Ngày 15-5, chú tê tê con đã đến Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cát Tiên, được mọi người ở trung tâm đặt tên là Lộc.
Theo ông Nguyễn Thế Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cứu hộ, lúc mới về Lộc chỉ mới 2-3 ngày tuổi, nặng khoảng 100 gram, dài 20 cm. Mặc dù trước đó đã bị bắt, nhưng ngoài khát sữa ra thì chú hoàn toàn khỏe mạnh.
Hiện Lộc được anh Lê Văn Long, sinh viên khoa Chăn nuôi thú y, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tình nguyện ở tại trung tâm 2 tuần để tiện chăm sóc. Lộc được uống sữa chuyên dụng và tập liếm sữa mỗi ngày 5 lần, mỗi lần từ 2 - 4 ml. Khi Lộc ngủ phải có khăn ấm lót, đắp quanh cơ thể.
Chú tê tê tên Lộc vừa được một bạn trẻ (giấu tên) gửi đến Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Ảnh: NVCC
Lộc thuộc loài tê tê Java, là 1 trong 2 loài tê tê phân bố tại Việt Nam (loài còn lại là tê tê vàng).
Thức ăn trong tự nhiên của tê tê Java chủ yếu là kiến, trứng kiến, mối và một số loài côn trùng khác. Tê tê Java là loài động vật hiền lành, hoạt động về đêm, rất sợ con người và các loài động vật khác chạm vào. Nếu gặp nguy hiểm, nó sẽ cuộn tròn người lại như quả bóng.
Lộc ngủ ngoan trong khăn ấm. Ảnh: NVCC
Lộc được cho uống sữa chuyên dụng và tập liếm sữa mỗi ngày. Ảnh: NVCC
Trước mắt, Lộc sống trong phòng thú y của trung tâm. Các nhân viên sẽ quan sát để biết khi nào thì chú biết ăn thức ăn như kiến, trứng kiến... để còn đưa ra chuồng nuôi.
"Chăm sóc tê tê con cần lưu ý bố trí sinh cảnh chuồng nuôi phù hợp, giống tự nhiên như các khúc cây, gỗ bọng hoặc hang đá, đất. Nhận được chú tê tê này tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì bạn trẻ cứu chú đã tin tưởng và giao cho trung tâm chăm sóc. Lo là vì chú bé quá, cần 1 người chuyên trách chăm sóc toàn thời gian, có tâm và nhẫn nại trong khi người chăm sóc của đơn vị có hạn. Nhưng giờ thì ổn rồi" - anh Việt nói.
Cả hai loài tê tê vàng và tê tê Java đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Hai loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) của Chính phủ về quản lý thực vật từng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. |