa hồng Huế, hoa sam, hoa đỗ quyên nhiều màu trắng, đỏ, cam, hồng rộ nở đua chen.
Ngay trước sảnh tòa nhà, sự "vỡ òa" bởi hàng hoa giấy mấy màu rực rỡ, hòa sắc cùng với hoa sim, hoa mua, hoa ngũ sắc... "Bạn thấy đó, tôi muốn biến ngay tại đây một bảng màu của họa sĩ Lê Bá Đảng và hoa đang nở đúng ý như thế", bà Tế nói.
Trong khu vườn này, tác phẩm của Lê Bá Đảng xuất hiện vừa phải, có khi chỉ điểm xuyết hay nằm "lẩn khuất" một cách rất có chủ ý. Những "hình người" trên mạng nhện tơ giăng từ cây vú sữa, cây đào tiên kéo xuống những bụi hoa hồng trông rất thích mắt. Một gia đình ngựa tung tăng sinh động ẩn hiện trong đám cây trên bãi cỏ.
Rồi tượng ông bà giữa một thềm cỏ ngay sân tòa nhà chính, nhìn ra không gian tuyệt đẹp phía trước khu đồi. Điều đặc biệt ở đây: hình ảnh người xem cũng là một phần của tác phẩm, và có sự thay đổi, biến hóa một cách nhanh chóng, chỉ cần nhích qua bên này, bên kia một tí thì hình ảnh và hiệu ứng từ tác phẩm sẽ khác biệt...
Khu nhà chính có kiến trúc "rất Lê Bá Đảng" tuyệt đẹp, trắng muốt, nằm giữa đỉnh đồi cao hướng về dải xanh của rừng thông trước mặt, dưới lũng có ao sen, lạch nước, đường dạo xuyên từng tầng bậc cỏ cây hoa lá.
Vào tòa nhà càng mãn nhãn, các tác phẩm được trưng bày trong tông màu trắng chủ đạo vô cùng sang trọng và tinh tế, cách trưng bày và dùng ánh sáng tôn vinh từng chi tiết tác phẩm nghệ thuật của Lê Bá Đảng vốn dĩ đã quá sang trọng.
Sự tinh tế và chuyên nghiệp cả ở từng lời giới thiệu, dòng chú thích hay hàng rào ngăn cách. Không gian trưng bày dưới lòng đất với câu chuyện kể về một số giai đoạn nghệ thuật và không gian Lê Bá Đảng cũng rất hấp dẫn thông qua cách thể hiện tinh tế, sang trọng như thế.
Bà Tế có nét đẹp đậm đà "lá trúc che ngang mặt chữ điền" của Hàn Mặc Tử - Ảnh: Thái Lộc chụp lại
Làm để tri ân người tài hoa
Lê Cẩm Tế là một nhan sắc của Huế, có người đã ví von bà đậm đà như "lá trúc che ngang mặt chữ điền" của thơ Hàn Mặc Tử. Bà mê cọ vẽ, tham gia triển lãm tranh, từng đi khắp các bảo tàng và gallery với mong ước về già sẽ làm chủ một gallery lớn... Khoảng năm 2000, khi còn làm tòa soạn tạp chí Sông Hương của Huế, bà được giao phụ trách một triển lãm tranh.
Như một cơ duyên, họa sĩ Lê Bá Đảng về thăm Huế đã ghé triển lãm ấy, hỏi ngay "ai bài trí?", "ai là tác giả hai bức tranh có màu sắc lẫn bố cục đặc biệt ni?". Đó đều của bà Tế, bà được gọi ra gặp họa sĩ tài danh, được họa sĩ hỏi chuyện và mời cộng tác.
Suốt 15 năm "làm người thân" của họa sĩ Lê Bá Đảng, bà được ông dẫn khắp các bảo tàng nghệ thuật ở Pháp, được truyền đạt và chia sẻ về nghệ thuật, tác phẩm, cuộc sống, nhất là sự ước muốn biến Huế thành "kinh đô nghệ thuật" mà không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng là một phần ở trong đó...
Năm 2014, hồi hưu ở chức giám đốc Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, bà Tế nảy ý tưởng tìm đất làm nơi trưng bày tranh tượng, phác thảo hoặc thư từ của Lê Bá Đảng, người bà tri ân, yêu quý, đặc biệt ngưỡng mộ.
Bà kể lần ghé vùng đồi hoang Kim Sơn xem đất đang được rao bán: "Khi bước lên đồi nhìn quanh, nhìn xuống lũng và nhìn sang đồi thông trước mặt, tôi hình dung ngay giấc mơ của Lê Bá Đảng. Và chính trời đất sắp đặt cho tôi đến nơi này để thực hiện không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng".
Ý tưởng của bà Tế được người vợ của họa sĩ là bà Myshu ủng hộ. Chính bà Myshu lấy tác phẩm cắt trên giấy của người chồng quá cố để làm nguyên mẫu cho tòa nhà chính. Không gian lưu niệm hiện nay trưng bày khoảng 300 tác phẩm, hiện vật và phác thảo của họa sĩ.
Kế hoạch sắp tới của bà Tế là sẽ xây thêm không gian tưởng niệm họa sĩ Lê Bá Đảng nhằm tái hiện không gian sống và làm việc của họa sĩ lúc sinh thời để người xem có thể hình dung và chiêm nghiệm sâu sắc hơn triết lý sống lẫn tư duy sáng tạo của người họa sĩ danh tiếng.
Bà Lê Cẩm Tế chia sẻ: "Tôi làm không gian này bằng cả trái tim, bằng suy nghĩ, bằng tình yêu của mình đối với thiên nhiên, bằng sự tri ân của mình đối với ông Lê Bá Đảng, một người thầy, người đã làm thay đổi tư duy, những quan điểm trong cuộc sống của tôi".
Người đẹp Lê Cẩm Tế người làng Phò Trạch (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), lớn lên và trải qua nhiều công việc ở TP Huế. Năm 2006, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng thành lập, bà được chuyển từ tạp chí Sông Hương sang làm phó giám đốc phụ trách trung tâm này cho đến khi về hưu năm 2014. Từ hồi con gái, bà Lê Cẩm Tế nổi tiếng nhan sắc với vẻ đẹp rắn rỏi, mặn mà. Con gái của bà Cẩm Tế là Hoàng Thị Lê Phương cũng là một nhan sắc nổi tiếng của Huế, đoạt giải nhất cuộc thi "Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam 2006".
"Đẹp nhẹ nhàng và lặng lẽ, đẹp cho đời và cho người" - nhà văn, dịch giả Bửu Ý nhận xét như vậy về cô giáo Nguyễn Võ Hoàng Anh ở cách nhà ông vài chục mét, trên tuyến phố có "người đẹp từng lớp thời gian nối gót hồng về quy tụ nơi xóm nhỏ này".
Kỳ tới: Con phố ngắn nối dài những người đẹp
TTO - 'Ai ra xứ Huế, không ít nhiều mộng mơ khi nhìn thấy bên dòng Hương Giang nên thơ cô gái nữ sinh Đồng Khánh ra về, mà lòng không thấy xuyến xao, mà lòng chẳng thấy dạt dào một phút nhớ bâng khuâng'...
Xem thêm: mth.66321542241501202-euh-ped-iougn-auc-ueid-teyut-nouv-uhk-7-yk-euh-ux-nahn-ym/nv.ertiout