Phía Nhật Bản đã ủy quyền cho cơ quan chức năng của Việt Nam chủ động kiểm dịch thực vật đối với vải thiều xuất khẩu sang quốc gia này.
Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), xuất khẩu vải thiều trong mùa vải 2021 sẽ gặp nhiều thuận lợi, bởi đã bước sang năm thứ 2 Việt Nam xuất khẩu quả vải sang quốc gia này. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay các doanh nghiệp phía Nhật Bản đã chính thức ủy quyền cho Việt Nam thực hiện kiểm dịch và giám sát các công đoạn xử lý kiểm dịch vải thiều.
“Vừa rồi chúng ta đã đàm phán với phía Nhật Bản, là với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, đề nghị phía Nhật Bản ủy quyền cho cán bộ kiểm dịch hoặc các chuyên gia kiểm dịch của Việt Nam thay thế cho các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giám sát các lô vải phải xử lý khử trùng trước khi xuất khẩu.
Phía Nhật Bản đã có văn chính thức gửi Cục Bảo vệ thực vật đồng ý sẽ ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này và tuân thủ mọi quy định hai bên đã thống nhất trong quá trình đàm phán giữa 2 bên” – ông Hoàng Trung nói.
Được biết, hiện nay các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang đều đã rất chủ động ngoài kiểm soát vùng trồng, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh để trái cây có chất lượng tốt nhất thì vấn đề xử lý kỹ thuật để xuất khẩu rất quan trọng.
"Hiện nay, chúng ta đã có 4 cơ sở xử lý. Trong số 2 cơ sở ở Hải Dương thì 1 cơ sở đã hoàn tất, 1 cơ sở nữa đang chuẩn bị hoàn thiện, chúng tôi đã đệ trình hồ sơ với phía Nhật Bản để được chấp nhận.
Còn về phía Bắc Giang thì căn cứ trên các cơ sở xử lý lần trước, chúng tôi đã đến tận nơi cùng Sở NNPTNT Bắc Giang kiểm tra, đánh giá lại 1 lần nữa, cho đến nay công tác chuẩn bị xử lý đã hoàn tất” – ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sắp tới cục sẽ cử chuyên gia lên giám sát tại chỗ, đồng thời cử lực lượng kiểm dịch lên kiểm tra và cấp giấy chứng nhận tại chỗ, niêm phong tại chỗ để chuyển thẳng ra sân bay để xuất khẩu đi Nhật Bản.
Cả Bắc Giang và Hải Dương đều thực hiện theo biện pháp tương tự. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã bố trí toàn bộ Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 5 phụ trách Bắc Giang và Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 1 sẽ phụ trách Hải Dương (trong vấn đề kiểm dịch xuất khẩu-PV), đảm bảo đầy đủ nguồn lực và đáp ứng được yêu cầu.
“Lúc nào doanh nghiệp cần để xuất khẩu đi kể cả ngày lẫn đêm đều có cán bộ kiểm dịch túc trực. Toàn bộ trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, kiểm dịch theo đúng quy trình xuất khẩu để vừa kiểm tra, vừa giám sát đều được mang đến tận nơi, thực hiện tại chỗ để đảm bảo vừa đúng lộ trình của phía bạn, vừa đúng với chương trình của hàng không. Việc chuẩn bị cho xuất khẩu vải sang Nhật đã tương đối đầy đủ, chủ động hoàn toàn về khâu kỹ thuật” – ông Hoàng Trung khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, để việc tiêu thụ nông, thủy sản được an toàn, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương lập tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặt biệt tại các cửa khẩu biên giới.
Xem thêm: odl.241019-tahn-id-ueiht-iav-uahk-taux-hcid-meik-peit-curt-man-teiv/et-hnik/nv.gnodoal