Ngày 23-5 tới đây, người dân cả nước sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực QH, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia (ảnh), cho hay: “Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải tuân thủ các quy định của pháp luật trên tinh thần dân chủ, công khai và minh bạch”.
Chọn những người tiêu biểu, xứng đáng
. Phóng viên: Thưa ông, để bảo đảm được các yêu cầu tổng quát ông vừa nêu thì quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử rất quan trọng này đã được tiến hành ra sao?
+ Ông Trần Thanh Mẫn: Chúng ta biết rằng: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những ĐB tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử này sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chính vì vậy mà ngay từ tháng 6-2020, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 45 về công tác lãnh đạo cuộc bầu cử này với những chỉ đạo rõ ràng, mạch lạc và đúng pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch. Hội đồng bầu cử quốc gia và MTTQ các cấp cũng đã triển khai khẩn trương công tác bầu cử.
Có thể khẳng định rằng cho đến nay, các công tác liên quan đến cuộc bầu cử đều đúng luật, dân chủ và công khai, minh bạch. Chúng ta đã lựa chọn được các ứng cử viên thực sự xứng đáng để cử tri bầu vào cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
. Tinh thần xuyên suốt của cuộc bầu cử này được xác định như thế nào, thưa ông?
+ Ngay từ tháng 1-2021, Bộ Chính trị đã tổ chức một hội nghị quán triệt, triển khai công tác bầu cử. Tinh thần của hội nghị quan trọng này đã được lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện qua các định hướng quan trọng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập rõ ràng.
Đó là: Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia QH; không giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và ĐB HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng ĐB làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỉ lệ ĐBQH chuyên trách.
Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn bầu ra những ĐB tiêu biểu, thực sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại QH và HĐND các cấp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại huyện củ chi, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vận động bầu cử đúng luật, dân chủ, thẳng thắn
. Để cử tri bầu được những người xứng đáng thì việc để cử tri biết về các ứng cử viên là điều quan trọng. Theo ông, việc tiếp xúc và vận động bầu cử đã được tiến hành thế nào?
+ Trước hết là phải đúng pháp luật. Luật quy định người ứng cử vận động bầu cử bằng cách: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH - Chính phủ - MTTQ cũng quy định rõ những vấn đề này. Tinh thần là tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình. Theo đó, nếu được bầu làm ĐBQH, ĐB HĐND thì mình sẽ làm gì cho dân, cho địa phương, cho đất nước. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.
Ở các hình thức khác như trả lời phỏng vấn chẳng hạn thì người ứng cử cũng trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình.
. Còn những điều “cấm” đối với những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp, thưa ông?
+ Hiến pháp và pháp luật về bầu cử đã quy định cụ thể. Có thể khái quát các điều cấm đó là: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
Ứng cử viên cũng không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Bầu cử đảm bảo an toàn trong mùa dịch
. Vừa rồi, ông đã đi kiểm tra công tác bầu cử ở nhiều địa phương. ông nhận xét gì về công tác chuẩn bị bầu cử, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường?
+ Các cơ quan bầu cử từ trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; áp dụng việc công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Hay như việc lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử.
Các cấp đã ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử.
. Còn những khó khăn, nhất là do dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường là gì, thưa ông?
+ Một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri. Số lượng các buổi bố trí cho ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch bệnh COVID-19...
. Ông có lưu ý gì cho công tác bầu cử trong giai đoạn tới đây?
+ Tôi cho rằng: Đây là thời điểm cần đẩy mạnh thành cao điểm công tác tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi nhà đều biết thông tin về cuộc bầu cử, thông tin về ĐB mình lựa chọn; tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri đối với các ứng cử viên để bầu được người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại QH và HĐND các cấp.
Nếu có những phát sinh trong công tác bầu cử thì cần giải quyết kịp thời. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các cơ quan y tế phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện theo phương án đã đề ra, kịp thời ứng phó và tham mưu cho chính quyền trước các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
. Trân trọng cám ơn ông.
Không có sự phân biệt giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu . Có một vấn đề có thể xảy ra, đó là khi tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử có thể sẽ có những vấn đề nhạy cảm được nêu ra. Theo ông, những người ứng cử cần ứng xử thế nào? + Phải khẳng định việc người ứng cử và cử tri trao đổi những vấn đề cùng quan tâm là cần thiết để cử tri có thể hiểu rõ về người mà cử tri có thể bầu vào cơ quan dân cử. Vì vậy, hai bên có quyền đối thoại dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, mang tính xây dựng về tất cả vấn đề của đất nước, của địa phương mà pháp luật không cấm. Mặt khác, chúng ta cũng biết, việc vận động bầu cử phải theo quy định của pháp luật. Việc luật quy định các hội nghị tiếp xúc cử tri phải do Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức, cá nhân không được tự đứng ra tổ chức… Như vậy, việc trao đổi của những người ứng cử và cử tri sẽ bảo đảm được các yêu cầu đặt ra. Để bảo đảm điều này thì Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND quy định cụ thể về quyền vận động bầu cử của người ứng cử, dù bằng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc tại hội nghị tiếp xúc cử tri hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng thì mỗi người đều được dành thời lượng báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt đối xử giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. |
Chuẩn bị các kịch bản bầu cử giữa mùa dịch
Ngày 16-5, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thông báo nêu rõ: Mục tiêu cao nhất là tập trung bảo đảm và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23-5 an toàn tuyệt đối về an ninh trật tự, nhất là chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG), Bộ Y tế và các cơ quan liên quan theo dõi, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị bầu cử; kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về diễn biến công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức ngày bầu cử.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tăng cường quân số kiểm soát biên giới, kiểm tra người nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc…
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cụ thể đối với trường hợp xảy ra dịch COVID-19 trước, trong và sau ngày bầu cử. Nhất là tại các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử; chịu trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng chống dịch COVID-19.
Trường hợp tại những địa bàn có dịch COVID-19 diễn biến khó lường, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử phải kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo HĐBCQG xem xét, quyết định các phương án phù hợp, hiệu quả.
“Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi thẩm quyền chủ động xây dựng kịch bản nhằm triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19” - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Trước đó, theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH, Chánh Văn phòng
HĐBCQG Bùi Văn Cường, trong trường hợp dịch bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội, ủy ban bầu cử cấp tỉnh sẽ chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án.
Phương án đề xuất phải nêu rõ thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu và những công việc cần thực hiện khác để HĐBCQG xem xét, quyết định.
“Ngay tại thời điểm này, một số địa phương đã và đang có dịch phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu linh hoạt, đảm bảo an toàn” - ông Cường nhấn mạnh.
TP.HCM: Khử khuẩn cả phiếu bầu và thùng phiếu Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu, TP.HCM cũng đã có chỉ đạo: Nếu khu vực tổ chức địa điểm bỏ phiếu đang phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, tổ phụ trách bầu cử phải tăng cường vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu vực tổ chức bầu cử, xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người tham dự, phân luồng ra vào một chiều... Cán bộ của tổ bầu cử phải sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ trong khi làm nhiệm vụ. Sau khi kết thúc bàn giao thùng phiếu, cởi bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân và xử lý đúng theo quy định; tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày… |
Tiếng nói từ các ứng cử viên
Ông LÂM ĐÌNH THẮNG, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, ứng cử viên ĐBQH khóa XV:
Kiến nghị các chính sách nâng cao chất lượng sống của dân
Nhận thức rõ vai trò của ĐBQH là một trọng trách được nhân dân giao phó, vì thế trong khóa XIV tôi đã nỗ lực thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình. Nhiều ý kiến của tôi được các cơ quan tiếp thu trong việc xây dựng các chính sách pháp luật như Luật Thư viện; Luật Giáo dục đại học; Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Nếu được cử tri lựa chọn làm ĐBQH khóa XV, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, đặt tâm huyết lên các vấn đề mà cử tri quan tâm. Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị cần ban hành nhanh hơn và nhiều hơn các chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì chuyển đổi số (với ba thành phần là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số) sẽ mở ra cơ hội chưa từng có cho đất nước.
Cụ thể, chính quyền số giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất lao động, đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức... Từ đó giúp cho chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.
Tôi sẽ tiếp tục phản ánh với QH và đề xuất với trung ương tháo gỡ những bất cập, điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của TP, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là tỉ lệ ngân sách điều tiết cho TP. Từ đó, TP.HCM sẽ đủ nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông cũng như thực hiện những công trình lớn khác.
Một bất cập khác đã tồn tại nhiều năm nay là tính cào bằng trong biên chế và chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở giữa một đô thị lớn như TP.HCM so với các tỉnh, thành khác. Vì vậy, bộ máy nhà nước khó thu hút người giỏi và không đủ nhân lực để vừa quản lý, vừa phục vụ người dân một cách tốt nhất. Tôi cũng sẽ kiến nghị QH tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM sau khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực vào cuối năm 2022.
Ông CAO THANH BÌNH, Chánh Văn phòng ĐBQH và HĐND TP.HCM, ứng cử viên ĐB HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026:
Đeo bám, giám sát chặt những vụ việc dân quan tâm
Là ứng cử viên ĐB HĐND TP.HCM và ứng cử trên địa bàn TP Thủ Đức, đây là niềm vinh dự và cũng là nhiệm vụ, thách thức rất lớn. Nếu trúng cử, tôi sẽ phấn đấu là một người ĐB đại diện cho cử tri, nhân dân TP Thủ Đức được nói lên tiếng nói của mình.
Tôi sẽ nghiên cứu và cùng HĐND TP xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức. Trong đó có cơ chế về tài chính, nguồn lực đầu tư, cơ chế con người, bộ máy, tổ chức; phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai, từ lợi thế ba trụ cột (khu ĐH Quốc gia, Khu công nghệ cao, khu trung tâm tài chính khu vực)…
Từ đó kịp thời điều chỉnh quy hoạch có chiến lược và tầm nhìn lâu dài nhằm phát triển TP Thủ Đức trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao và là hình mẫu của cả nước để cuộc sống nhân dân tốt hơn, môi trường sống tốt hơn và là nơi thu hút chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ cao, hiện đại, kinh tế số...
Để làm được điều này, ĐB HĐND phải bám sát, am hiểu địa bàn, gần gũi và thấu hiểu cử tri, mạnh dạn phát biểu, nêu lên chính kiến và tư duy đề xuất các giải pháp, cơ chế đặc thù, đột phá. Bên cạnh đó, ĐB HĐND phải nghiên cứu phương án thu hút nguồn lực đầu tư, huy động mọi nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực và tâm lực) để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, đầu tư công nghệ; tạo môi trường kêu gọi đầu tư và thu hút chuyên gia để khai thác tối đa lợi thế của TP Thủ Đức.
Là ĐB dân cử phải chịu khó tiếp dân, đeo bám và giám sát chặt chẽ các vụ việc dân kiến nghị, khiếu nại kéo dài để cùng TP Thủ Đức và các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm. Trong đó có vấn đề của Khu công nghệ cao, chỉnh trang đô thị Long Bình, dự án khu ĐH Quốc gia TP.HCM…
Về chính sách cho cán bộ TP Thủ Đức, tôi nghĩ rằng phải sớm đưa đề án việc làm đi vào nề nếp và bộ máy vận hành thông suốt. Cùng với đó là cần xem xét chính sách thỏa đáng, tuyển chọn con người có tâm, có tầm, có đạo đức trong sáng, tuyệt đối không vụ lợi, không tham nhũng, nhất là vấn đề tham nhũng vặt, vòi vĩnh, gây phiền hà cho dân.
Tôi sẽ cùng HĐND TP xem xét tìm hướng tháo gỡ tốt nhất cho chính sách, tiền lương, các chế độ đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn, cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố…
Tôi sẽ phấn đấu làm tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, khó khăn; hướng tới việc dân giám sát, dân kiểm tra, dân bàn, thảo luận, dân cùng làm và dân được thụ hưởng...