Nhiều “chợ đầu mối” ảo trên Facebook quy tụ hàng trăm ngàn thành viên, chủ chợ thu phí rất khủng từ các thành viên nhưng chưa bị cơ quan thuế “sờ gáy” - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều 'chợ đầu mối' hoạt động khá nhộn nhịp trên mạng, thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn thành viên đăng ký mã sạp và đóng phí. Tuy nhiên, hoạt động này đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế, dù các ngân hàng được yêu cầu phải cung cấp
Chỉ cần gõ chữ "chợ đầu mối" trên công cụ tìm kiếm Facebook sẽ ra hàng loạt trang có tên như: chợ đầu mối hoa quả, chợ đầu mối, chợ đầu mối thủy hải sản đến chợ đầu mối đồ ăn vặt, chợ đầu mối quần áo sỉ, sầu riêng, bơ...
Nộp phí đăng ký sạp trên chợ mạng
Số lượng thành viên của các "chợ đầu mối" này rất lớn. Chẳng hạn, nhóm "chợ đầu mối hoa quả" có đến 446.000 thành viên, nhóm "chợ đầu mối quần áo sỉ" có đến 249.000 thành viên, nhóm "chợ đầu mối đồ ăn vặt" với 213.000 thành viên.
Nhiều nhóm khác có số lượng từ vài chục ngàn đến 200.000 thành viên, như nhóm chợ đầu mối có 200.000 thành viên. Nhóm chợ đầu mối hoa quả - hội buôn trái cây sỉ và lẻ có 154.000 thành viên.
"Vì sao người ta chốt được nhiều đơn hàng nhưng mình đăng mãi quản trị viên chẳng duyệt bài cho. Đơn giản là người ta đăng bài phát lên luôn, tiếp cận nhanh chóng với hơn 130.000 thành viên mà không cần đợi admin duyệt bài! Người ta có quyền duyệt tự động".
Câu hỏi và tự trả lời này được ghim ngay trên nhiều trang chủ của một hội nhóm với hàng trăm ngàn thành viên, nhằm thúc các thành viên đăng ký mã sạp và đóng phí cho chủ chợ.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thông thường các nhóm nhỏ cho đăng miễn phí để tăng số lượng thành viên, khi số lượng người tham gia đông, nhóm này sẽ bắt đầu thu phí thông qua việc khuyến khích thành viên đăng ký kiôt bán hàng để được duyệt tự động.
Muốn đăng ký, thành viên chỉ cần nhấp vào link do chủ chợ gửi và khai báo thông tin, địa chỉ, số điện thoại, CMND, chuyển khoản tiền phí sẽ được xác nhận và báo mã kiôt.
Chủ một chợ đầu mối hoa quả cho hay phí đăng ký kiôt tính theo kỳ với mức phí 800.000 đồng/kg. Mỗi năm có 2 kỳ, kỳ 1 tính từ tháng 5 đến tháng 10 và kỳ 2 là thời gian còn lại.
"Đăng ký kiôt có rất nhiều điểm lợi như tự động duyệt, một ngày được đăng đến 6 bài trên 2 chợ là chợ đầu mối hoa quả và chợ đầu mối hoa quả VN, mỗi chợ 3 bài. Trong khi nếu không đăng ký thành viên thì 1 ngày chỉ được đăng 1 bài, cuối ngày anh mới duyệt" - chủ chợ nói.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy phần lớn bài đăng đều gắn mã kiôt - tức là những trường hợp này đều đăng ký và đóng phí. Như vậy, với số lượng hàng trăm ngàn thành viên, nếu chỉ một nửa đăng ký kiôt, khoản phí mà chủ chợ này thu được không hề nhỏ.
Hầu hết các "chợ đầu mối" này đều khuyến khích người bán hàng chọn dịch vụ mất phí để được duyệt tự động, chủ động thời gian đăng bài, livestream mà không cần chờ duyệt, chọn giờ vàng nhiều tương tác để đăng...
Có nhóm thông báo đã ngưng duyệt bài bán hàng cho những thành viên chưa đăng ký thông tin tại group với lý do... nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo và khuyến khích thành viên đăng ký mã sạp để tăng uy tín, "người ta hỏi là chốt đơn luôn".
Cá nhân hay sàn sẽ nộp thuế?
Điều đáng nói là lâu nay cơ quan thuế chỉ thu thuế những người có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube nhờ viết phần mềm, làm nội dung... mà chưa từng đề cập đến các nhóm buôn bán trên mạng như các chợ ảo quy tụ hàng trăm ngàn thành viên này.
Việc truy thu thuế từ các YouTuber cũng chỉ theo hướng là những cá nhân này nhận tiền từ Google trả cho việc làm nội dung.
Trên thực tế, nhiều kênh YouTube có thu nhập rất lớn từ việc quay giới thiệu các sản phẩm, phổ biến nhất là nhà đất với giá quay trung bình 2-3 triệu đồng/sản phẩm. Mỗi ngày có vài sản phẩm post lên kênh YouTube, thu nhập trong vòng 1 tháng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng bị cơ quan thuế "sờ gáy".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa - hộ kinh doanh - cá nhân (Tổng cục Thuế), thừa nhận rằng lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) rất rộng.
Tuy nhiên, cơ quan thuế mới chỉ tập trung vào quản lý thuế trên Facebook, YouTube... với các cá nhân bán sản phẩm thông tin số như clip, video... và thu tiền quảng cáo. Thời gian tới, ngành thuế sẽ tập trung quản lý trong năm nay và các năm tiếp theo là các sàn TMĐT.
Đây là nơi mà tổ chức, cá nhân bán các hàng hóa, dịch vụ truyền thống như dịch vụ ăn uống, hàng tiêu dùng trên các sàn giao dịch TMĐT. Luật quản lý thuế cũng quy định quản lý thuế đối với TMĐT. Do đó, các cơ quan thuế đang bắt đầu tổ chức quản lý thuế với TMĐT trên địa bàn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, vốn là những địa bàn phát sinh nhiều hoạt động TMĐT.
Việc cá nhân bán hàng tài sản tiêu dùng của bản thân mình trên sàn TMĐT, theo quy định, không phải kê khai và nộp thuế. Nhưng với những tài sản không mang tính chất tiêu dùng như tàu, thuyền... người bán phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nếu xác định tài sản này là kinh doanh, người bán sẽ phải nộp thuế.
Cũng theo bà Lan, khi kinh doanh hàng hóa trên các sàn TMĐT, các sàn phải có trách nhiệm yêu cầu người bán hàng kê khai thông tin (về người bán, doanh thu...), đồng thời phải cung cấp thông tin này cho cơ quan thuế.
Trên thực tế, các sàn TMĐT đều quản lý được toàn bộ doanh thu bán hàng của các shop trên sàn, ngay cả với đơn hàng được trả bằng tiền. "Việc yêu cầu chủ sàn TMĐT khai thay và nộp thay tiền thuế của cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ rất thuận lợi cho cơ quan thuế, bởi căn cứ pháp lý và dòng tiền đều có.
Nhưng trong dịch bệnh này, cơ quan thuế đang nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo để đưa ra phương pháp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT" - bà Lan nói.
Đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế
Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư về thuế của các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, với 2 phương án được đưa ra. Theo đó, các sàn TMĐT được yêu cầu khai thông tin và nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh.
Như vậy, các sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo... hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại VN) cho cơ quan thuế. Phương án thứ 2 là chính cá nhân kinh doanh sẽ phải tự kê khai và nộp thuế khi bán hàng trên các sàn TMĐT.
Tuy nhiên, ngành thuế sẽ cân nhắc phương thức để đảm bảo quản lý thuế chặt chẽ việc kê khai và nộp thuế, đồng thời vẫn tạo thuận lợi và khuyến khích người dân áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Theo TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, việc cơ quan thuế TP.HCM quản chặt tiền thuế của những cá nhân bán hàng trên sàn TMĐT là hoàn toàn hợp lý, bởi đã kinh doanh và phát sinh doanh thu phải có nghĩa vụ đóng thuế, đảm bảo công bằng với các hoạt động kinh doanh truyền thống khác trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
TTO - Không chỉ người cho thuê căn hộ, tới đây các sàn thương mại điện tử có kết nối người mua với người bán như Chợ Tốt, muaban.net, Adayroi, Shopee, Lazada; doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ... trên mạng sẽ vào tầm ngắm thuế.
Xem thêm: mth.26965002251501202-neiv-hnaht-ueirt-ac-gnub-gnut-pihn-nohn-enilno-ohc-neuq-ob-euht/nv.ertiout