Bà Phạm Kim Hoàng bảo vệ luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh trước hội đồng - Ảnh: V.H.
Bà Phạm Kim Hoàng (sinh năm 1951, ngụ huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh với đề tài "Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang" tại Trường ĐH Văn Hiến và đạt 7,4 điểm.
Học là cách thư giãn...
Về lý do chọn đề tài thực hiện, bà Hoàng nói mình là người Tiền Giang, ở cách Cái Bè (có làng cổ Đông Hòa Hiệp) chừng 12km. Bà từng đi chợ nổi Cái Bè nhiều lần nhưng hoàn toàn không biết gì về làng cổ này.
Trên một chuyến xe buýt từ Cai Lậy về Cái Bè, bà nghe người ta nói về lễ hội làng cổ sắp được tổ chức. Vậy là bà đi lễ hội và ý tưởng về luận văn phát sinh từ đây. "Mình dân trong tỉnh mà còn không biết làng cổ nên cũng muốn làm gì đó để du khách biết về điểm du lịch này. Địa điểm cũng gần nhà nên thuận lợi cho việc đi lại khảo sát, thu thập tư liệu làm luận văn" - bà Hoàng cho biết.
Để có ngày bảo vệ luận văn, ròng rã suốt 4 năm, mỗi lần đi học bà phải đi trên dưới 200km từ Tiền Giang lên TP.HCM qua 6 chuyến xe buýt. Bà không biết đi xe máy nên toàn bộ việc đi lại đều bằng xe buýt, xe ôm. Luận văn thạc sĩ hôm nay của bà lưu dấu thời gian 4 năm ngược xuôi với quãng đường chục ngàn cây số.
Có những buổi học trễ, xe buýt hết chuyến, bà phải đi xe ôm từ trường ra bến xe Miền Tây và đón xe khách về nhà, có lúc 23h mới về đến nhà. "Trong lớp có nhiều bạn ở xa, vướng bận con nhỏ mà vẫn sắp xếp đi học được. Tôi thấy mình vẫn còn thoải mái hơn nhiều. Đã chọn thì phải quyết tâm làm cho được" - bà Hoàng nói.
Bà Hoàng kể thêm: "Tôi dạy văn THCS, THPT. Khi nghỉ hưu cũng thấy trống trải nên lên mạng tìm cái gì đó để học. Các chương trình trực tuyến không có chuyên ngành văn, nên tôi thử tìm hiểu chương trình đào tạo các ngành khác và thấy quản trị kinh doanh có nhiều kiến thức cần thiết và gần gũi nên đã chọn học cử nhân trực tuyến ngành này".
Cơ duyên với ngành quản trị kinh doanh bắt nguồn từ đó. Nhưng việc học đối với bà không chỉ là kiến thức mà còn là việc thư giãn, rèn luyện trí lực và sức khỏe.
Bà cho rằng người lớn tuổi ở nhà ăn uống nhiều, ít vận động sẽ không tốt. Đi học phải di chuyển nhiều, làm bài tập, học bài giúp mình vận động cơ thể, đầu óc minh mẫn. "Mỗi người hưu trí có cách sử dụng thời gian rảnh khác nhau. Tôi xem việc đi học là niềm vui mỗi ngày, từ niềm vui sẽ có được hạnh phúc" - bà Hoàng chia sẻ thêm.
Lắm thử thách
Bà Hoàng đã trải qua 4 năm ngược xuôi quãng đường chục ngàn cây số để hoàn thành chương trình thạc sĩ - Ảnh: V.H.
Vốn là giáo viên dạy văn, lại lớn tuổi, học kinh tế với bà Hoàng lúc đầu là điều rất khó khăn. Đó không chỉ là các khái niệm, kiến thức chuyên ngành mà còn cả việc tính toán, nhớ công thức.
Bà thật thà nói khi học có những khái niệm, công thức bà đọc tới đọc lui vẫn không thể hiểu được. Vì tự học nên bà chọn cách phải học thuộc lòng trước để khi gặp giảng viên sẽ hỏi lại. Thế nên, chương trình lý thuyết thạc sĩ bà hoàn thành đúng tiến độ.
Nhưng với bà, khó khăn ban đầu qua đi, lại có trở ngại khác ập đến. Bà có thể đã bảo vệ luận văn sớm hơn nếu rành công nghệ. Khảo sát thực tế, phân tích số liệu xong nhưng việc chèn hình ảnh, biểu đồ vào luận văn chiếm rất nhiều thời gian.
"Tôi không rành công nghệ nên phải xem hướng dẫn trên mạng để chèn ảnh, biểu đồ vào bài. Nhưng khi mở ra nó bị cắt cúp hoặc... lạc đi đâu mất. Tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần, nhờ người hướng dẫn mới hoàn thành. Do đó việc làm luận văn chiếm rất nhiều thời gian" - bà Hoàng thật thà nói.
Có kiến thức về kinh tế, kinh doanh, thỉnh thoảng các cháu của bà gọi điện nhờ tư vấn. Có kiến thức, bà tự lý giải được một số hiện tượng kinh tế quanh mình.
Hiện tại, bà đang tích cực học tiếng Anh trên mạng. Bà nói có tuổi nên học hoài mà khả năng không tăng được bao nhiêu. Nhưng không sao, bà nói còn học là còn vui, còn học là còn hạnh phúc, còn thấy mình không là gánh nặng.
Khó khăn không là rào cản
Từ việc học của mình, bà Hoàng rút ra rằng mỗi người có một lựa chọn khác nhau. Nếu không vì những rào cản bắt buộc chúng ta phải dừng lại thì hãy bước tiếp, quyết tâm thực hiện đến cùng.
"Chỉ cần có ý chí, khó khăn trước mắt không phải là rào cản ngăn chúng ta thực hiện mục tiêu" - bà chia sẻ quan điểm của mình.
TT - Đó là trường hợp của học viên Lê Phước Thiệt (sinh năm 1933, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Cụ ông Lê Phước Thiệt vừa được Trường ĐH Duy Tân đặc cách học cao học khóa 12 ngành quản trị kinh doanh.