vĐồng tin tức tài chính 365

'Vẽ' chân dung kẻ khủng bố từ lá thư tống tiền

2021-05-16 03:30

Hai lá thư tống tiền được gửi tới Tòa giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn và ông Hồ Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, hồi tháng 5/2008. Mỗi lá thư viết tay dài 4 trang giấy, đe dọa khủng bố nếu hai người không nộp tiền.

Thư gửi Toà giám mục viết: "Kinh tế chúng con hạn hẹp, vậy nhờ đức cha giúp 30.000.000 đồng. Những quả bom tự chế tạo cho nổ bằng điện thoại di động, hoặc tự động hẹn giờ. Xin đức cha hãy suy xét, cố gắng giúp chúng con. Đức cha không nên làm chúng con thất vọng. Lá thư sau viết tiếp cho đức cha sẽ bàn cụ thể hơn".

Với Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, người viết thể hiện biết rõ hoàn cảnh gia đình, đặc điểm vợ con và nơi ở của ông Hồ Huy. Thư đe doạ "hỏi thăm bằng những trái mìn" và đưa ra yêu sách: "Chúng tôi cần ông giúp đỡ 20.000 USD, chẳng biết ông nghĩ thế nào chứ chúng tôi yêu cầu quá nhỏ. Nếu công ty ông không thực hiện thì sẽ mất mát thê thảm đấy".

Đầu thư, nghi phạm cố tình viết nghiêng trái (thư gửi ông Hồ Huy, trên) nhưng đến cuối thư thì mỏi tay, lộ dần về chữ nghiêng phải (thư gửi Tòa giám mục). Ảnh: Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM.

Đầu thư, nghi phạm cố tình viết nghiêng trái (thư gửi ông Hồ Huy, trên) nhưng đến cuối thư thì mỏi tay, lộ dần về chữ nghiêng phải (thư gửi Tòa giám mục). Ảnh: Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM.

Lãnh đạo Công an TP HCM đánh giá đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khi nghi phạm nhắm cùng lúc vào tổ chức tôn giáo lớn và doanh nghiệp có tiếng. Ban chuyên án được thành lập, phối hợp điều tra cùng Bộ Công an.

Trong khi các lực lượng khác rà soát toàn bộ nghi vấn, mối quan hệ xung quanh những người liên quan, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP HCM tập trung vào hai lá thư kẻ khủng bố gửi cho các nạn nhân. Họ không xác định được dấu vân tay nghi phạm do bị "nhiễu" khi có quá nhiều người chạm vào. Manh mối duy nhất là chữ viết, gồm hình thức và nội dung.

Nhiệm vụ được giao cho giám định viên tư pháp Đội 3 là Lê Trung Thành - Đội trưởng (nay là đại tá, Trưởng phòng); Phạm Thị Thanh Huyền - Đội phó (nay là thượng tá, Phó phòng) và Đặng Văn Bình - cán bộ (nay là trung tá, Đội trưởng). Thông thường, việc giám định chữ viết là so sánh giữa các tài liệu để đưa ra kết luận A hay B, nhưng ở vụ án này nhiệm vụ của họ là phải tìm ra chân dung người viết.

Hai lá thư có cùng loại phong bì, được đóng dấu gửi đi ngày 1/5/2008 từ Bưu điện Bình Triệu, quận Thủ Đức. Thư được viết trên giấy chuyên dùng học tập và giấy sổ tay cá nhân. Kiểu chữ trên thư là chữ thường, mực bút bi màu xanh.

Trên cả 2 thư, các chữ có trục nghiêng trái nhưng đến hết trang 3 thì chữ thẳng dần lên và nghiêng phải ở kết thư.

Nhận định người viết cố tình viết nghiêng trái để che giấu, nhóm cán bộ tỷ mỷ nghiên cứu chữ ở trang cuối. Kết quả giám định hai lá thư do cùng một người viết ra, có tốc độ viết nhanh hơn tốc độ trung bình, trục chữ (chiều viết thuận) là nghiêng phải.

Trung tá Đặng Văn Bình (trái) trao đổi kinh nghiệm giám định với đồng đội. Ảnh: Việt Anh.

Trung tá Đặng Văn Bình (trái) trao đổi kinh nghiệm giám định với đồng đội. Ảnh: Việt Anh.

Trong thư gửi ông Hồ Huy, nghi phạm kể hoàn cảnh "đi lính, vợ con"... nên được xác định là nam giới. Đội trưởng Thành dự đoán người này khoảng từ 50 tuổi trở lên dựa trên câu viết "đã từng giải phóng Sài Gòn". "Tôi lấy mốc 1975 trừ đi 18 tuổi của anh bộ đội để ước tuổi nghi phạm", anh phân tích.

Nghiên cứu tiếp nội dung thư gửi Toà giám mục, giám định viên Huyền chú ý cụm từ "Lương cũng như Giáo...". "Quê tôi ở Nam Định, học xong cảnh sát mới về công tác tại Công an TP HCM. Tôi nhớ người dân quê mình vẫn thường dùng các từ bên Lương - bên Giáo, còn trong Nam không ai sử dụng", chị kể.

Về chính tả, nghi phạm thường sai âm l thay cho âm n (thối lát thay vì thốt nát) và âm s thay cho âm x (đối sử thay vì đối xử). Ông ta cũng nhắc đến từ "ruộng vườn" nên nhà sẽ ở vùng nông thôn. Tổng hợp các chi tiết này, giám định viên đánh dấu được một số tỉnh miền Bắc.

Tuy nhiên, trong 2 lá thư cũng xen nhiều tiếng miền Nam, như "sanh 2 con", "trái mìn", "thâm hiểu xã hội" (miền Bắc dùng "am hiểu"). Người viết còn nhắc đến hai công ty taxi có tiếng là Mai Linh và Vinasun, trong khi Vinasun chưa hoạt động ở phía Bắc. Người này cũng nêu được tên phố nơi gia đình ông Hồ Huy đang sống, biết được con gái ông tên là Mai Linh. Thư cũng được gửi đi ngay trong TP HCM.

Sau nhiều đêm trắng nghiên cứu và thảo luận, 3 cán bộ báo cáo Ban chuyên án về các đặc điểm của nghi phạm tống tiền. Người này là nam giới, từ 50 tuổi trở lên (tính đến năm 2008), học vấn trung học phổ thông, viết chữ nghiêng phải, hay sai n thành l. Nghi phạm đang sinh sống ở TP HCM nhưng xuất thân gốc Bắc vùng nông thôn, nhiều khả năng ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Thọ. Ông ta từng đi bộ đội, cuộc sống quê nhà khó khăn, bất mãn chế độ và hiện túng quẫn kinh tế.

Sàng lọc theo các đặc điểm trên, Bộ Công an chọn ra 10 tài liệu viết tay khả nghi. Tháng 7/2008, nhóm chuyên gia báo cáo kết quả giám định chữ viết trên 2 lá thư tống tiền không giống chữ viết trên 10 tài liệu so sánh. Một tháng sau, Bộ gửi thêm 10 mẫu nhưng kết quả vẫn là không giống.

Liên tục trong hai năm 2008-2009, các giám định viên ra các kết luận chữ viết thư tống tiền không giống với gần 100 tài liệu do Bộ Công an và các đơn vị Công an TP HCM gửi đến. Đây là các bản viết tay đáng ngờ nhất sau khi lọc ra từ hàng chục nghìn văn bản. Chữ càng giống thì càng khó cho giám định, vì phải nghiên cứu, so sánh vượt trên số lượng đặc điểm theo quy định mới kết luận được, theo các chuyên gia.

Trong thời gian này, Tòa giám mục và Tập đoàn Mai Linh không nhận thêm thư de dọa và không nộp tiền theo yêu sách của nghi phạm.

Thêm 4 năm nữa, kết quả so sánh các mẫu viết tay khả nghi vẫn không giống. Ba cán bộ cảm nhận được áp lực điều tra và đôi lúc trăn trở "nếu nghi phạm không như suy đoán, uy tín cả phòng bị ảnh hưởng". Lúc này, đội trưởng Thành động viên đồng đội vững tâm vì các kết luận đều dựa trên căn cứ khoa học và kinh nghiệm, chuyên môn tập thể.

Nội dung thư gửi tới Trưởng công an phường 6, quận 3. Ảnh: Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM

Nội dung thư gửi Trưởng Công an phường 6, quận 3. Ảnh: Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP HCM.

Manh mối xuất hiện vào ngày 25/1/2013 - trước Tết Quý Tỵ 2 tuần. Trưởng Công an phường 6, quận 3, nhận được lá thư viết tay gửi qua bưu điện, đe doạ: "Xem ra cảnh báo không hiệu quả, vậy phải tiếp tục tăng cường vụ nổ trong dịp tết này để các tham quan biết và chuẩn bị bảo vệ những lơi nhạy cảm, cho người tháo gỡ mìn. Bên gài, bên gỡ xem bên nào thắng".

Trước đe dọa nặc danh, Công an TP HCM đã yêu cầu Công an quận 3 tăng cường bảo đảm an ninh tại nhiều địa điểm. Cơ quan An ninh điều tra cũng đề nghị nghiên cứu đặc điểm người đã đe dọa ông Hồ Huy và Toà giám mục mà Phòng Kỹ thuật hình sự dự đoán 5 năm trước.

Trong một lần tuần tra kiểm soát ngày giáp Tết, cảnh sát phát hiện người đàn ông khả nghi có thiết bị nổ nên đưa về trụ sở kiểm tra hành chính. Người này xuất trình giấy tờ tùy thân có dấu hiệu tẩy xóa tên là Bang, 60 tuổi, quê Nam Định, nên được yêu cầu viết bản khai lý lịch.

Cán bộ điều tra nhận thấy Bang có nhiều nét tương đồng với các đặc điểm "người bí ẩn" nên gửi mẫu chữ cho Phòng Kỹ thuật hình sự giám định, so sánh với các tài liệu thu được trước đây. Kết quả cho thấy chữ viết trên thư đe dọa khủng bố gửi tới Trưởng Công an phường 6 quận 3 trùng giống với chữ viết trên bản khai đứng tên Bang. Khám xét nhà ông ta, nhà chức trách tìm thấy một số tài liệu, quyển sổ tay bìa màu nâu, cuốn vở học sinh...

Đến cuối tháng 3/2013, các giám định viên kết luận chữ viết trên lá thư gửi ông Hồ Huy, Tòa giám mục và Trưởng Công an phường 6 quận 3 với chữ viết của Bang là do cùng một người viết ra. Các tờ giấy dùng để viết thư tống tiền lấy từ sổ tay bìa màu nâu và cuốn vở học sinh thu tại nhà Bang.

Sau này, Bang bị kết tội khủng bố, chống chính quyền, phải nhận 6 năm tù.

Thành tích "vẽ" chân dung nghi phạm từ chữ viết trong vụ án này đã được đưa vào bài giảng môn Kỹ thuật hình sự trong các trường công an.

Theo đại tá Lê Trung Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP HCM, giám định chữ viết đòi hỏi sự thận trọng, tỷ mỷ, chính xác đến mức khắt khe. Máy móc chỉ dừng ở mức độ hỗ trợ, còn lại chuyên môn, kinh nghiệm và thậm chí cả trực giác của giám định viên có tính chất quyết định. "Mỗi chữ viết đều có hồn cốt, giám định viên phải là người bắt được hồn chữ", đại tá Thành nói.

Dựa trên chứng cứ khách quan và khoa học, công tác kỹ thuật hình sự không chỉ định hướng cho công tác điều tra mà còn bảo đảm hệ thống chứng cứ vật chất vững chắc cho việc chứng minh tội phạm, người phạm tội, hạn chế thấp nhất oan sai cũng như bỏ sót tội phạm.

Ngày 15/5, tròn 45 năm ngày thành lập ngành, các cán bộ chiến sĩ Phòng cảnh sát Kỹ thuật hình sự Công an TP HCM vẫn vùi đầu vào công việc thầm lặng như vốn dĩ.

Từ năm 2016 đến 2020, Phòng đã nhận được nhiều bằng khen từ Bộ Công an và Công an TP HCM; giám định 41.037 vụ việc (pháp y, ma tuý, tài liệu, cháy nổ, súng đạn...); khám nghiệm hiện trường 1.261 vụ, thực hiện 780 yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

* Tên kẻ khủng bố đã thay đổi.

Việt Anh

Xem thêm: lmth.0455724-neit-gnot-uht-al-ut-ob-gnuhk-ek-gnud-nahc-ev/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Vẽ' chân dung kẻ khủng bố từ lá thư tống tiền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools