Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh trên quốc lộ 1 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Điện Biên chạy đua truy vết
Điểm nóng "mới nổi" nữa là tỉnh Điện Biên với 24 ca mắc cho đến chiều 16-5, đại đa số ca mắc mới xảy ra ở Trường Dân tộc nội trú thuộc huyện Nậm Pồ có khá đông học sinh. Đây cũng là môi trường nguy cơ khi các học sinh sinh sống và học tập chung.
Dự báo số ca mắc còn tăng thêm trong một vài ngày tới khi xét nghiệm đang được lấy trên diện rộng, cùng theo đó là hoạt động truy vết và cách ly tích cực.
Trước đó, theo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Điện Biên, đến sáng 16-5 toàn tỉnh có thêm 5 ca mắc mới (tất cả ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ) đều là F1 của bệnh nhân 3758 (Phạm Thị Mỹ H., 30 tuổi, ở phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ, kế toán Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong, xã Si Pa Phìn).
Cơ quan chức năng đã truy 431 F1 liên quan tới các ca bệnh ở Si Pa Phìn (trong đó có 278 học sinh), hiện đang cách ly tập trung tại Trường tiểu học Tân Phong. Như vậy, ở Trường tiểu học Tân Phong đã có tổng cộng 8 ca mắc.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên vẫn tập trung điều tra nguồn lây nhiễm của trường hợp bệnh nhân 3758.
Liên quan đến chùm ca mắc COVID-19 ở Trường tiểu học Tân Phong, Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên phê bình Ban thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ, bí thư Huyện ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo COVID-19 tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 ở huyện, để dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Sáng 16-5, lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ cho biết huyện đã ra quyết định đình chỉ đối với bà Nguyễn Thị Hoa, phó hiệu trưởng phụ trách Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong, bà Phạm Thị Mỹ H. (bệnh nhân 3758, cán bộ kế toán trường) và kiểm điểm trách nhiệm, xem xét kỷ luật về vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 để dịch bệnh lây lan.
Huyện này cũng đình chỉ chức vụ ông Vàng Văn Lập - phó bí thư thường trực Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Si Pa Phìn - để kiểm điểm trách nhiệm, xem xét kỷ luật do lơ là, mất cảnh giác, không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 để dịch bệnh lây lan.
Cả 3 người trên đều bị đình chỉ 15 ngày kể từ ngày 15-5.
Chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: CHÍ TUỆ
Bắc Giang muốn có bệnh viện dã chiến
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết khó khăn lớn nhất là tỉnh chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch tại khu công nghiệp, những lần trước các ca mắc ở cộng đồng, công tác lãnh đạo chỉ đạo, lực lượng y tế còn lúng túng, khó khăn trong việc dập dịch.
"Năng lực xét nghiệm còn hạn chế, trước khi xảy ra dịch năng lực của tỉnh 10.000 mẫu/ngày, sau đó vận động được các đơn vị 20.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, cần phải xét nghiệm công suất tới 200.000 mẫu/ngày. Tỉnh đã báo cáo Bộ Y tế để tăng cường và một số địa phương, đơn vị hỗ trợ thì năng lực tối đa mới được 100.000 mẫu/ngày" - ông Dương nói.
Theo ông Dương, cùng lúc phải điều trị trên 300 bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi đó năng lực điều trị còn hạn chế do chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19. Hơn nữa, đội ngũ y bác sĩ cũng chưa có kinh nghiệm, máy móc phục vụ điều trị cũng thiếu, mong trung ương quan tâm hỗ trợ Bắc Giang.
Trước những khó khăn trên, ông Dương đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia cử chuyên gia có kinh nghiệm phòng chống dịch về hỗ trợ tỉnh, hỗ trợ trang thiết bị vật tư, hóa chất, test nhanh, trang thiết bị điều trị bệnh nhân COVID-19.
"Hiện tỉnh đang rất cần một bệnh viện dã chiến, đề nghị Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng giúp tỉnh dựng bệnh viện dã chiến và cử thêm lực lượng quân y để hỗ trợ điều trị" - ông Dương nói.
Bắc Ninh lo dịch lan
"Bắc Giang lâm nguy thì Bắc Ninh cũng không thể yên ổn" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết ổ Mão Điền (Thuận Thành) đến hôm nay đã xét nghiệm đợt 3 tại ổ dịch này. Kết quả có 29 ca dương tính, trong đó 23 ca mắc mới cũng ở ổ dịch Mão Điền, còn lại F1 trở thành F0 trong khu cách ly.
Về xét nghiệm, Bắc Ninh cũng đã thực hiện xét nghiệm diện rộng cho công nhân ở các khu công nghiệp và những trường hợp tạm trú, nhà trọ, ký túc xá trên địa bàn. "Với phương châm triển khai truy vết thần tốc lấy mẫu test nhanh cho các công nhân, từ ngày 13 đến 15-5, chúng tôi tiếp tục làm những mẫu cho công nhân, đến nay đã lấy được hơn 23.000 mẫu.
Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các địa phương lập danh sách những người lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở Quang Châu, Vân Chung (Bắc Giang) vì người của Bắc Ninh cũng đi lại, quay đi quay về các khu công nghiệp này. Và cho những công nhân này ở nhà tự theo dõi y tế" - bà Giang nói.
Theo bà Giang, tỉnh cũng chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến, 2 khu điều trị khoảng 600 giường bệnh cộng với 120 giường của Viện Quân y 10. Chúng tôi thời gian tới sẽ cố gắng chuẩn bị đủ cơ số là 1.500 giường.
Về thống kê sơ bộ chuyên gia, người lao động ở Bắc Ninh làm việc ở Bắc Giang sơ bộ có khoảng 2.000 người, sáng ở Bắc Giang, tối về Bắc Ninh. Tỉnh cũng cố gắng kiểm soát những trường hợp này. Về công tác xét nghiệm hiện nay vẫn đảm bảo, khoảng 50.000 mẫu/ngày, ngày 17-5 Bắc Ninh vẫn tiếp tục lấy mẫu.
"Tuy nhiên Bắc Giang và Bắc Ninh giáp nhau, chỉ cách 1 cây cầu, vì thế nguy cơ lây lan rất hiện hữu. Cho nên trong trường hợp Bắc Ninh quá khó khăn, công suất quá tải thì chúng tôi cũng mong muốn được Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh và cả Bắc Giang. Đây là 2 tỉnh anh em làng xóm, nếu Bắc Giang lâm nguy thì Bắc Ninh cũng không thể yên ổn" - bà Giang chia sẻ.
Kích hoạt toàn bộ hệ thống
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cách đây 5 ngày Ban Chỉ đạo họp và dự kiến từ 3 đến 5 ngày có thể kiểm soát được, riêng tiến độ kiểm soát dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh có thể sẽ chậm hơn dự kiến, vì vậy Bắc Giang phải chống dịch ở mức cao nhất.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế tổ chức ngay một nhóm chuyên gia giúp đỡ, giống như tổ chỉ huy điều trị từ xa. Đồng thời, tỉnh cần động viên doanh nghiệp không để dừng sản xuất, các địa phương cần tổ chức xét nghiệm định kỳ cho công nhân nhà máy.
"Riêng 2 ổ dịch ở Khu công nghiệp Vân Trung và Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang phải khoanh, dập dịch bằng được, không để lây lan sang khu công nghiệp khác" - Phó thủ tướng yêu cầu.
Dồn lực hỗ trợ cho Bắc Giang
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra phòng chống dịch ở Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang - Ảnh: CTV
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang rất phức tạp khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm ở khu cách ly, ở cộng đồng mới bắt đầu tầm soát rộng rãi.
Đặc biệt, cơ sở y tế tại Bắc Giang số giường bệnh ít nên gánh nặng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 còn rất lớn đối với ngành tế tỉnh.
Theo ông Sơn, Bộ Y tế đã lập riêng một đoàn hỗ trợ Bắc Giang để hỗ trợ truy vết, xét nghiệm sớm. Bộ đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong truy vết, phát hiện sớm các đối tượng. Đặc biệt tỉnh đã hoàn thành danh sách công nhân để gửi các địa phương có biện pháp kiểm soát.
Đối với xét nghiệm, bộ thấy đây là vấn đề khó mặc dù nhiều đơn vị đã vào cuộc nhưng vẫn chưa làm đầy đủ xét nghiệm. Đặc biệt là việc thiếu mẫu test nhanh. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất mẫu test nhanh có thể sản xuất 50.000 mẫu/ngày. Nếu tỉnh báo cáo thì chỉ 3 ngày là có đủ. Đề nghị giám đốc Sở Y tế báo số lượng để báo cáo tỉnh duyệt phương án mua sắm theo quy định.
Đối với lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, hiện Bộ Y tế đã điều động 200 học viên, sinh viên của Trường Y tế kỹ thuật Hải Dương, nếu cần thêm, Trường đại học Y Hà Nội cũng sẵn sàng đưa lực lượng lên hỗ trợ.
Đối với việc quản ly khu cách ly, sau khi kiểm tra ở Nhà máy Luxshare ICT và trường mầm non xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang) vẫn còn một số điểm cần lưu ý như phải lắp camera hành lang để giám sát việc tuân thủ trong khu cách ly. Một số cán bộ làm nhiệm vụ trong khu cách ly chưa có kinh nghiệm nên cần tập huấn để nâng cao chất lượng chống dịch.
Qua kiểm tra bệnh viện, tỉnh có 5 bệnh viện sẵn sàng, mỗi bệnh viện chỉ hơn 100 giường, nhiều nhất 200. Đề nghị tỉnh cần có bệnh viện dã chiến. Qua khảo sát thì nhà thi đấu tỉnh có thể xây dựng, trong thời gian ngắn nhất bố trí bệnh viện dã chiến sẵn sàng nếu dịch bùng phát rộng.
Ông Sơn đề nghị tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Y tế làm gấp thống kê nhu cầu cụ thể tỉnh cần như lực lượng lấy mẫu, nhân lực tại chỗ, trang phục… Cần hỗ trợ như thế nào để báo cáo bộ trưởng Bộ Y tế để hỗ trợ giúp Bắc Giang ở mức cao nhất.
* Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-5, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn chia sẻ trong 2 ngày 15 và 16-5 đã có tới 3 phiên họp chống dịch tại Bắc Giang. Bộ Y tế đã điều 250 cán bộ, học viên Trường đại học Y tế kỹ thuật Hải Dương đến hỗ trợ Bắc Giang, tỉnh Quảng Ninh cũng điều 200 y bác sĩ từ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí đến hỗ trợ Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm. Toàn bộ mẫu lấy được sẽ được chuyển về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để xét nghiệm PCR.
Ngày 15-5, ngay sau khi đến Bắc Giang, đoàn của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã chia làm 10 tổ, lấy mẫu trong 9 giờ liên tục không ngừng nghỉ, được 12.000 mẫu, sau đó tiếp tục lấy 3.500 mẫu tại Khu công nghiệp Quang Châu, khu vực đã xuất hiện các chùm bệnh nhân tại một số công ty.
Vì sao không đóng cửa khu công nghiệp?
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tinh thần tỉnh sẽ cố gắng bảo vệ các doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp, vì các doanh nghiệp lớn ở Bắc Giang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
"Nếu đóng cửa khu công nghiệp, chúng tôi sẽ không đạt được mục tiêu kép bởi vì nếu đã đóng rồi khởi động lại vô cùng khó khăn. Công ty người ta nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, đây mà đứt gãy thì các nơi khác không thể hoàn thành sản phẩm được. Cho nên chúng tôi cố gắng tối đa để bảo vệ các doanh nghiệp" - ông Dương nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp chỉ đạo triển khai các doanh nghiệp sản xuất phải có biện pháp đảm bảo phòng chống dịch an toàn.
"Vừa rồi gần như doanh nghiệp thờ ơ, kể cả có F0 rồi doanh nghiệp vẫn thờ ơ, không phối hợp. Đây là trách nhiệm của các khu công nghiệp, do đó Ban quản lý các khu công nghiệp phải chỉ đạo các doanh nghiệp phải có trách nhiệm vào cuộc cùng với chính quyền và người dân" - ông Thái nói.
Chuyển bệnh nhân qua nhiều bệnh viện
Tại tỉnh Bắc Giang, đến chiều 16-5 ghi nhận 314 ca dương tính, điều trị tại 3 bệnh viện gồm: 70 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 167 bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến số 1 trên nền Bệnh viện Nội tiết, trên 70 bệnh nhân ở Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang.
Bệnh viện Phục hồi chức năng có công suất 180 giường từ chiều 16-5 có thể bố trí tiếp nhận bệnh nhân, ngoài ra tỉnh cũng khảo sát Bệnh viện Tâm thần 180 giường, Bệnh viện Y học cổ truyền 120 giường. Do lượng F0 tăng nhanh, Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang có thể sử dụng hết 150 giường trống trong ngày 16-5.
Trên yêu cầu 4 tại chỗ (nhân lực tại chỗ, điều trị tại chỗ...), lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Bắc Giang chuyển bệnh nhân bệnh khác về các cơ sở y tế khác, dành riêng một số cơ sở điều trị COVID-19 để tránh lây nhiễm. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ nhận bệnh nhân nặng với sự hỗ trợ của tuyến trung ương.
Bộ Y tế cũng đã khảo sát Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ thiết lập bệnh viện dã chiến công suất 700 - 800 giường.
Tỉnh Điện Biên đã được Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ thiết lập bệnh viện dã chiến 300 giường từ đợt dịch trước.
Về cơ bản, hiện các tỉnh thành vẫn đang đảm nhận điều trị tốt. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương do đang phải cách ly y tế, chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, hiện đang có 318 bệnh nhân COVID-19, trong đó có trên 40 bệnh nhân có biến chuyển nặng lên hoặc tiên lượng nặng.
L.ANH
TTO - Sáng nay 17-5, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 37 ca mắc COVID-19 mới, Bắc Giang vẫn nhiều nhất với 22 ca. Hôm nay, bản đồ dịch mở rộng thêm tỉnh Tuyên Quang.
Xem thêm: mth.19542637071501202-neib-neid-gnon-meid-meht-ial-hnin-cab-gnaig-cab-uas/nv.ertiout