Trong hoạt động nghề nghiệp, tôi từng được mời tham gia làm giám khảo không ít cuộc thi viết lách và các đợt xét tặng giải thưởng. Tôi bẽ bàng nhận ra, không hiếm khi chất lượng nghệ thuật phải nhường chỗ cho quan hệ tình cảm. Ở đây, xin loại trừ mọi yếu tố tiêu cực, mà chỉ suy xét theo góc độ trong sáng nhất. Giải thưởng luôn có điều lệ và tiêu chí rõ ràng nhưng lại thường xuyên có trường hợp ngoại lệ.
Ban giám khảo đã thống nhất trao giải cho tác giả A, bỗng dưng có người đề nghị: “Tác giả B vừa mắc bệnh nan y, kinh tế gia đình cũng khá khó khăn. Thôi, năm nay cứ trao giải thưởng cho tác giả B, vì tác giả A còn nhiều cơ hội”. Kỳ lạ thay, phần lớn thành viên ban giám khảo lại chuyển sang ủng hộ tác giả B, dù có người vừa lên tiếng chê bai tác phẩm của tác giả B dăm phút trước. Hơi bất ngờ, sau một hồi ngơ ngác, tôi phản ứng: “Tác giả B gặp bất hạnh thì chúng ta quyên góp ủng hộ chứ sao lại trao giải thưởng?”. Câu hỏi của tôi, tất nhiên không ai trả lời và kết quả cuối cùng thì tác giả B vẫn đoạt giải với số phiếu quá bán của ban giám khảo.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. |
Tôi tiếc cho tác giả A một phần, mà buồn cho mình và đồng nghiệp đến mười phần. Sống với nhau, lắm lúc phải nhân nhượng hoặc thỏa hiệp vì một nghĩa cử hoặc một xúc động nào đó nhưng lấy cái tình thay thế hoàn toàn cho cái lý thì thật khó chấp nhận. Bởi lẽ, khi cái lý không còn tồn tại thì nhiều thứ trật tự bị chênh chao, đảo lộn. Dùng giải thưởng để động viên một tác giả đang nguy nan cũng đáng hoan nghênh nếu giải thưởng sử dụng tiền cá nhân và nêu rõ mục đích trao tặng. Ngược lại, giải thưởng dùng ngân sách thì sự ban phát kiểu hiếu hỉ không khác gì sự phụ bạc với công chúng.
Có phải chỉ giới văn nhân mới thích dùng cái tình thay cái lý không? Không hề, nhiều người Việt vẫn có thói quen này. Mọi chuyện cứ lấy cái tình giải quyết, còn cái lý dẹp sang một bên. Nói ra có vẻ cay nghiệt nhưng tôi cảm thấy người Việt chỉ dùng cái lý khi cần tranh giành, cần kiện tụng, cần triệt hạ đối thủ mà thôi. Còn bình thường, cứ đem cái tình ra mà vô hiệu hóa cái lý. Cứ nhìn vào thực tế sẽ hiểu. Một lối đi chung đang thông thoáng, có nhà đột nhiên bày ra một bộ bàn ghế bằng đá, với lý do: “Gia đình có người già, cần một chỗ cho cụ chiều chiều ngồi hóng gió cho đỡ ngột ngạt!”.
Thông cảm đi, thông cảm đi... Và tình hình cứ diễn biến rắc rối thêm. Thông cảm cho người nọ thì phải thông cảm cho người kia. Ai cũng tranh thủ sự thông cảm để chiếm dụng không gian công cộng, rồi lối đi chung cũng thành chật hẹp và nhếch nhác. Ai cũng bực bội, ai cũng thở dài, ai cũng ngao ngán, mà ai cũng... đành cho qua để êm xuôi tình làng nghĩa xóm. Cái lý bị cái tình tiêu diệt ngon lành, dù thỉnh thoảng cũng có người giật thót: Nếu xảy ra hỏa hoạn thì biết làm sao đây?
Cũng chính cái tình lấn át cái lý mà sự vận hành của xã hội bị ảnh hưởng rất nhiều. Đôi khi, nếu giải quyết theo cái lý thì rất nhanh gọn nhưng có người lại lòng vòng đi theo cái tình quanh co. Có một ví dụ khiến tôi ám ảnh mãi. Đó là câu chuyện của anh bạn tôi, một tiến sĩ thành đạt và giàu có. Hôm ấy, anh bạn tiến sĩ sơ ý chạy xe vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông chặn lại. Thay vì nhận lỗi và ký biên bản nộp phạt, anh bạn cứ năn nỉ chiến sĩ cảnh sát giao thông hơn 10 phút. Năn nỉ trực tiếp không xong, anh bạn lại gọi điện thoại nhờ người quen tác động. Tốn hơn chục cuộc điện thoại, anh bạn gọi từ nhà báo đến quan chức để năn nỉ giùm mình.
Cuộc năn nỉ cũng thành công mỹ mãn, anh bạn tiến sĩ tiếp tục hành trình với sự hài lòng phi thường. Mấy hôm sau, anh bạn khoe rằng đã chiêu đãi mấy bận để cảm ơn những người đã “ra tay” giúp đỡ vụ việc kia và trách tôi “không tương trợ”. Dù rất cố gắng kìm chế, tôi cũng không khỏi bật cười. Ơ hay, số tiền chiêu đãi nhiều hơn hẳn số tiền nộp phạt cho lỗi vượt đèn đỏ kia mà. Hơn nữa, cách hành xử của anh bạn vừa gây trở ngại cho lực lượng cảnh sát giao thông, vừa tạo tiền lệ không tốt về ý thức chấp hành luật giao thông.
Cái tình vô cùng đáng quý nhưng cái tình không được phép chế ngự và chà đạp cái lý. Ai cũng có thói quen dùng cái tình thay cái lý thì cần pháp luật làm gì. Nhìn rộng ra, chính vì trọng tình hơn trọng lý, mới hình thành cơ chế “xin - cho” khuất tất và thị phi. Trong quan hệ cá nhân với cá nhân, cái tình thăng hoa ra sao cũng tùy thích. Thế nhưng, đã liên quan đến cái chung thì không thể nhân danh cái tình để lấn át cái lý. Những người được giao chức vụ mà hành xử không đắn đo giữa cái tình và cái lý thì bao nhiêu hệ lụy sẽ phát sinh ngoài tiên liệu. Không thể dùng cái tình làm lá chắn cho những hành vi kém minh bạch.
Hối lộ cũng vì cái tình ư? Tham nhũng cũng vì cái tình ư? Tha hóa cũng vì cái tình ư? Chạy chọt cũng vì cái tình ư? Người Việt đã và đang lạm dụng cái tình một cách vô lối. Vì cái tình bạn bè mà giao dự án nghìn tỷ vào tay doanh nghiệp không có năng lực thì tai họa khôn lường. Vì cái tình máu mủ mà giao cái ghế béo bở vào tay cán bộ không có trình độ thì cũng tai họa khôn lường.
Người Việt thích dùng cái tình thay cái lý, có phải là hành động theo mách bảo của trái tim không? Tôi e rằng không. Nhiều người lấy cái tình che đậy cái lý, để thuận tiện cho bài toán kinh tế hoặc mưu mô ích kỷ của bản thân. Ai cũng lấy cái tình để được lợi ích riêng tư thì lợi ích của xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người có bản lĩnh và có học thức sẽ biết hy sinh cái tình của cá nhân để cái lý của cộng đồng được bảo vệ, nâng niu.
Nhà thơ Lê Thiếu NhơnXem thêm: /508046-yl-iac-ta-nal-hnit-iaC/mad-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna