Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Có những thông tin liên quan đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đã được khai báo trung thực. Lại có những chuyện được thêm thắt, bịa đặt, gây rối xã hội, khiến bà con hoang mang.
Cần xử nhanh và xử nghiêm những vụ này trong những ngày cả nước phòng chống dịch. Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về chuyện này.
Chia sẻ có trách nhiệm
Chiều tối 9-5-2021, Zalo của tôi liên tục nhận được tin nhắn chia sẻ từ rất nhiều người quen về một bản thông báo có dấu đỏ hẳn hoi với nội dung tìm người liên quan đến đám cưới ngày 18-4-2021 tại nhà hàng K. ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Hết người này đến nhóm khác thi nhau chia sẻ.
Tình hình nóng hơn khi có một người trong hẻm tiết lộ mình đã từng dự đám cưới đó, biết đâu người bên cạnh có tiếp xúc gần với F0, F1? Người này cũng đã thực hiện việc khai báo y tế. Cả xóm bắt đầu lo lắng và dặn con mình hạn chế tiếp xúc với những đứa trẻ nhà bên đó. Dù sao cẩn thận vẫn hơn.
Tôi gần như không có một chút mảy may nghi ngờ thông tin nói trên là giả mạo bởi trong số những người chia sẻ, lan truyền thông tin đó có cả người có uy tín, có chức vị, trước giờ họ vốn rất cẩn thận, chưa bao giờ chia sẻ thông tin sai.
Sáng hôm sau, trên báo Đắk Lắk có cảnh báo thông tin trên là giả mạo, mọi người mới giật mình. Dù vô tình nhưng những người chia sẻ, lan truyền thông tin giả đó đã gây ra sự hoang mang và lo lắng cho cộng đồng. Lúc này nhiều người mới đâm lo vì có thể sẽ bị xử phạt về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật về dịch COVID-19.
Tôi tin những người đã vội vàng chia sẻ thông báo giả mạo trên chỉ vô tình, không có dụng ý xấu, chỉ đơn thuần muốn cảnh báo mọi người. Nhưng cần nhớ, đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội có thể bị xử lý theo Luật an ninh mạng.
Đang trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, thiết nghĩ mọi người cần cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin, nhất là khi thông tin giật gân thường "lây lan" với tốc độ chóng mặt. Chuyện này nên xem là một bài học kinh nghiệm để mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc chia sẻ thông tin dịch bệnh.
Bạn đọc ĐẠI LÂM (Đắk Lắk)
Dối gian: xử nghiêm, phạt nặng
Ngày 4-5, Công an huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã triệu tập và lập biên bản xử phạt chủ một cửa hiệu sửa chữa điện thoại vì giả mạo kết quả xét nghiệm COVID-19 và tung lên mạng gây hoang mang dư luận. Trước đó nữa, UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã xử phạt 7,5 triệu đồng một người khai báo y tế gian dối, không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Những ngày qua, đây đó người ta nói về chuyện giấu thông tin dịch tễ vì ngại phải cách ly, ngưng trệ công ăn việc làm, kiểu như không nói ra chuyện mình đã đến những điểm có dịch. Người cùng chuyến bay các ca nhiễm chậm khai báo khiến các cơ quan phòng chống dịch phải vất vả hơn trong khâu truy vết.
Dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp ở địa phương, chưa tìm được nguồn lây trong cộng đồng, có một số người còn chủ quan, có trường hợp che giấu bệnh của chính mình hoặc của người thân.
Việc che giấu thông tin dịch tễ sẽ gây khó khăn lớn cho việc truy vết nguồn lây, sàng lọc cách ly, từ đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều người không nhớ chính xác thời gian và địa điểm, người mình đã từng tiếp xúc, chuyến xe mình đã đi.
Cũng có người ngại nói ra vì sợ ảnh hưởng đến người mình đã từng tiếp xúc, có người chậm nói sự thật vì lo bị phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, và cũng có người hoảng sợ trước sự "phán xét" của cộng đồng mạng...
Tin đồn, tin thất thiệt hay sự khai báo gian dối trong lúc này là cực kỳ bất lợi cho cuộc chiến chống COVID-19. Ngoài việc tuân thủ quy tắc 5K, cần phải lên án, xử lý nghiêm minh những tin thất thiệt, độc hại và những người có hành vi khai báo gian dối. Họ đang đi ngược với những nỗ lực của lực lượng chống dịch và chung sức thực hiện 5K của đồng bào cả nước.
Bạn đọc PHÚC TƯỜNG (Đà Nẵng)
Vừa qua Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đã có hướng dẫn áp dụng các quy định xử lý hành vi cố tình khai báo dịch tễ không trung thực, không kịp thời làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Người che giấu hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân hoặc của người khác, khai báo sai sự thật, cố ý làm lây lan dịch bệnh có thể bị phạt tới 20 triệu đồng.
TTO - Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với hơn 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người.