vĐồng tin tức tài chính 365

Bỏ bản quyền để có nhiều vaccine - vấn đề không đơn giản như thế

2021-05-16 08:43

Bỏ bản quyền để có nhiều vaccine - vấn đề không đơn giản như thế

Lạc Diệp

(KTSG) - Đề xuất bãi bỏ bản quyền vaccine Covid-19 đang được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, đề xuất này liệu có khả thi và sẽ tác động như thế nào đến ngành công nghiệp dược phẩm?

Các rào cản về bản quyền vaccine Covid-19 nên được tạm thời dỡ bỏ.

Cơ hội tiếp cận vaccine cho các quốc gia đang phát triển

Chính phủ Mỹ đã gây bất ngờ cho ngành công nghiệp dược phẩm khi ủng hộ kế hoạch bãi bỏ tạm thời bản quyền vaccine Covid-19, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất vaccine trên toàn thế giới, ứng phó với đại dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Chia sẻ với báo giới hôm 5-5, bà Katherine Tai, Đại diện thương mại Mỹ, cho biết mặc dù Chính phủ Mỹ thừa nhận tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp, song trước tình thế cấp bách như hiện tại, các rào cản về bản quyền vaccine Covid-19 nên được tạm thời dỡ bỏ.

Do đã đầu tư cho quá trình phát triển vaccin, chính quyền Tổng thống Joe Biden có quyền tác động lên ít nhất hai hãng dược Johnson & Johnson và Moderna để yêu cầu họ chia sẻ công nghệ chế tạo vaccine Covid-19.

Về lý thuyết, việc bãi bỏ bản quyền được kỳ vọng là sẽ giúp các nước đang phát triển nhập khẩu công nghệ, thiết bị và thành phần cần thiết để sản xuất vaccine của riêng mình một cách dễ dàng hơn. Ấn Độ và Nam Phi, những quốc gia đi đầu trong việc kêu gọi bãi bỏ bản quyền vaccin cho rằng, đây là cách duy nhất để đảm bảo “quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng và giá cả phải chăng” đối với các sản phẩm phòng ngừa Covid-19, bao gồm cả vaccine và thuốc.

Theo bà Ellen t ’Hoen, nhà hoạt động y tế và là Giám đốc Tổ chức Medicines Law & Policy, một số nhà sản xuất đã cho biết họ có thể sản xuất nhiều vaccine Covid-19 hơn nếu được cung cấp công thức. Bà Ellen cũng khẳng định, chính phủ các nước phương Tây đã hỗ trợ cho việc phát triển vaccine, cần đảm bảo rằng, việc phân phối chúng sẽ trở nên công bằng hơn. Các số liệu thống kê cho thấy, hiện đã có khoảng 1,1 tỉ liều vaccine Covid-19 được sử dụng trên toàn thế giới, nhưng chỉ có chưa đầy 18 triệu liều được tiêm tại các nước châu Phi.

“Các chính phủ có thể đã nhượng bộ quá nhiều và cho đi những khoản tiền khổng lồ mà không hề đảm bảo về việc cam kết chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ”, bà Ellen nhận xét.

Năng lực sản xuất quan trọng hơn bản quyền

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Một trong những lập luận đầu tiên được đưa ra là việc bãi bỏ bản quyền vaccine không đồng nghĩa với việc thế giới sẽ có thêm nhiều liều vaccine với chất lượng đảm bảo, bởi điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất và công nghệ.

Ông Thomas Cueni, Tổng giám đốc Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA), nhận xét vaccine phức tạp hơn nhiều so với hầu hết các loại thuốc và việc sản xuất chúng là điều không hề dễ dàng, ngay cả khi sở hữu công thức.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Robin Jacob, Trưởng khoa Luật sở hữu trí tuệ tại Đại học College London, cho biết “không có bằng chứng” nào cho thấy các công ty khác sẽ đột nhiên có thể sản xuất vaccine sau khi bản quyền bị bãi bỏ. Hãng dược Johnson & Johnson từng kiểm tra 100 đối tác tiềm năng, và sau đó đưa ra kết luận: chỉ 10 đối tác trong số này có khả năng thực hiện việc sản xuất thành công.

“Hầu như không có doanh nghiệp nào để bạn có thể cấp phép. Họ không thể làm được, bởi điều này cần đến một nhà máy lớn, một bộ kỹ năng khổng lồ. Việc có bằng sáng chế hay không, không quan trọng”, ông Jacob cho biết.

Ông cũng cảnh báo, các nhà sản xuất vaccine có thể cử các chuyên gia đến các nhà máy mới để quản lý quá trình chuyển giao công nghệ, nhưng điều đó có thể làm hỏng quá trình sản xuất đang được tiến hành. “Nếu bây giờ họ yêu cầu các chuyên gia đến dạy ai đó ở Bangladesh xây dựng một nhà máy. Sẽ phải mất từ ba đến bốn năm, và cũng không còn ai ở lại các nhà máy hiện nay để sản xuất vaccine nữa”.

Theo lập luận của người đứng đầu Tổ chức Cải tiến công nghệ sinh học Michelle McMurry-Heath, việc trao cho các nước một cuốn sách hướng dẫn sản xuất mà không có nguyên liệu, nhân lực cũng như các biện pháp an toàn thì cũng không giúp ích gì cho những người dân đang mong chờ vaccine.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng dược Moderna Stephane Bancel cho rằng sẽ rất mất nhiều thời gian để làm chủ được công nghệ về RNA vận chuyển (mRNA) - cơ sở để sản xuất vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như việc mua được các thiết bị, tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng và thiết lập dây chuyền sản xuất quy mô lớn... Những việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và “không phải vấn đề có thể giải quyết trong 6, 12 hay 18 tháng”.

Theo chia sẻ của ông Thomass Cueni, việc chuyển giao công nghệ là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, và mọi nỗ lực đốt cháy giai đoạn sẽ không thể mang lại kết quả tốt. “Một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất của Ấn Độ đã bày tỏ với tôi những lo ngại về việc mọi người đang quá tập trung vào vấn đề bằng sáng chế, mà bỏ qua tầm quan trọng của việc đảm bảo và kiểm soát chất lượng vaccine. Nếu bạn có nhiều nhà sản xuất hơn, nhưng lại không đảm bảo được chất lượng, thành thật mà nói, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn”.

Vaccine của Pfizer cần 280 nguyên liệu và thành phần khác nhau có nguồn gốc từ 19 quốc gia trên thế giới. Ông Bourla khẳng định Pfizer có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chế tạo vaccine, nhưng nguồn nguyên liệu thô khan hiếm chính là yếu tố gây cản trở.

Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu đầu vào

Một trở ngại khác được các hãng dược nêu ra, là vấn đề thiếu hụt nguyên liệu đầu vào để sản xuất vaccine. Theo Financial Times, nỗ lực sản xuất hàng loạt vaccine Covid-19 trên quy mô chưa từng có vẫn đang bị hạn chế bởi nhiều nút thắt khác nhau, bao gồm sự thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu (như hạt nano lipid) và thiết bị (túi phản ứng sinh học).

Các nhà máy mới được thành lập để sản xuất vaccine cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự, trong bối cảnh chính sách kiểm soát xuất khẩu được nhiều nước áp dụng đang làm chậm trễ quá trình vận chuyển các vật liệu, thiết bị quan trọng.

Trong bối cảnh đó, ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer, công ty sở hữu mẫu vaccine đạt hiệu quả 95%, cảnh báo việc bãi bỏ các bằng sáng chế vaccine Covid-19 có thể “mở ra một cuộc tranh giành” đối với nguồn nguyên liệu dùng để chế tạo vaccine.

Ông cho biết, vaccine của Pfizer cần 280 nguyên liệu và thành phần khác nhau có nguồn gốc từ 19 quốc gia trên thế giới. Ông Bourla khẳng định Pfizer có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chế tạo vaccine, nhưng nguồn nguyên liệu thô khan hiếm chính là yếu tố gây cản trở. Trong trường hợp việc sản xuất vaccine được mở rộng trong tương lai sau khi bản quyền sáng chế bị bãi bỏ, một cuộc tranh giành nguyên liệu sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) cũng coi việc giải quyết vấn đề nguyên liệu sản xuất vaccine là ưu tiên cấp bách hơn so với việc bãi bỏ bản quyền vaccine. Các nhà lãnh đạo của lục địa già đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Anh, những quốc gia đang áp dụng những biện pháp hạn chế xuất khẩu vaccine và nguyên liệu sản xuất vaccin cần có sự thay đổi.

Thủ tướng Ý Mario Draghi khẳng định: “Trước khi bàn đến tự do hóa vaccine, có những chuyện đơn giản có thể thực hiện như dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ở Mỹ và Anh. Tôi nói đây là điều đầu tiên nên làm, vì có dỡ rào cản bản quyền cũng không đảm bảo sẽ có vaccine”.

Tương tự, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi “tiến tới tự do trao đổi nguồn nguyên liệu và một thị trường mở cho vaccine, trong bối cảnh một tỷ lệ lớn dân số Mỹ đã được tiêm ngừa” trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất “Mỹ chấm dứt việc hạn chế xuất khẩu không chỉ vaccine mà cả nguyên liệu bào chế”.

“Tiền lệ xấu” cho ngành công nghiệp dược phẩm

Một lo ngại mang tính dài hạn hơn đối với đề xuất bãi bỏ bản quyền vaccine, chính là vấn đề bảo vệ phát minh của doanh nghiệp. Lãnh đạo hãng dược Pfizer đã cảnh báo, việc từ bỏ bản quyền sẽ không khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm trong tương lai. Phát ngôn này của đại diện Pfizer đã nhận được sự đồng tình của các hãng dược Moderna và Novavax.

Đức - quốc gia có ngành công nghiệp dược phát triển mạnh cho rằng, việc bãi bỏ bản quyền vaccine Covid-19 không phải là giải pháp hữu hiệu giúp tăng sản lượng. Thay vào đó, thế giới cần thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng lực đột phá của các công ty dược (bao gồm bảo đảm quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ) để tiếp tục khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu các phương thuốc mới ngăn ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2.

Trả lời phỏng vấn Reuters, bà Micaela Modiano - chuyên gia về bản quyền sở hữu trí tuệ tại Công ty luật Modiano & Partners, đại diện cho hãng dược Pfizer, đã gọi đề xuất của Chính phủ Mỹ là “một tiền lệ xấu” đối với tương lai của ngành công nghiệp dược phẩm. Bà nhận xét “Tất cả mọi người đều muốn vaccine được phân phối rộng rãi, nhưng đừng quên rằng, chính nhờ các bằng sáng chế mà các công ty dược phẩm tiếp tục đầu tư để phát triển các loại vaccine, dược phẩm, phương thức điều trị tốt hơn. Nếu không còn phần thưởng xứng đáng, họ sẽ không mạnh tay đầu tư nữa”.

Ông Thomass Cueni, Tổng Giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA), cũng bày tỏ lo ngại khi cho biết: “Việc bãi bỏ bằng sáng chế sẽ khiến hàng trăm công ty dược phẩm tin rằng, nếu có một đại dịch khác bản quyền sở hữu trí tuệ của họ rồi cũng sẽ không được bảo vệ. Điều đó thật sự rất đáng lo ngại”.

Theo Financial Times, để giải quyết khúc mắc này, WHO hiện đang cố gắng khuyến khích các công ty sản xuất vaccine chia sẻ bằng sáng chế và bí quyết kỹ thuật của họ, với các trung tâm khu vực ở các quốc gia nghèo hơn. Kế hoạch mới được đưa ra gần đây này, có thể cung cấp cho các công ty dược phẩm nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tài sản trí tuệ của họ, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo mở rộng hoạt động sản xuất vaccine. Dẫu vậy, tác động tích cực mà đề xuất này có thể mang lại, chắc chắn sẽ không đến trong ngắn hạn. 

Xem thêm: lmth.eht-uhn-naig-nod-gnohk-ed-nav--eniccav-ueihn-oc-ed-neyuq-nab-ob/442613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bỏ bản quyền để có nhiều vaccine - vấn đề không đơn giản như thế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools