vĐồng tin tức tài chính 365

Không sáng tạo, tiền đâu làm đường!

2021-05-17 09:21
Không sáng tạo, tiền đâu làm đường! - Ảnh 1.

Cả chục tỉ USD đổ vào điện năng lượng tái tạo chỉ trong hai năm, ngay khi cơ chế khuyến khích đủ mạnh. Theo các chuyên gia, cần xem lại cơ chế nếu không thì 5 năm tới tình hình giao thông, đặc biệt là tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam, rất bi đát.

Quá tải khắp nơi, đường mới chưa thấy

Thông tin Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang cùng kiến nghị làm đường vành đai 4 với tổng vốn 6 tỉ USD làm nhiều người phấn khởi. Trong khi tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM - các tỉnh thành Đông và Tây Nam Bộ) nhiều năm nay chưa hoàn thành khép kín được tuyến đường vành đai nào.

Theo quy hoạch, tới năm 2020 TP.HCM kết nối với các tỉnh có 6 tuyến cao tốc với chiều dài 310km, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 2 đường: TP.HCM - Trung Lương (khai thác năm 2010) và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (năm 2015) đang quá tải.

Các tuyến còn lại khá ì ạch. Cụ thể dài 57,8km, cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công từ 2014, chạy được khoảng 80% thì khựng lại do gặp trắc trở về nguồn vốn. Ngày hoàn thành dự án này cứ hứa hẹn từ năm 2018 sang 2019 và nay là 2023.

Còn tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến năm 2025 mới đưa vào khai thác nhằm phá thế độc đạo tuyến quốc lộ 22. Với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) mới được giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai...

Cao tốc chậm nhưng chưa bức bối bằng 3 dự án đường vành đai 2, 3, 4. Cả 3 tuyến đường theo quy hoạch hoàn thành trước năm 2020 nhưng đến nay vẫn còn dang dở, đứt đoạn. 

Cụ thể, đường vành đai 2 dài 64km còn tới 14km chưa khép kín, trong đó riêng đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) dài 2,75km đã thi công đạt 50% nhưng phải dừng suốt mấy năm qua vì chờ rà soát lại hợp đồng BT với nhà đầu tư (Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái). Các đoạn 1, 2, 4 với tổng chiều dài 11km đang lập thủ tục đầu tư.

Với vành đai 3 dài 89km đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Nay đường này mới làm được đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km ở tỉnh Bình Dương. Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), dự kiến quý 3 năm nay dự án 1A (đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn đường vành đai 3) sẽ được khởi công. Các dự án thành phần còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu phương án, kêu gọi đầu tư.

Đường vành đai 4 dài 198km đi qua 5 tỉnh thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỉ đồng. Đến nay, đoạn Bến Lức - Hiệp Phước dài 36km đang được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất đầu tư; các đoạn còn lại chưa có kế hoạch đầu tư.

Không sáng tạo, tiền đâu làm đường! - Ảnh 2.

Một đoạn đường vành đai 2 đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) chưa thể thi công hoàn chỉnh để khép kín cung đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bình Dương đã làm cách nào?

Đường cao tốc chưa đủ, đường vành đai đang khuyết khiến giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh thành đè nặng lên 5 tuyến quốc lộ: 1, 50, 1K, 13, 22 và gây ách tắc thường xuyên.

Giải quyết vốn theo hình thức PPP nhưng hiếm có dự án giao thông lớn nào tại TP.HCM triển khai theo hình thức này. Chưa kể, nhiều dự án triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) lại phải tạm dừng như: cầu Tân Kỳ Tân Quý, mở rộng quốc lộ 13… để chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách TP.

Tuy nhiên, có điểm sáng trong các dự án thành phần của đường vành đai 3, 4 (TP.HCM) với một số đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đưa vào sử dụng. Như đoạn vành đai 3 (trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn) dài 16,3km quy mô 6 làn xe và đoạn vành đai 4 (đi qua Khu công nghiệp VSIP II và Khu công nghiệp Mỹ Phước 3) dài 11km.

Bình Dương đã làm như thế nào? Theo một cán bộ tại Bình Dương, tỉnh đã kết hợp giữa vốn ngân sách và vốn doanh nghiệp, như tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng (nối TP.HCM - Bình Dương) dài 64km, vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Bình Dương dùng ngân sách giải phóng mặt bằng, chi phí làm đường do doanh nghiệp đầu tư. Tuyến đường này như "công trình tạo lực" cho các dự án khu công nghiệp, đô thị; doanh nghiệp tính toán bù đắp chi phí từ việc phát triển công nghiệp, đô thị...

Hay với các khu công nghiệp VSIP II, Mỹ Phước 3: khi xây dựng khu công nghiệp, chủ đầu tư triển khai làm đường nội bộ của khu công nghiệp trùng với một phần của tuyến đường vành đai 4 (TP.HCM).

Tại Long An, UBND tỉnh cho biết đã đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư khảo sát, lập ý tưởng quy hoạch khu công nghiệp rộng 2.300ha tại huyện Bến Lức, trong đó có 4,7km đường vành đai 3 đi qua khu công nghiệp. Khi nhà đầu tư triển khai khu công nghiệp sẽ đảm nhiệm luôn phần giải phóng mặt bằng và xây dựng đoạn đường vành đai đi qua khu công nghiệp này.

Không sáng tạo, tiền đâu làm đường! - Ảnh 3.

Nhà đầu tư e ngại, chẳng ai bỏ vốn làm đường

Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, cần khoảng 952.547 tỉ đồng để đầu tư các dự án giao thông, bao gồm vốn ngân sách, PPP, ODA... TP.HCM sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án như khép kín vành đai 2, quốc lộ; các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…

Theo số liệu từ Sở Giao thông vận tải TP cho thấy những năm qua TP đã tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2016 - 2020, TP cần nguồn vốn khoảng 324.000 tỉ đồng để triển khai các dự án giao thông bao gồm cả ngân sách TP và trung ương, PPP, ODA.

Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn ngân sách TP chỉ cân đối được 12.482 tỉ đồng so với nhu cầu 46.573 tỉ đồng (đạt 27%), vốn theo hình thức PPP được kỳ vọng lớn nhưng chỉ huy động được 16.996 tỉ đồng (đạt 13% nhu cầu).

Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho rằng giai đoạn tới không tập trung nguồn lực và có các giải pháp căn cơ thì giao thông TP trong 5 - 10 năm tới sẽ rất bức bối và "khó chữa" hơn.

 Trung ương ủng hộ tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là tín hiệu mừng. Nhưng TP cũng cần tính toán phải huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư theo hình thức PPP bởi không thể cái gì cũng chờ ngân sách.

"Tôi làm việc với nhiều nhà đầu tư, họ muốn tham gia nhưng thời gian qua vướng một số cơ chế về đầu tư theo hình thức PPP nên họ chần chừ, e ngại. Nguồn lực xã hội hóa rất dồi dào, chúng ta phải sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế để nhà đầu tư yên tâm" - ông Trường nói.

Phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất…

Tại cuộc họp hôm 14-5 về dự án vành đai 3 và 4, ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - kiến nghị thêm cần phải có cơ chế mới có tiền giải phóng mặt bằng. Cụ thể, ông Dũng nêu cho địa phương phát hành trái phiếu công trình.

Ông Nguyễn Minh Lâm - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho hay vành đai 4 đi qua địa bàn tỉnh 32km, quỹ đất hai bên còn nhiều. Tỉnh kiến nghị phát hành trái phiếu để giải phóng mặt bằng, từ đó đấu giá đất thu hồi vốn đầu tư.

Kết luận, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu triển khai dự án vành đai 3, vành đai 4 tính toán số làn đường, làm đường song hành, quy hoạch và khai thác quỹ đất 2 bên đường để đấu giá thu tiền phục vụ lại dự án.

Ngoài ra, cần nghiên cứu các quỹ nhàn rỗi, quỹ bảo hiểm xã hội đang dư cũng như phát hành trái phiếu Chính phủ, địa phương, vay ODA… cho địa phương vay để giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư.

ĐỨC PHÚ

* PGS.TS Trần Chủng (chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam):

5.000km cao tốc: ngân sách nhà nước không kham xuể

Để thực hiện mục tiêu có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có giải pháp huy động nguồn lực xã hội. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể thực hiện được. Nguồn lực chúng ta không thiếu nhưng quan trọng là phải có cơ chế để huy động.

Luật PPP được ban hành và có hiệu lực. Dù luật đã có quy định về sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, song các nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa thực sự làm cho các nhà đầu tư yên tâm nên cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng các cơ chế, chính sách minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Về giải pháp huy động vốn, hiện nay các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đang đề nghị với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư hạ tầng. Hoặc có thể chế để doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình để từ đó thu hút, huy động nguồn lực từ xã hội, người dân chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn từ các ngân hàng thương mại.

TUẤN PHÙNG ghi

Cần khôi phục môi trường đầu tư BOT

qd_vanhdai4_myphuoc-tanvan_6 1(read-only)

Đường vành đai 4 giao với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, được hoàn thành, thông xe và đưa vào sử dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư BOT đều cho rằng môi trường đầu tư BOT đang quá "ô nhiễm", cần sớm khắc phục để vốn tiếp tục chảy vào các dự án hạ tầng thông qua các hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Nhiều địa phương cùng đề xuất làm

Để đạt được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông cho hai đô thị trung tâm Hà Nội, hình thành trục đường xương sống kết nối liên vùng, nhiều địa phương vùng thủ đô Hà Nội tính làm nhanh đường vành đai 4. Tuyến dài khoảng 98km, quy mô 4-6 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 135.000 tỉ đồng, đi qua địa phận Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km).

Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu, điểm cuối tuyến vành đai 4.

Việc đầu tư tuyến đường vành đai 4 vùng thủ đô, theo các địa phương, sẽ tạo điều kiện, tiền đề để các tỉnh, TP phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực hai bên tuyến đường và vùng thủ đô. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm, chuỗi đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, làm giảm mật độ dân cư đô thị trung tâm.

TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - cho rằng các dự án đường vành đai 3 và 4 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội khá dài, rất khó giao toàn tuyến cho một nhà đầu tư. Vì thế, nên chia nhỏ tuyến vành đai của hai đô thị này thành nhiều dự án, giống như làm đường cao tốc, có tiền tới đâu làm tới đó.

Việc đầu tư các tuyến đường vành đai này chắc chắn phải huy động cả vốn nhà nước, vốn tư nhân để làm, ngân sách không bao giờ đủ để đầu tư hết hệ thống đường vành đai.

Điều đáng lưu ý, theo TS Vũ Đình Ánh, là với tính chất của các đoạn tuyến thuộc dự án đường vành đai rất khác nên không thể đầu tư tất cả theo BOT. Các tuyến đường vành đai chạy qua nhiều tỉnh, TP, những nơi còn quỹ đất và rất cần đẩy mạnh đô thị hóa. Vì vậy, huy động nguồn lực từ đất đai nơi các dự án đường vành đai chạy qua vẫn là kênh hiệu quả.

Khai thác quỹ đất để làm đường

Luật PPP đã khai tử hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Theo một số chuyên gia, vẫn có thể khai thác quỹ đất nơi các dự án đường vành đai chạy qua nhưng cần đấu giá công khai, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia đấu giá quỹ đất, qua đó chuyển đất thành tiền, thu tiền từ đấu giá đất và mang đi làm dự án đường vành đai.

Điều này sẽ khắc phục tối đa những hạn chế trong giao đất, định giá đất sau, gây thất thoát tài sản nhà nước đã từng xảy ra tại các dự án đầu tư BT trước đây.

Cùng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cũng cho rằng đầu tư PPP là giải pháp để xây dựng các tuyến vành đai 3, vành đai 4 của TP.HCM nhanh nhất. Luật quy hoạch đô thị cho phép khi mở đường lấy luôn quỹ đất 50m hai bên đường đấu giá để huy động nguồn lực cho ngân sách.

Vấn đề là Nhà nước phải bố trí trước nguồn tiền ban đầu để giải phóng mặt bằng, sau đó mới có quỹ đất sạch để đấu giá.

Ngân sách không bao giờ đủ cho đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt đầu tư các dự án lớn như đường vành đai 3, 4 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội. Xã hội hóa đầu tư thông qua hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) là tất yếu, trong đó có đầu tư theo BOT.

BẢO NGỌC

* Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn:

Huy động 60.000 tỉ đồng vốn tư nhân làm đường vành đai 4

Để làm đường vành đai 4, các địa phương dự kiến đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 25.000 tỉ đồng cho 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; các địa phương này sẽ bố trí thêm khoảng 50.000 tỉ đồng ngân sách để xây dựng dự án. Phần kinh phí còn lại khoảng 60.000 tỉ đồng sẽ huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, qua hình thức hợp đồng BOT.

Vắng bóng nhà đầu tư BOT giao thông

ba_caotoc-phanthiet 1(read-only)

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua tỉnh Đồng Nai - Ảnh: B.A.

Dù nhu cầu và kế hoạch cần vốn lớn cho các dự án BOT nhưng nhiều nhà đầu tư đã quay lưng lại với dạng đầu tư này.

Theo thống kê của Bộ GTVT giai đoạn 2011 - 2015, bộ này đã huy động được khoảng 186.660 tỉ đồng vốn xã hội hóa để đầu tư 62 dự án hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT và BT.

Giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn đầu tư của ngành giao thông cần khoảng 952.731 tỉ đồng. Tuy nhiên chỉ được cân đối, bố trí khoảng 292.416 tỉ đồng, trong đó dự kiến huy động 81.716 tỉ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT chỉ triển khai được 2 dự án BOO về thu phí tự động không dừng với tổng số tiền khoảng 3.000 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 có 2 dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được chuyển từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, Bộ GTVT dừng triển khai đầu tư 14 dự án BOT dự kiến được thực hiện để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đã có.

Tại các địa phương, tháng

10-2020 UBND tỉnh Tuyên Quang đã buộc phải hủy thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có tổng mức đầu tư 3.271 tỉ đồng vì... không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam có 8 dự án thành phần được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, do nhận thấy khó khăn về huy động vốn vay ngân hàng của các nhà đầu tư và để kịp thời thúc đẩy tăng trưởng nên Chính phủ đã xin Quốc hội chuyển 3 dự án sang đầu tư công.

Còn lại 5 dự án thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư PPP nhưng chỉ có 3 dự án chọn được nhà đầu tư, còn 2 dự án phải chuyển sang đầu tư công.

Đến nay, Bộ GTVT đã ký được 2 hợp đồng BOT với nhà đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (tổng mức đầu tư khoảng 5.524 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỉ đồng) và dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (tổng mức đầu tư khoảng 11.157 tỉ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỉ đồng).

Còn dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tổng mức đầu tư khoảng 8.925 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư 3.786 tỉ đồng) đang chuẩn bị ký hợp đồng BOT.

TUẤN PHÙNG

Vốn ngân hàng cho vay dự án BOT, BT đang có xu hướng giảm

Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết thời gian tới ngành ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có các dự án BOT, BT giao thông.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2020 tổng vốn mà các tổ chức tín dụng cam kết cấp cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông là 182.414 tỉ đồng. Tổng dư nợ tín dụng là 108.722 tỉ đồng, giảm 1,76% so với cuối năm 2019.

Còn đến cuối quý 1, dư nợ tín dụng cho vay đối tượng này tiếp tục được thu hẹp, đạt 108.562 tỉ đồng - giảm 0,15% so với cuối năm 2020.

Tỉ lệ nợ xấu cho vay lĩnh vực này đang có chiều hướng gia tăng do có khoảng 50 dự án có doanh thu thu phí không đạt so với phương án tài chính ban đầu.

L.THANH

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Giao thông kết nối mạnh thì Củ Chi, Hóc Môn là đất vàngChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Giao thông kết nối mạnh thì Củ Chi, Hóc Môn là đất vàng

TTO - Tại buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại huyện Hóc Môn sáng 15-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định song song với việc phát triển kinh tế là đảm bảo phúc lợi cho người dân; xây dựng các chính sách phải sâu sát đời sống nhân dân.

Xem thêm: mth.72032558071501202-gnoud-mal-uad-neit-oat-gnas-gnohk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Không sáng tạo, tiền đâu làm đường!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools