- Kênh đào Suez và những ẩn dụ lịch sử
- Cần khai mở lịch sử và văn học trung đại của người Mường Hòa Bình
Ám ảnh ghi nhớ
Chuyện này không phải là hiếm. Đến đài truyền hình còn từng vác máy quay ra đường hỏi học sinh rằng “Quang Trung và Nguyễn Huệ có phải là anh em?”. Để rồi khi nhận về những câu trả lời ngô nghê thì chúng ta lại gật gù với nhau rằng: học sinh giờ không có ý thức hiểu về lịch sử.
Tất nhiên là chúng ta nghĩ rằng mình có quyền phán xét. Cùng với nỗi ám ảnh điểm số, việc một ai đó sai những lỗi cơ học nghiêm trọng khi vận dụng trí nhớ từ nhiều năm nay đã trở thành những bằng chứng tiêu biểu cho thấy sự thất bại chung của giáo dục lịch sử.
Nhưng, mặt khác, nó cũng cho thấy rằng học lịch sử dường như đã ghi vào tâm khảm không ít người rằng nó là một thử thách về ghi nhớ kiểu gameshow, chứ không phải những thứ có thể định hình ký ức tập thể và con người chúng ta.
Một trong những câu chuyện hư cấu lịch sử được kể lại nhiều trên mạng nhất là về 2 viên đạn ngẫu nhiên đâm xuyên nhau trên chiến trường trong Thế chiến 1. Tất nhiên, hư cấu dù hấp dẫn nhưng thiếu sự thật thì vẫn không thể là lịch sử. Nguồn ảnh: Getty. |
Một trong những trò gian lận phổ biến của chúng tôi trong giờ kiểm tra lịch sử khi còn ngồi ghế nhà trường là ghi sẵn số xe tăng, vũ khí, trang thiết bị... lẫn ngày tháng của các sự kiện và địa danh vào lòng bàn tay. Tất nhiên là lúc nào gian lận cũng đáng xấu hổ nhưng quả thực là những số liệu này không dành cho đa số học sinh. Đơn giản là không thể nhớ nổi.
Nhưng, có những chuyện mà giờ cứ ngồi bên bàn nhậu là chúng tôi bàn say sưa, kiểu như vì sao Quan Vũ có thể đơn độc qua 5 ải chém 6 tướng, hay chuyện Lã Bố một đời anh hùng mà không qua được ải mỹ nhân Điêu Thuyền. Những điều này không có trong sách giáo khoa lịch sử thế giới nhưng đã trở thành chủ đề ưa thích của cả một thế hệ thông qua tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung.
Những ngày tháng được tôi viết vào tay trong giờ lịch sử là có thật, còn hai tích truyện kể ở trên chỉ là sản phẩm hư cấu của La Quán Trung (trong rất nhiều chuyện hư cấu khác của tác phẩm). Nhưng, rốt cục thì thứ hư cấu lại có hẳn một đời sống riêng của nó, còn những số liệu thì giờ chỉ có thể lóe lên trong những văn bản cáu bụi hoặc trên thanh tìm kiếm Google.
Khác biệt ở đây là sự tiếp nhận: các câu chuyện hư cấu đã được kể một cách sống động và nghiêm túc như là cuộc đời đã từng diễn ra như thế; còn các số liệu đơn giản xuất hiện như một công cụ nhồi nhét của quá trình thi cử. Một thứ được liên kết với cảm xúc và trí tưởng tượng. Một thứ là dạng bánh mì trí nhớ in từ sách giáo khoa.
Khi viết về những bất cập trong sách lịch sử của nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Bill Bigelow, một tác giả nổi tiếng về sách cải cách giáo dục, đã chỉ trích về sự thừa mứa sự kiện nhưng thiếu vắng những mô tả đa chiều. Ông viết: “Một ví dụ tiêu biểu từ sách “Những cuộc phiêu lưu của người Mỹ”: “Cuối những năm 1950, chiến tranh bùng nổ ở miền Nam Việt Nam”. “Chiến tranh bùng nổ” (!) - không lẽ môn sử chỉ đơn giản như vậy?”.
Từ đó, ông đề xuất một phương pháp để giúp học sinh hiểu rõ những gì (có thể) đã diễn ra: giáo viên cho học sinh lập thành 2 nhóm, một là đại diện cho Mặt trận Việt Minh, một là các thành viên của Chính phủ Pháp. Mọi người được phát một kịch bản, để vào vai một cuộc gặp tưởng tượng với Tổng thống Truman, bàn về vấn đề Việt Nam. Cuộc gặp là hư cấu nhưng nó là con đường để học sinh “truy cập” vào sự kiện đã diễn ra vào năm 1950 ấy, để suy ngẫm về những chi tiết có thể đã xảy ra, thay vì chỉ học thuộc lòng từ “bùng nổ” và không hề có ý niệm gì về nó.
Bigelow viết rằng người học cần phải “đi ngược lại lịch sử đến năm 1945, để tư duy phê phán” và rằng “cái chết của hàng chục ngàn người Mỹ, hàng triệu người Việt cùng với sự tàn phá xã hội lẫn môi sinh ở Đông Dương, đòi hỏi ánh sáng lịch sử chiếu rọi”. Người ta cần phải nghĩ về nó thật nhiều, chứ không phải ghi nhớ như một cái máy tính đơn thuần.
Một trong những bài đăng xúc động của fanpage Di tích nhà tù Hỏa Lò. Nguồn ảnh: Fanpage Di tích nhà tù Hỏa Lò. |
Thái độ với lịch sử
Một trong những trang fanpage di tích thú vị bậc nhất mà tôi hay ghé vào gần đây là của Ban quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Các bức ảnh và câu chuyện được những người quản lý trau chuốt rất kỹ và họ có hẳn một mục dài kỳ được đặt tên HistoTEA: từ lóng “TEA” ám chỉ những câu chuyện truyền miệng thú vị, còn “History” là Lịch sử.
Họ giải thích rằng loạt bài đó được tạo ra để đem đến “những câu chuyện ít ai biết nhưng đã biết thì sẽ muốn biết nhiều hơn”. Chính vì một lần đọc bài từ sê-ri đó, tôi đã quay trở lại di tích này sau nhiều năm và thực sự xúc động khi bước vào đây với một tai nghe, băng ghi âm được phát ở cổng, nghe kể lại những câu chuyện được đánh số tương ứng trong di tích.
HistoTEA, cuốn băng ghi âm để mỗi người có thể tự đắm chìm trong từng góc nhỏ của di tích như thế, cùng rất nhiều sách báo, truyện, những dự án nghệ thuật, và những bộ phim hay... về lịch sử, là những thứ đã xóa đi ám ảnh phải ghi nhớ của tôi từ thời đi học. Nếu có nhớ ngày tháng, hay số lượng từng cái xe tăng tham gia một cuộc chiến tranh bất kỳ, thì đó là một trong những hệ quả của sự hứng thú tìm hiểu, chứ không phải học gạo chỉ để trả bài.
Chúng ta thường gọi các nỗ lực này như những phương pháp khơi gợi hứng thú lịch sử đơn thuần nhưng hãy nghĩ khác đi: đây mới chính là thái độ cần có khi tiếp cận lịch sử. “Biểu diễn” lại quá khứ một cách sống động và đa chiều nhất có thể không chỉ là phương tiện mà phải là một quan niệm.
Chính vì nghĩ lịch sử như những văn bản “chết” khô khan, chúng ta mới dạy học sinh thuộc lòng những con số, sự kiện, nhưng vô cảm với cách thức, các chi tiết, tình cảm... của quá khứ. Chính vì cho rằng các câu chuyện được biên bản hóa chính thức là nhận thức duy nhất, chúng ta không có những câu trả lời đa chiều và gợi mở cho những gì đã diễn ra.
Trong lần trò chuyện với một nhà nghiên cứu văn hóa có tiếng, khi tôi đặt câu hỏi rằng rốt cục lịch sử là gì, anh đã trả lời rằng mỗi người có thể viết ra cho mình một câu chuyện riêng tùy thuộc vào trải nghiệm cá nhân. Và càng tìm được nhiều mảnh ghép của các câu chuyện cá nhân, ta càng nhận thức sâu sắc hơn về quá khứ...
Những nỗ lực kiểu muốn cho “ai đã biết sẽ muốn biết nhiều hơn” đã nói ở trên mới chính là thái độ tôn trọng lịch sử nhất. Nói về nó như một thứ gì đó khô khan và phẳng lì chỉ qua vài dòng văn bản, chính là đánh giá thấp sự vĩ đại của nó.
Tất nhiên, thái độ tôn trọng lịch sử có thể bắt đầu bằng một việc đơn giản: ngừng ném những viên đá quá lớn về phía những thất bại trong việc ghi nhớ thuần túy, bởi vì điều này xuất phát từ việc quá coi trọng việc thuộc lòng. Có thể trong một cuộc thi đại sứ du lịch, đó là điều đáng thất vọng kiểu như một thí sinh buộc phải chuẩn bị trước khi lên thi. Nhưng, với bức tranh lớn hơn, đấy chưa bao giờ là vấn đề cốt lõi. Việc thôi suy ngẫm về lịch sử, như một đối tượng vĩnh hằng và luôn có những điều thú vị, tò mò cần khám phá, mới là thất bại thực sự, khi con người bị quá tải bởi các dữ kiện nhưng không còn đủ cảm xúc để nắm chặt lấy sợi dây liên lạc với quá khứ.
Ban CầmXem thêm: /407046-us-hcil-ohn-ihg-hna-ma-ioN/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna