Nhân viên Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân từng đến Đà Nẵng từ ngày 1 đến 14-5. Ảnh chụp chiều 15-5 - Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Y tế, tính từ 12h đến 18h ngày 15-5, cả nước có 131 ca mắc mới (BN3855 - 3985). Trong đó có 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Vĩnh Long và Quảng Ninh; 129 ca ghi nhận trong nước, gồm Bắc Giang 85 ca, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều 13 ca, Bắc Ninh 16 ca, Đà Nẵng 8 ca, Vĩnh Phúc 4 ca, Lạng Sơn 2 ca, Nam Định 1 ca.
Như vậy tính trong 24 giờ qua (từ 18h ngày 14-5 đến 18h ngày 15-5), Việt Nam có 169 ca mắc mới, trong đó có 165 ca mắc trong nước, 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục từ trước tới nay.
Bắc Ninh và Bắc Giang đang là 2 điểm nóng về dịch COVID-19 của cả nước khi liên tục có nhiều ca mắc mới, ổ dịch mới được phát hiện. Trong đó Bắc Ninh có gần 200 trường hợp mắc COVID-19 tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố; từ 14h chiều hôm nay 15-5, tỉnh quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 đối với huyện Yên Phong.
Còn Bắc Giang đã có hơn 200 ca nhiễm COVID-19. Đáng chú ý, một ổ dịch mới được phát hiện tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, nơi có khoảng 6.000 công nhân làm việc.
Thông tin cụ thể các ca bệnh ghi nhận chiều 15-5:
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (13 ca):
Các ca bệnh từ 3856 - 3868 gồm 4 nhân viên y tế và 9 bệnh nhân đã được cách ly trong bệnh viện từ trước.
Đà Nẵng (8 ca):
Các ca bệnh từ 3870, 3873 - 3874, 3876 đến 3880 đều là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, được xét nghiệm diện rộng và đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 14-5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bắc Ninh (16 ca):
Các ca bệnh từ 3871 - 3872, 3875, 3881 - 3886, 3888 - 3894 đều là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 15-5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 5 bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện dã chiến Gia Bình, Bệnh viện dã chiến Tiên Du, Bệnh viện Sản Nhi, và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh.
Nam Định (1 ca):
Ca bệnh 3887 là nữ, 17 tuổi, địa chỉ tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; là F1 của BN3755, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 14-5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Vĩnh Phúc (4 ca):
Ca bệnh 3895 - 3898 là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 15-5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Vĩnh Phúc.
Bắc Giang (85 ca):
Các ca bệnh gồm 3899, từ 3901 - 3902, từ 3904 - 3985 đều liên quan đến ổ dịch Công ty Hosiden và Khu công nghiệp Quang Châu đã được cách ly và nằm trong khu phong tỏa trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 15-5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bắc Giang.
Lạng Sơn (2 ca):
Ca bệnh 3900 là nam, 15 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; là F1 của BN3721, đã được cách ly từ trước; ca bệnh 3903 là nữ, 58 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; là F1 của BN3354, đã được cách ly từ trước.
Kết quả xét nghiệm ngày 15-5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng.
2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh:
Tại Vĩnh Long: Ca bệnh 3855 là nữ, 35 tuổi, là công dân Việt Nam, địa chỉ tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Ngày 6-5 bệnh nhân từ Malaysia nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9324 và được điều tiết về cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Vĩnh Long. Kết quả xét nghiệm ngày 14-5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Vĩnh Long.
Tại Quảng Ninh: Ca bệnh 3869 là nữ, 29 tuổi, địa chỉ tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ngày 29-4 bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 15-5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, làm việc với Bộ Y tế sáng 15-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Những ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. "Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân dân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ “toàn dân đang trông chờ chúng ta, lực lượng nòng cốt chống dịch”. Ngành y tế đã “quyết liệt nhất, chịu nhiều hi sinh nhất”. Tuy nhiên, với tinh thần khiêm tốn, ngành y tế vẫn còn những hạn chế, bất cập, yếu kém, cần “tìm ra, chỉ rõ, nói thật, đối diện, cùng nhau giải quyết”.
WHO cảnh báo năm COVID thứ hai hậu quả nặng nề hơn
Ngày 14-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 có khả năng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn với nhiều ca tử vong hơn trong năm 2021.
Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh thế giới đang trải qua một năm đại dịch thứ hai có thể sẽ còn có nhiều ca tử vong hơn năm đầu tiên. Tính đến nay, sau hơn một năm bùng phát, đại dịch đã khiến hơn 3,4 triệu người trên thế giới tử vong.
Người dân Ý thăm tháp nghiêng Pisa ngày 1-5 sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được giảm bớt - Ảnh: REUTERS
Về vấn đề đeo khẩu trang, ngày 14-5, WHO cho rằng những người đã tiêm phòng đủ vắc xin ngừa COVID-19 vẫn nên đeo khẩu trang tại những khu vực vẫn còn tình trạng lây nhiễm.
Nhà khoa học trưởng của WHO, bà Soumya Swaminathan khẳng định hiện có quá ít quốc gia đủ điều kiện để dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Các quan chức của WHO đều cho rằng các nước cần cân nhắc kỹ về việc dỡ bỏ các biện pháp nhằm kiểm soát lây nhiễm, như đeo khẩu trang, đồng thời cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm những biến thể mới của virus.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ quan ngại trước sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, biến thể B1.617.2, vốn được cho là một phần nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng dịch bệnh tồi tệ tại quốc gia Nam Á này.
Thủ tướng Johnson không loại trừ khả năng việc B1.617.2 xâm nhập vào Anh sẽ khiến quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội tại nước này bị gián đoạn một cách nghiêm trọng. Bộ Y tế Anh đã phát hiện ra biến thể trên tại vùng Tây Bắc xứ England và ở thủ đô London.
Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ sẽ dựa vào những dữ liệu đánh giá chính thức về mức độ nguy hiểm của biến thể này để đưa ra quyết định về các bước tiếp theo trong tiến trình mở cửa trở lại.
Hiện giới khoa học tin rằng biến thể B1.617.2 lây lan nhanh hơn nhưng chưa xác định được cụ thể nhanh hơn bao nhiêu lần so với virus gốc.
TTO - Diễn biến đại dịch COVID-19 đang chậm lại ở Mỹ, Canada, châu Âu và Trung Đông, trong khi số ca bệnh toàn cầu tiếp tục giảm trong tuần thứ hai liên tiếp.
Xem thêm: mth.47612316151501202-ac-58-gnaig-cab-gneir-coun-gnort-91-divoc-cam-ac-921-meht-5-51-iot/nv.ertiout