Pháp luật về quảng cáo đã được xây dựng từ năm 2012 – 2013 và đang bộc lộ nhiều bất cập. Mới đây, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (có hiệu lực từ 1-6) có nhiều quy định chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí.
Không biết vẫn có thể bị xử phạt?
Điểm c khoản 1 Nghị định 38 quy định xử phạt các cơ quan báo chí nếu quảng cáo nền tảng xuyên biên giới mà không thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam. Quy định này có thể đặt các cơ quan báo chí vào tình huống “có thể bị phạt bất cứ lúc nào”.
Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu quảng cáo sản phẩm (gọi tắt là người quảng cáo) khi sử dụng dịch vụ quảng cáo của nhà cung cấp xuyên biên giới (như Google Adwords) phải thông qua một công ty quảng cáo được cấp phép ở trong nước.
Các sản phẩm quảng cáo sẽ được nền tảng xuyên biên giới phân phối lên các phương tiện quảng cáo, trong đó có các báo điện tử. Khi đó, các cơ quan báo chí được coi là người phát hành quảng cáo (với phương tiện là các báo điện tử).
Thông thường, việc phân phối này tương đối đơn giản do các cơ quan báo chí chỉ cần nhúng công cụ mà nền tảng nước ngoài cung cấp sẵn. Các quảng cáo sẽ được phân phối và hiển thị tự động theo thuật toán của nền tảng. Với đặc tính như vậy, số lượng quảng cáo được hiển thị là rất lớn, và được thay đổi thường xuyên với từng đối tượng, và trong những khoảng thời gian nhất định.
Vì vậy, các cơ quan báo chí gần như không thể biết, cũng như không có khả năng kiểm soát liệu quảng cáo được phát trên báo điện tử của mình có được thực hiện thông qua một công ty quảng cáo nội địa hay không.
Thực tế, có đến 55% người quảng cáo ký kết hợp đồng trực tiếp với Google mà không thông qua công ty quảng cáo trong nước. Việc này dẫn đến nguy cơ các cơ quan báo chí vi phạm quy định trên là rất lớn.
Một trường hợp khác là quy định nhắm đến việc các báo điện tử sử dụng dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới mà không thông qua các công ty quảng cáo nội địa. Tuy nhiên, rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo tại Nghị định 38, không có quy định nào xử phạt về hành vi này với các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu quảng cáo nói chung. Rất khó giải thích tại sao lại chỉ xử phạt các cơ quan báo chí mà không phải tất cả người quảng cáo có vi phạm?
Nhiều chuyên gia và cơ quan báo chí lo ngại rằng một số quy định trong Nghị định 38/2021 có hiệu lực từ 1-6 sẽ gây ảnh hưởng tới thu nhập từ quảng cáo. Ảnh: INTERNET
Mặt khác, Bộ TT&TT đang Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP, với trọng điểm sửa đổi chính là cho phép người quảng cáo được ký kết trực tiếp với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, mà không cần thông qua công ty quảng cáo trong nước.
Dự thảo trên và Dự thảo Nghị định 38 này (khi đang trong quá trình soạn thảo) được lấy ý kiến cùng trong quý II/2020. Tuy nhiên, có vẻ như Dự thảo Nghị định 38 chưa cập nhật theo việc sửa đổi của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Không có nghĩa vụ vẫn có thể bị phạt?
Khoản 1 Điều 38 Nghị định 38 quy định về xử phạt các cơ quan báo chí với hành vi không thông báo, không báo cáo của cơ quan báo chí khi có hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Cơ chế quảng cáo xuyên biên giới được thực hiện với sự tham gia của 3 chủ thể: người quảng cáo, nền tảng xuyên biên giới và công ty quảng cáo trong nước. Khi đó, pháp luật có quy định về trách nhiệm thông báo các thông tin và cơ chế báo cáo để kiểm soát các hoạt động này.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các cơ quan báo chí không được giao nghĩa vụ thực hiện các hành vi này. Cụ thể, khoản 2 Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm thông báo thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thuộc về các nền tảng xuyên biên giới. Còn trách nhiệm báo cáo với cơ quan nhà nước được giao cho công ty quảng cáo, theo điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Do vậy, quy định xử phạt có thể gây khó cho các cơ quan báo chí vì không có nghĩa vụ thực hiện, nhưng không thực hiện thì băn khoăn “liệu có bị xử phạt hay không”?
Một vấn đề khác là Điều 38 Nghị định 38 áp dụng cho cả các trang thông tin điện tử. Quy định này không thống nhất với Luật Quảng cáo khi Điều 23 Luật Quảng cáo không quy định các nghĩa vụ khi thực hiện hoạt động quảng cáo với các trang thông tin điện tử (trừ trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước).
Khi đó, quy định này dẫn đến việc các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cá nhân có nguy cơ rất lớn bị phạt “oan”.
Quy định chưa phù hợp với thực tiễn
Luật Quảng cáo được xây dựng từ năm 2012, đã đặt ra một số nghĩa vụ của cơ quan báo chí khi thực hiện hoạt động quảng cáo trên các phương tiện của mình (báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình).
Các nghĩa vụ này chủ yếu nhằm vào các giới hạn về thời lượng, hình thức của quảng cáo, chẳng hạn quy định giới hạn thời gian chờ tắt quảng cáo 1,5s với báo điện tử, diện tích quảng cáo với báo in và thời lượng quảng cáo với các chương trình phim truyện, vui chơi, giải trí với báo nói, báo hình.
Mục tiêu của các quy định có lẽ đều hướng đến việc bảo vệ người dùng do các lo sợ quá nhiều thời gian được dành cho quảng cáo.
Tuy nhiên, sự thay đổi của công nghệ và xu thế, các quy định đó có thể lại cản trở sự phát triển của kinh tế báo chí. Các giới hạn như vậy có thể làm giảm tính hấp dẫn của phương tiện báo chí so với các loại phương tiện truyền thông khác.
Chẳng hạn, so với giới hạn thời lượng tắt quảng cáo 1,5s, các nền tảng khác thường ở quanh mức 5s. Một số quảng cáo ngắn còn được cho phép phát mà không có nút tắt (skip) quảng cáo với tỷ lệ xuất hiện nhất định.
Việc này có thể ảnh hưởng đến việc thu hút quảng cáo của cơ quan báo chí. Trong khi đó, các lo ngại cho người dùng có thể không thực sự phù hợp với thời điểm hiện tại.
Người dùng có nhiều sự lựa chọn giữa các phương tiện truyền thông khác nhau như các kênh youtube, các nền tảng trực truyền hình trực tuyến nước ngoài hoặc các kênh phi chính thống như podcast, facebook… Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí còn có các kênh youtube hay facebook để truyền tải thông tin đến người dùng.
Nghị định 38 lại có các quy định xử phạt nếu vi phạm các giới hạn trên. Các cơ quan báo chí có thể thực sự gặp khó khăn khi phải cân nhắc lại khi xây dựng các nội dung thu hút quảng cáo trên nền tảng của mình.
Trùng lặp? Điểm h khoản 3 Điều 40 Nghị định 38 quy định: “Chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”. Quy định này có thể trùng lặp với quy định xử phạt về hành vi phổ biến phim khi chưa có giấy phép phổ biến phim tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 38. Không rõ làm sao có thể phân biệt chiếu phim “để quảng cáo” tại Điều 40 và hành vi chiếu phim tại Điều 8 vì hoạt động quảng cáo thường được cài đặt tự động trên nền tảng phát hành, chứ không phân biệt phim đó đã được phép phổ biến hay chưa. |