Sáng 17-5, tại đơn vị bầu cử số 1, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XV đã có buổi tiếp xúc với cử tri TP Thủ Đức, TP.HCM. Đây là buổi tiếp xúc trực tuyến, được phát trên các mạng xã hội của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đơn vị bầu cử số 1 gồm: ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM và ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Tại buổi tiếp xúc, các ứng viên đã trình bày chương trình hành động của mình và cử tri đánh giá cao về chương trình hành động của năm ứng viên.
Chính sách an sinh xã hội phải bình đẳng
Cử tri tại hội nghị đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề như: chính sách an sinh xã hội, giải pháp để lao động nhập cư có đời sống ổn định; giải pháp giữ vững an ninh chính trị xã hội, giáo dục tư tưởng lối sống cho sinh viên.
Cạnh đó, cử tri cũng quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho người cho thu nhập thấp, phát triển hạ tầng giao thông; giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhà ở xã hội, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên cũng như những hạn chế của nền giáo dục.
Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc. Ảnh: THANH TUYỀN
Trả lời ý kiến của cử tri, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nêu quan điểm, giải pháp nào cũng cũng từ góc độ phân tích, đánh giá của bản thân và sẽ cần được đánh giá tổng thể. Việc quyết định mọi vấn đề đều xuất phát từ nghị trường Quốc hội, sau khi được các ban của Thường vụ Quốc hội thẩm định.
Liên quan đến ý kiến của cử tri về chính sách an sinh xã hội với lao động nhập cư ở các đô thị phát triển, ông Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ: “Tôi không dùng thuật ngữ lao động nhập cư vì tôi cảm nhận cách gọi như vậy chưa nhìn được hết sự năng động, giá trị đóng góp của lực lượng lao động các địa phương được thu hút về các tỉnh, thành”.
Ông nói: Với tư cách là đại biểu Quốc hội, qua thực tế giám sát, có địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhìn người lao động đến với mình như là một gánh nặng.
“Tức là phải chăm lo về bữa ăn, phải chăm lo về giao thông đi lại, phải giải quyết vấn đề bệnh tật, sức khỏe; nói chung là vấn đề cuộc sống. Tôi cho rằng đó là cách nhìn mới một phía, rất phiến diện mà không nhìn thấy mồ hôi đổ ra của người lao động đối với mình, dù không phải là người TP.HCM nhưng đã góp phần vào giá trị thặng dư, tăng trưởng, lợi nhuận của doanh nghiệp và sự phát triển về GRPD cuả TP đó”- ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Do vậy, theo ông, vấn đề về chính sách an sinh xã hội là vấn đề chung, trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phân biệt người TP hay không TP, người thường trú hay tạm trú.
“Chính sách đó là bình đẳng cho mọi công dân” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê trao đối ý kiến với cử tri. Ảnh: THANH TUYỀN
Ông lấy ví dụ về việc Quốc hội đã quyết là sắp tới sẽ không đặt nặng vấn đề hộ khẩu, khi tuyển dụng không nhất thiết đặt vấn đề phải là người thường trú.
“Do vậy, không thể có vấn đề ngăn sông cấm chợ theo đơn thuần là ý nghĩa kinh tế. Bây giờ trong bối cảnh khoa học- công nghệ thì nhu cầu của XH phát triển đặt ra, người lao động đáp ứng được tố chất đó sẽ được tiếp nhận, không đặt vấn đề là người địa phương hay không địa phương”- ông Phan Nguyễn Như Khuê cho hay.
Từ đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng, vấn đề giải quyết như thế nào về an sinh xã hội không thể là vấn đề cụ thể như: diện tích nhà ở bao nhiêu m2, nước uống tiêu dùng sinh hoạt, nước sạch là bao nhiêu m3 trong một tháng vì nó còn có nhiều góc độ khác.
“Nhưng, chính sách an sinh xã hội phải được xem xét thường xuyên để tạo ra cho mọi người cuộc sống trật tự, bình an và giảm thiểu những lo lắng”- ông khẳng định.
Giảm sự khác biệt tối đa trong bậc thang lương tối thiểu
Vấn đề cải cách tiền lương, chính sách với người thu nhập thấp, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, đây là vấn đề mà nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, bản thân ông cũng đã tham gia ý kiến nhưng chưa đi đến cuối cùng.
Ông phân tích: Chỉ một người tăng thêm 100 nghìn đồng trong bậc thang lương cơ bản thì tổng cả nước phải là hàng chục nghìn tỉ trở lên. Điều này cần được xem xét lại về ngân khố quốc gia. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua chúng ta còn vay về ngoại tệ rất lớn, nợ công còn cao, tỷ lệ lạm phát mặc dù kiểm soát tốt nhưng con số tăng trưởng chúng ta chưa lên được hai con số. Do vậy, tiềm lực kinh tế, ngân khố đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta lại đang phải hứng chịu dịch COVID-19.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê nói, vấn đề này vẫn còn đang tiếp tục xem xét.
“Chúng ta đặt ra là tiền lương phải đảm bảo được, bù đắp những năng lượng hao hụt, tái tạo nguồn năng lượng mới nhưng đó chỉ là về mặt lý thuyết. Còn hiện nay phải được xem xét khoa học vì mới bước đầu là vùng 1, vùng 2, vùng có tính chất giá trị đầu tư, vùng có tính chất doanh nghiệp tư nhân… Nhưng dù vùng nào chăng nữa cũng cần giảm sự khác biệt tối đa trong bậc thang lương tối thiểu để mọi người có thể ổn định được từ bậc lương cơ bản”- ông nói.
Ông cũng nói thêm, Quốc hội cũng bàn về Luật phòng, chống tham nhũng và đặt ra vấn đề: Nếu tiền lương thu nhập thực tế được trả một cách đúng mức và bảo đảm cuộc sống thì có nảy ra vấn đề, yếu tố tham nhũng không; khi đã đủ đầy, đã ổn định thì còn tư tưởng tham nhũng hay không? Nếu có thì những trường hợp đó là quá tham lam quá, chỉ vì bản thân, không vì lợi ích dân tộc.
“Vậy thì mức lương tối thiểu bao nhiêu là vừa?”- ông đặt vấn đề.
Theo ông, mức lương tối thiểu cần được dự báo và xác định trên một chỉ số khoa học, theo từng loại ngành nghề, khu vực. Cụ thể như nhà tri thức ra sao, nhà nghiên cứu khoa học như thế nào, nhà quản lý tới đâu và người lao động giản đơn như thế nào; nhưng vẫn phải bảo đảm được sự ổn định cuộc sống .
Giáo dục không thể tạo ra giá trị giả cho xã hội
Trước ý kiến của cử tri về hạn chế của nền giáo dục hiện nay, ông Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, bản thân ông đã lên tiếng với ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT cần rà soát lại từ cách tổ chức thi cho đến cách xem xét của hội đồng, cho đến vấn đề thẩm định SGK.
Cử tri tại hội nghị quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, hạn chế của nền giáo dục... Ảnh: THANH TUYỀN
“Sự việc điểm giả vừa qua, chính tôi đã có sự phê phán đây là một việc làm cần lên án vì tạo ra giá trị giả cho xã hội. Nếu những sinh viên đó không đạt chuẩn tối thiểu mà vẫn điểm ưu danh dự thì có phải chăng được sự ưu ái ở vị trí việc làm. Như vậy là một sự tước đoạt về những nhân tài mà chúng ta chưa trọng dụng; giá trị thật giả lẫn lộn là điều hết sức nguy hiểm. Do đó, phải chấn hưng vấn đề giáo dục”- ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết.
Về vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống trong sinh viên, các bạn thanh niên, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng đây là vấn đề mấu chốt.
Ông chia sẻ: “Tôi cũng đã từng trải qua tuổi thanh niên, rất háo hức, hăm hở và cuốn hút vào những cái mới, cái lạ, cái hay nhưng sự kinh nghiệm để có thể nhận định được hay tới đâu, mới về vấn đề gì, giá trị ở góc độ nào thì lúc đó tôi có hạn chế”.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhìn nhận, hiện trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ thì lực hút của vấn đề càng mạnh mẽ hơn và vấn đề đạo đức phải được quan tâm.
“Có phải chăng đạo đức xã hội đang suy đồi, đang xuống cấp, chưa bao giờ mà mình nghe nhiều vấn đề mà con đánh cha, chồng đánh vợ… Nó có phải khởi nguồn từ giáo dục hay không, hay từ đâu”- ông Phan Nguyễn Như Khuê trăn trở.
Từ đó, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là một việc hết sức bền bĩ và lâu dài. Bởi không dễ để ngày trước ngày sao đã thay đổi được một thói quen, hành vi mà phải bằng sự giáo dục, sự thẩm thấu dần dần tích tụ và chuyển đổi mới tạo ra được.
Ông cũng tin rằng, thế hệ thanh thiếu niên ngày nay có thể học tập phong cách, tư tưởng, đạo được Hồ Chí Minh từ những điều giản đơn nhất. Qua đó góp phần xây dựng đạo đức xã hội, biết trân trọng, yêu quý cái tốt cái đẹp để nảy nở những điều tốt đẹp; cái xấu, cái tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, triệt tiêu.