Trao đổi với PV, thầy Phạm Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cho biết công tác chuẩn bị của trường cơ bản đã xong. Nhà trường đã giới thiệu cho các tổ bộ môn nhiều phần mềm, phù hợp với từng môn để tiến hành kiểm tra.
Yêu cầu học sinh ghi hình trong lúc làm bài
Đối với môn thi trắc nghiệm, học sinh (HS) làm và nộp trực tiếp trên phần mềm. Đối với môn văn hoặc môn có phần tự luận phải viết nhiều như địa, sử, toán thì các em làm ra giấy, sau đó chụp lại và gửi cho giáo viên qua Zalo. Giáo viên sẽ lưu lại file ảnh để chấm điểm bình thường.
Trong quá trình kiểm tra, nếu có sự cố cúp điện hay xảy ra các vấn đề về mạng Internet, HS chụp ảnh lưu lại và thông báo cho giáo viên không thể tham gia kiểm tra vì lý do khách quan. Nhà trường sẽ tổ chức cho các em kiểm tra trực tiếp tại trường.
Theo thầy Hảo, khối 10 và 11 của trường có khoảng 900 HS. Trong hai ngày 14 và 15-5, trường đã tổ chức cho các em thi thử, dù chưa suôn sẻ nhưng những vướng mắc đang được khắc phục trước khi bắt đầu kiểm tra chính thức. Đây là lần đầu trường tổ chức thi học kỳ trực tuyến nên giáo viên và HS còn bỡ ngỡ, nhiều em còn hạn chế về thiết bị và mạng Internet.
“Lần đầu thi học kỳ 2 trực tuyến em hơi bối rối một chút thôi chứ không quá lo lắng” - em Hoàng Quang Minh (lớp 8/3 Trường THCS Phan Đình Phùng)
cho hay. Ảnh: T.AN
“Ban đầu có khoảng 18% HS không có Internet và điện thoại thông minh. Nhưng đến nay giáo viên rà soát lại thì cơ bản các em đã khắc phục được khó khăn này. Em nào không có máy thì mượn, không có Internet thì qua nhà người thân, nhà bạn để nhờ. Tuy nhiên, điều này đặt ra yêu cầu là làm thế nào để giám sát được sự trung thực của HS khi làm bài. Các em có tự làm hay không hay chụm lại 5-7 bạn cùng làm. Trường cũng có phương án để giám sát nhưng chỉ tương đối thôi, không thể như kiểm tra trực tiếp được” - thầy Hảo cho hay.
Cô Hồ Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang, cho biết đến nay 100% HS của trường có thể kiểm tra trực tuyến.
Theo cô Thanh, việc tổ chức thi học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến tuy khó khăn nhưng phải cố gắng khắc phục. Các trường khi trao đổi với nhau thì chung quan điểm là rất khó để giám sát quá trình HS làm bài. Dù yêu cầu các em ghi hình, chụp ảnh quá trình làm bài nhưng đối với điều kiện thực tế của HS, nhà trường thì rất khó. Vì vậy, ngoài tính trung thực, tự giác của HS, nhà trường mong muốn có thêm sự giám sát của phụ huynh.
“Cô mong các em làm bài thật tốt, bằng tất cả sự trung thực để qua đó đánh giá thực lực của mình trong một năm học” - cô Thanh nhắn nhủ.
“Đây là thử thách về tính trung thực của các con”
Thầy Nguyễn Đức Tú Anh (Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn) cho biết ba khối 6, 7, 8 của trường có gần 2.000 HS, trong đó khoảng 20 em đăng ký thi trực tiếp tại trường.
Nhà trường đã xây dựng clip trên YouTube gửi trực tiếp cho phụ huynh để hướng dẫn cho con mình các bước làm bài trực tuyến. Ngoài ra còn gửi một số đề tham khảo để các em làm quen với thiết bị, nhất là học sinh lớp 6, 7. Đến nay, trường chưa nhận được phản hồi từ phụ huynh về việc các em không làm được bài vì lý do liên quan đến phần mềm, máy móc.
“Nhà trường đã thông báo cho phụ huynh ghi hình lại quá trình các em kiểm tra, giao giáo viên nhắc nhở và kiểm tra, còn lại phụ thuộc thêm vào ý thức của HS nữa. Chúng tôi mong phụ huynh để các con tự giác làm bài thi, không nên can thiệp vào việc thi cử của các con” - thầy Anh chia sẻ.
Trao đổi với PV, chị Đặng Ngọc Hà (trú quận Sơn Trà) cho biết vợ chồng chị có hai con, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 8. Trong thời gian nghỉ do dịch, hai cháu vẫn chăm chỉ ôn bài, hoàn thành bài vở cô giáo giao hằng tuần.
“Cả hai đều lớn rồi nên quá trình ôn tập, kiểm tra có vấn đề gì thì các con tự liên hệ với giáo viên, bạn bè, bố mẹ không can thiệp nhiều. Mình cũng không đặt nặng kết quả vì việc học là cả quá trình chứ không phải chỉ bài kiểm tra này. Trong quá trình con làm bài, nếu con gặp sự cố về phần mềm hay máy móc thì mình sẽ hỗ trợ, còn bài vở thì con phải tự làm. Đây cũng là thử thách tính tự giác và trung thực của các con” - chị Hà cho hay.
Một HS lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh chia sẻ: “Với em, thi trực tuyến cũng chỉ là kiểm tra bình thường, ôn tập kỹ thì sẽ làm được bài chứ cũng không quá lo lắng. Em không chắc các bạn khác có tự giác làm bài hay không hay lại quay cóp nhưng bản thân em sẽ cố gắng hoàn thành các bài thi tốt nhất bằng năng lực của mình”.
Đảm bảo bài kiểm tra phải do học sinh thực hiện Trước đó, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ 2 đối với bậc trung học qua hình thức trực tuyến và trực tiếp từ ngày 17 đến 25-5. Cụ thể, tùy theo phần mềm được lựa chọn, các trường xây dựng quy trình kiểm tra (lưu ý ghi hình được quá trình làm bài của các em), hướng dẫn HS làm quen với hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến (cung cấp đường link, hướng dẫn đăng nhập, kiểm tra thử). Đảm bảo bài kiểm tra phải do HS thực hiện, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của HS. Trong quá trình chấm bài, giáo viên tiến hành đối chiếu kết quả kiểm tra thường xuyên và định kỳ để đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất của các em. Những HS không thể tham gia kiểm tra trực tuyến do không có thiết bị, trong khu vực phong tỏa, chưa hết thời gian cách ly, gặp sự cố đường truyền khi làm bài kiểm tra, nhà trường rà soát, lập danh sách và xây dựng kế hoạch kiểm tra theo hình thức trực tiếp tại trường. |