Nhân viên y tế dọn dẹp một bệnh viện dã chiến ở California hồi tháng 2 khi số ca nhiễm ở bang này giảm - Ảnh: NYT
Ngày 29-12-2020, một lính vệ binh quốc gia Mỹ trở thành bệnh nhân COVID-19 đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.7 - biến thể đã tàn phá nước Anh và bắt đầu lây lan nhanh ở châu Âu. Đây là thời điểm không thể tệ hơn vì trùng với đợt bùng dịch sau lễ ở Mỹ, vắc xin thì gặp trở ngại trong khâu phân phối.
Ngay lúc đó, các nhà khoa học cảnh báo các biến thể virus corona mới - nhất là B.1.1.7 - có thể gây ra cơn sóng thần đánh sập hệ thống y tế của Mỹ.
Quả thật dịch sau đó bùng lên mạnh, cao điểm lên đến trên 300.000 ca/ngày vào tháng 1-2021, chỉ may là các bệnh viện chưa "sập" như dự báo.
Đến tháng 4-2021, tình hình bắt đầu cải thiện, số ca nhiễm ở Mỹ giảm rõ rệt và hiện ít hơn hồi tháng 1 khoảng 85%. Các chuyên gia chỉ ra hàng loạt yếu tố có lợi như giãn cách xã hội, thói quen đeo khẩu trang... và nhất là hai loại vắc xin hiệu quả cao của Pfizer và Moderna.
"Thành thật tôi nghĩ chúng ta đã may mắn. Chúng ta được vắc xin cứu" - Nathan Grubaugh, nhà dịch tễ học từ Đại học Yale, nhận xét trên báo New York Times.
Tuy vậy, ông Grubaugh và nhiều chuyên gia vẫn xem các biến thể virus corona là biến số gây nguy cơ trong những tháng sắp tới. Trong buổi điều trần trước Quốc hội tuần trước, bác sĩ Rochelle P. Walensky - giám đốc CDC Mỹ - cho biết biến thể B.1.1.7 đã chiếm 72% số ca nhiễm ở Mỹ.
"Không rõ điều gì đã giúp B.1.1.7 mạnh hơn các biến thể khác, rất khó để khẳng định vào thời điểm hiện tại. Chúng tôi cần nghiên cứu thêm để hiểu nhiều biến thể kết hợp lại có tác động ra sao" - nhà virus học Angela Rasmussen cho biết.
Một số chuyên gia thì cảm thấy bất an trước việc virus hoạt động trái với mọi dự báo.
"Tôi không thể gán hết cho sự thay đổi trong hành vi con người. Không hiểu tại sao chu kỳ của virus corona lại khiến nó yếu hơn vào giữa mùa đông? Điều này khiến tôi cảm thấy mình càng không biết gì về nó" - bà Sarah Cobey, nhà sinh vật học từ Đại học Chicago, nhận xét.
Nguồn cung vắc xin COVID-19 ở Mỹ hiện đã dư thừa đến mức người dân không cần phải lo thiếu. Vắc xin có thể giảm hiệu quả với các biến chủng Brazil hoặc Nam Phi, nhưng ít nhất nó ngăn được bệnh nặng ở tất cả các trường hợp.
Điều làm các chuyên gia lo là tình hình vẫn có thể xấu trở lại. Mỹ hiện vẫn ghi nhận trên dưới 30.000 ca nhiễm mỗi ngày, trong khi chỉ mới có khoảng 35% dân số tiêm đủ 2 liều vắc xin, miễn dịch ở nhóm này có thể bắt đầu yếu đi vào mùa đông cuối năm.
Một vấn đề khác là không ai biết được các biến thể mới xuất hiện trên thế giới, ví dụ biến thể kép B.1.617 ở Ấn Độ, sẽ ảnh hưởng ra sao. Hiện nó đã xuất hiện ở Mỹ nhưng còn đang lây ở mức độ thấp so với B.1.1.7.
"Đó là chưa nói đến những biến thể mới sẽ còn xuất hiện ở những nơi virus đang hoành hành. Quá trình tiến hóa của virus còn chưa kết thúc" - chuyên gia Cobey cảnh báo.
TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa xếp biến thể virus corona B.1.617 tại Ấn Độ vào danh sách biến thể "đáng lo ngại" cấp toàn cầu khi virus lây lan nhanh hơn và tăng khả năng kháng cự với kháng thể và vắc xin.