vĐồng tin tức tài chính 365

Đặc sản nổi tiếng Việt lên sàn, bán đắt như tôm tươi

2021-05-17 05:27

Hàng loạt sản phẩm đặc sản nông nghiệp của Việt Nam đang vào mùa vụ thu hoạch. Thế nhưng rất đáng lo ngại khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại với một số biến chủng mới. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Từ Bắc Giang tiếp thị vải thiều sang Nhật, Úc

Chỉ còn ít ngày nữa, mùa vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch với tổng sản lượng dự kiến lên đến khoảng 340.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với năm trước.

Để việc tiêu thụ vải thiều diễn ra thuận lợi, các tỉnh đang vận dụng nhiều phương thức xúc tiến tiêu thụ khác nhau, từ truyền thống đến công nghệ số, đảm bảo dù dịch COVID-19 diễn biến ra sao cũng tiêu thụ hết cho bà con.

Đặc sản nổi tiếng Việt lên sàn, bán đắt như tôm tươi - ảnh 1
Sau 10 ngày lên sàn thương mại điện tử, hành tím Vĩnh Châu bán được
gần 30 tấn. Ảnh: CTV

Tại hội nghị thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 (ngày 14-5), ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết địa phương này đang nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19. Dự kiến vào ngày 8-6, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tuyến với 21 điểm cầu, trong đó bao gồm bốn điểm cầu ở Trung Quốc (TQ), hai điểm cầu tại Nhật Bản, một điểm cầu ở Úc và một điểm cầu ở Singapore.

“Hội nghị này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp của tỉnh tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác và mở rộng liên doanh, liên kết trong tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế” - ông Tuấn cho hay.

Cùng với hoạt động xúc tiến, Bắc Giang còn phối hợp với các bộ, ngành, Đại sứ quán TQ hỗ trợ sớm đưa thương nhân TQ sang khảo sát, thu mua vải thiều tại Bắc Giang.

Còn ở Hải Dương, từ đầu vụ đến nay, tỉnh đã làm việc với trên 200 doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ vải thiều trong và ngoài nước. Một số công ty xuất khẩu đã đặt hàng thu mua trên 2.000 tấn vải thiều để xuất khẩu. Một số tập đoàn bán lẻ cũng đặt hàng gần 5.000 tấn vải thiều để bán tại hệ thống siêu thị trong nước.

Tại Sơn La cũng đang vào vụ thu hoạch mận và xoài với sản lượng lần lượt là 60.000 tấn và 65.000 tấn. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho hay trong bối cảnh của dịch COVID-19, cùng với tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường TQ thì tỉnh cũng tính đến việc đưa nông sản vào chế biến sâu. Hiện tỉnh đã ký cam kết với một số nhà máy chế biến rau quả trên địa bàn về việc đưa 20.000 tấn xoài vào chế biến, góp phần giảm bớt áp lực tiêu thụ cho bà con.

Bán hàng hiệu quả nhờ chợ online

Trong số các kênh tiêu thụ nông sản, thương mại điện tử được đánh giá là ưu việt nhất trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây như hiện nay.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một lượng lớn hành tím đặc sản của xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bị tồn đọng, nếu không được tiêu thụ kịp thời sẽ gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho người nông dân. Vì vậy, cục đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Viettel Post hỗ trợ tiêu thụ hành tím cho người dân Vĩnh Châu.

“Kết quả chỉ sau 10 ngày, thông qua thương mại điện tử đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu. Bà con rất vui mừng. Có thể thấy rằng cùng với kênh phân phối truyền thống, thương mại điện tử đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp Việt” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Cùng với hành tím Vĩnh Châu, từ tháng 5, ngành hàng thực phẩm tươi sống của sàn thương mại điện tử Tiki cũng triển khai thử nghiệm mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”. Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng giám đốc quản lý sàn thương mại tại Tiki, cho biết chỉ tính riêng hai ngày mở đầu dự án đã có đến 2,5 tấn đặc sản sầu riêng nổi tiếng Ri6 và 2 tấn gạo ST25 được bán ra.

Không chỉ vậy, trên các sàn thương mại điện tử hiện nay, rất nhiều mặt hàng nông sản cũng lên sàn như tiêu, khoai lang, cam, thạch đen, thanh long… Mới đây nhất, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang cũng chính thức lên sàn, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người mua. Cụ thể, trên sàn Lazada, vải thiều u trứng Thanh Hà (Hải Dương), loại vải tiến vua được trồng theo hướng hữu cơ, rao bán với giá 150.000 đồng/kg. Mặt hàng này được giao nhanh tại khu vực TP.HCM, Hà Nội tới tay khách hàng chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ.

Đáng chú ý, hiện một số tỉnh, thành đang tăng cường tập huấn cho nông dân về cách bán hàng trên chợ online từ việc chụp ảnh, quay video, tạo tài khoản, viết nội dung đến cách chào hàng, chốt đơn hàng. 

Bộ, ngành chung tay

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, đánh giá: Dự kiến năm nay, việc tiêu thụ một số loại trái cây như dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... vẫn sẽ chịu áp lực do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp cả ở trong nước và các nước lân cận như TQ, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Trong khi đó, sản phẩm rau quả mang nặng tính chất mùa vụ và tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi, tiêu thụ số lượng lớn trong khoảng thời gian nhất định nên gây áp lực lên thị trường. Điều này dẫn đến đôi lúc tại một số địa phương, sản phẩm rau quả bị ùn ứ cục bộ.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm dịch động vật, thực vật, đảm bảo các lô hàng xuất khẩu diễn ra thuận lợi. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương, Tài chính... thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là ở các cửa khẩu biên giới.

“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao thông tin tới các đại sứ quán nắm thêm tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các nước để có chính sách điều chỉnh, kịp thời cung ứng nông sản ra thị trường thế giới. Đồng thời có văn bản gửi sang cơ quan liên quan phía TQ để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, tránh tình trạng ứ đọng như hằng năm. Đặc biệt là đề nghị phía bạn thành lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh” - Thứ trưởng Nam thông tin.

Xuất siêu gần 1 tỉ USD hàng rau quả

Đặc sản nổi tiếng Việt lên sàn, bán đắt như tôm tươi - ảnh 2
Vải thiều Hải Dương chính thức lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: AH

Theo Bộ NN&PTNT, tính chung bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 1,3 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu các loại rau quả chủ lực như thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, mít, ớt, cà rốt, tỏi... đều tăng trưởng khả quan.

Về cơ cấu thị trường trái cây xuất khẩu, TQ là thị trường lớn nhất, chiếm tỉ trọng 78% trái cây xuất khẩu của Việt Nam với các sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất là thanh long, xoài, chuối…

 

Xem thêm: lmth.585589-iout-mot-uhn-tad-nab-nas-nel-teiv-gneit-ion-nas-cad/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đặc sản nổi tiếng Việt lên sàn, bán đắt như tôm tươi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools