Chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp cũng như những bạn trẻ Việt Nam, Randi Zuckerberg, người còn được biết đến với biệt danh "Chị gái của Mark" (Mark Zuckerberg - nhà sáng lập Facebook), kể về hành trình đầy cảm hứng để trở thành một nhà đầu tư nữ.
Ở Mỹ, Randi là một cái tên dành cho con trai và hơi buồn cười nhưng nó là lợi thế cho Randi Zuckerberg, nhà sáng lập Zuckerberg Media (Mỹ), để có thể làm việc ở Thung lũng Silicon cách đây hơn 10 năm. Khi đó, Silicon vẫn được mặc định là thế giới của những nam kỹ sư công nghệ, quý ông tài chính.
Mọi phụ nữ không nên bị đánh giá qua người đàn ông của họ.
RANDI ZUCKERBERG
"Họ tưởng đang làm việc với đàn ông"
"Với cái tên Randi nghe rất nam tính đó, khi làm việc qua email với tôi, nhiều người cứ nghĩ rằng họ đang làm việc với một người đàn ông, và họ thích thú. Nhưng đến khi gặp nhau, họ hỏi "Sếp Randi đâu rồi?". Lúc đó tôi mới "la" lên: "Chính là tôi nè", và họ đã rất sửng sốt", Randi kể về trải nghiệm của hơn 10 năm trước.
Đó là câu chuyện có vẻ hài hước khi một phụ nữ tốt nghiệp khoa tâm lý học của ĐH danh tiếng Harvard phải "núp" dưới cái tên rất nam tính để tồn tại và được thừa nhận ở Thung lũng Silicon. Nhưng nó cũng cho thấy bất bình đẳng giới vẫn diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Hiện nay, dù đã khẳng định được vị trí của mình với vai trò nữ doanh nhân thành đạt, nhà đầu tư thành công, thậm chí là nhà văn, nhà sản xuất nhưng không ít lần xuất hiện trước công chúng, người ta vẫn nhắc Randi với danh nghĩa "Chị gái của ông chủ Facebook".
Đó là một cuộc chiến liên tục vì những thành công của rất nhiều phụ nữ lại được nhìn nhận thường từ góc nhìn của những quý ông mà họ làm việc hằng ngày, như công ty của bố, hay "dựa hơi" chồng mà trường hợp của Randi là "công ty của em trai".
Cô thừa nhận đây là thách thức mà phụ nữ thường gặp phải trong việc khẳng định mình cũng như những giá trị, thành tựu mà mình đạt được trong môi trường kinh doanh. Đó là nỗ lực của chính họ chứ không phải nhờ người đàn ông cạnh mình.
Hãy tự chủ tài chính
Tham gia vào thế giới đầu tư Randi hiểu rằng đằng sau những người đàn ông thành công, những doanh nghiệp hùng mạnh là những người phụ nữ tuyệt vời.
Nhưng cô cũng được truyền cảm hứng rằng: khi phụ nữ có thể tự chủ tài chính, họ có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn. Chúng ta có thể thay đổi, tạo ra những thứ mà mình mong muốn được nhìn thấy, theo hướng tốt đẹp hơn.
Với suy nghĩ này, Randi đã tham gia vào một trong những nền tảng gọi vốn cộng đồng lớn của Mỹ. Qua nền tảng này cô đã hào hứng góp vốn cho rất nhiều dự án do nữ giới làm chủ, đặc biệt là những doanh nghiệp trong hệ sinh thái phát triển bền vững, những dự án giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Vui mừng vì đầu tư vào nhiều dự án của nữ giới nhưng Randi cho rằng cô sẽ hạnh phúc hơn nếu nhìn thấy nhiều phụ nữ thành đạt đi đầu tư, trở thành những doanh nhân thành công. Vì khi đầu tư phụ nữ sẽ có được tiếng nói của mình dù là đang ở trong một doanh nghiệp do quý ông làm chủ.
Là phụ nữ, mình có quyền!
Randi chứng minh rằng phụ nữ cũng có thể là người đi đầu với những hiểu biết tiên phong như với Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo). Tuy vậy, cô cũng thừa nhận nữ giới khi tham gia đầu tư có thể gặp một số thách thức, chẳng hạn việc thiết lập mạng lưới của riêng mình.
Doanh nhân nam có thể dễ dàng "chốt deal" bằng một cuộc điện thoại hay bàn chuyện kinh doanh trên sân golf. Với doanh nhân nữ điều này có vẻ khó hơn, nhưng không vì thế mà cho rằng nhà đầu tư nữ sẽ gặp bất lợi hơn.
Randi "bật mí" cô có hai dự án đầu tư đã đem về số tiền lời tăng 200% so với khoản vốn ban đầu mà ban điều hành công ty đó chỉ toàn là nữ giới.
Một trong số đó là khoản đầu tư vào công ty chuyên về sản xuất máy vắt sữa thông minh dành cho các bà mẹ và dự án thảm thông minh. Doanh nghiệp này đã thất bại trong tìm kiếm các nhà đầu tư là nam giới để nói chuyện, vì các quý ông thường cho đó là thị trường hẹp.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Vì sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ là một nhu cầu rất thiết yếu của bất cứ phụ nữ nào. Đó là dự án thành công nhất mà Randi từng đầu tư vào. Công ty này đã được một tập đoàn toàn cầu mua lại một năm sau đó.
"Nếu bạn gặp một vấn đề nào đó trong cuộc sống thì cũng có nghĩa hàng triệu phụ nữ khác trên thế giới cũng sẽ gặp vấn đề tương tự. Nếu bạn tìm một doanh nghiệp giải quyết được câu chuyện đó thì cũng là một ván cược thú vị", Randi đúc kết.
Randi cam kết mạnh mẽ rằng cô chỉ đầu tư vào những dự án có lao động nữ hoặc có sự đa dạng trong đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp. Điều đó khiến cô có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư tốt nhưng Randi cho rằng cô vẫn ổn nếu không có dự án đó. "Điều quan trọng là khi đầu tư bạn hiểu rõ mình đang ủng hộ điều gì, vì cái gì và đấu tranh cho điều đó", Randi nói.
Phụ nữ thành công luôn có sự ủng hộ của gia đình
Randi cho rằng sự thành công của một nữ doanh nhân phải nói đến từ sự hỗ trợ trong gia đình. "Chồng tôi cũng là một sinh viên xuất sắc của ĐH Harvard, nếu chỉ nhìn vào thành tích học tập của anh ấy, khó có thể nói ai sẽ thành công hơn.
Nhưng cho đến nay, ít nhất ba lần anh ấy lùi lại phía sau, ở nhà chăm con để tôi có thể theo đuổi, sống hết mình với sự nghiệp của mình", người vợ Randi có ba con tự hào kể.
Năm qua là một năm đầy khó khăn với hàng triệu gia đình trên thế giới. Rất nhiều phụ nữ cũng phải lùi lại, dành thời gian nhiều hơn cho con cái khi trường học đóng cửa vì dịch COVID-19. "Ước tính có gần 3 triệu phụ nữ Mỹ phải nghỉ việc để lo cho gia đình.
Vì vậy tôi chỉ mong sau đại dịch này, có nhiều hỗ trợ dành cho phụ nữ hơn nữa để họ không phải lùi lại lần nữa trong sự nghiệp của mình", Randi tâm sự.
Hãy hỗ trợ các bé gái
"…Với những bé gái, chúng ta cũng cần tăng thêm sức mạnh cho các em tin vào chính mình", Randi nói. Randi tin rằng việc có nhiều cô gái am hiểu công nghệ và làm chủ thế giới công nghệ sẽ truyền cảm hứng cho các bé gái khác không tự giới hạn khả năng, ước mơ của mình, thay vì suy nghĩ ngành đó "chỉ dành cho con trai".
"Bên cạnh các dự án hỗ trợ bé gái mạnh dạn tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ, tôi cũng là nhà đầu tư, nhà tư vấn của nhiều dự án phát triển tinh thần nữ doanh nhân, vì tôi không muốn mọi phụ nữ bị phán xét chỉ bởi những người đàn ông của cuộc đời họ", Randi chia sẻ.
TTO - Chính khách Mỹ Kimberly Klacik bị chỉ trích "phân biệt chủng tộc" sau khi lên mạng xã hội chỉ ra "sự thật" vợ của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và vợ của thượng nghị sĩ Mỹ Mitch McConnell đều là "người Trung Quốc".
Xem thêm: mth.23294029051501202-peihgn-us-ev-ion-grebrekcuz-kram-auc-iag-ihc/nv.ertiout