Không chỉ có vậy, thương mại các mặt hàng giữa Trung Quốc và Australia, từ nghêu sò đến yến mạch…cũng đạt mức cao kỷ lục.
Điều đó có vẻ khá giống trong trường hợp thị trường thép của 6 tháng qua. Giới chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu những gì đáng diễn ra có phải là chiến thuật của Trung Quốc?
Cuối năm ngoái, Bộ Công nghệ Thông tin và Công nghiệp Trung Quốc (MIIT) tuyên bố sẽ "kiên quyết" giảm sản lượng thép xuống dưới mức sản xuất năm 2020.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi vào thời điểm đó, giá quặng sắt giảm hơn 5% do các nhà kinh doanh hàng hóa dự báo Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế sản xuất thép để cắt giảm sản lượng.
Sau đó vào đầu tháng 4 năm nay, các cơ quan quản lý ngành công nghiệp và Bộ Công nghiệp Trung Quốc một lần nữa khẳng định sản lượng thép hàng năm phải được cắt giảm. Đi liền với đó là tuyên bố sẽ phối hợp điều tra việc sản xuất thép dư thừa trái ngược với quy định.
Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.
Sản lượng thép Trung Quốc tháng 3 cao kỷ lục
Tháng 3/2021, sản lượng thép Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử.
Theo số liệu của Bloomberg và Westpac, sản lượng thép của Trung Quốc thực sự đang ở mức cao kỷ lục. Hơn thế nữa, sản lượng thép 3 tháng đầu năm nay đã tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả là, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào quặng sắt Australia tiếp tục tăng trong những tháng gần đây, khi mà trên thực tế nguồn cung quặng trên toàn cầu vốn đã khan hiếm nay càng ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề thêm.
Từ đó, các chuyên gia quốc tế cho rằng cam kết cắt giảm sản lượng thép của Bắc kinh để giảm lượng khí thải có vẻ không khả thi.
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang thu lợi nhuận lớn từ việc sản xuất với công suất cao. Với thực tế này, việc Bắc Kinh cắt giảm tổng sản lượng thép sẽ không thể xảy ra nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng nước này.
Một công nhân bước trên kết cấu thép tại một cơ sở xây dựng ở Bắc Kinh
Một điều kỳ lạ hơn nữa. Theo Bloomberg, Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm số lượng trái phiếu của một số chính quyền địa phương (special local government bonds) để giảm thâm hụt ngân sách. Những trái phiếu địa phương đặc biệt này chủ yếu được sử dụng để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng – sử dụng rất nhiều thép.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến ở các nhà kinh tế cho thấy ước tính tổng lượng phát hành những trái phiếu đặc biệt này sẽ giảm khoảng 7,9% vào cuối năm 2021, lần giảm đầu tiên trong vòng ít nhất 6 năm.
Việc giảm tốc độ tăng nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc cho thấy có sự thu hẹp đáng kể lượng tín dụng của Trung Quốc – từ trước tới nay vốn có liên quan rất lớn tới giá hàng hóa.
Do gánh nặng nợ của nhiều chính quyền địa phương. Chính phủ Trung Quốc đã phải lệnh cho ngừng triển khai 2 dự án đường sắt cao tốc lớn trị giá 130 tỷ nhân dân tệ (khoảng 25 tỷ USD) do lo ngại về mức độ nợ nần gia tăng.
Trong lịch sử, việc đẩy mạnh tín dụng ở Trung Quốc có liên quan tới giá hàng hóa
Trong lịch sử, lượng tín dụng ở Trung Quốc luôn gắn liền với giá cả hàng hóa. Nhưng những gì chúng ta đang thấy trái ngược với điều đó. Giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao và nhu cầu thép vẫn mạnh mẽ.
Do nhu cầu thép tăng mạnh nên kể từ ngày 1/5, Bắc Kinh đã thực hiện áp thuế đối với xuất khẩu thép, đồng thời giảm thuế cho nguyên liệu thép nhập khẩu.
Thị trường quốc tế đang rất tò mò muốn biến lượng thép dự trữ của Trung Quốc hiện có bao nhiêu.
Bất chấp những cáo buộc về việc Trung Quốc "bán phá giá" thép ở nhiều thị trường quốc tế trong những năm gần đây, nhưng hiện tại, Bắc Kinh đột ngột chuyển sang tình trạng dường như không có đủ thép và những mặt hàng khác.
Tháng 9 năm ngoái, Bloomberg đưa tin Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng một kho dự trữ hàng hóa chiến lược khổng lồ, sau khi chứng kiến tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và các đồng minh ngày càng xấu đi.
Trong quá trình lên kế hoạch cho những kho dự trữ bí mật, có thể là lớn nhất thế giới này, Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một kho dự trữ đủ lớn để có thể tự chủ trong trường hợp bị gián đoạn nguồn cung hoặc bất cứ tình huống nào có thể xảy ra.
Trong kế hoạch 5 năm mới nhất của mình, Bắc Kinh cũng đã tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ tự cung hàng hóa, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ và các nhà sản xuất hàng hóa lớn khác như Australia. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh đang nỗ lực bổ sung mọi thứ vào kho dự trữ của mình.
Nếu Trung Quốc tích trữ thép thì họ sẽ cần nhiều quặng sắt Australia, nước có rất nhiều khoáng sản.
Khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang không chỉ giữa Bắc Kinh và Washington mà trên toàn thế giới, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã khuyến nghị các chính phủ phương Tây bắt đầu tích trữ các loại khoáng sản quan trọng.
Đặc biệt IEA tập trung vào các khoáng chất cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh như lithium và cobalt.
Với việc Trung Quốc cũng sản xuất khoảng 60% khoáng sản đất hiếm trên thế giới, có những lo ngại rằng căng thẳng giữa các cường quốc gia tăng có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng này.
Các nguyên tố đất hiếm này là nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến hệ thống dẫn đường tiên tiến cho tên lửa.
Quay lại với vấn đề bất chấp những cam kết lặp đi lặp lại của chính phủ Trung Quốc rằng sản lượng thép sẽ giảm để đáp ứng các mục tiêu về khí thải, điều này hiện có vẻ khó xảy ra trừ khi Bắc Kinh có những động thái mạnh mẽ vào cuối năm nay.
Ít nhất là trong thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ lý do khiến nhu cầu thép ở Trung Quốc đạt mức kỷ lục. Có khả năng Bắc Kinh đang dự trữ hàng hóa như một phần của kế hoạch 5 năm gần đây theo chủ trương tự lực và mong muốn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là chuẩn bị cho những cú sốc bất ngờ mang tính toàn cầu.
Xét cho cùng, nếu phương Tây ngày càng tìm cách tích trữ hàng hóa trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, thì điều đó có lý do khiến Bắc Kinh có thể vạch ra một lộ trình tương tự.
Tham khảo: News.com.au
Vũ Ngọc Diệp
Nhịp sống kinh tế