Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Ảnh: THẢO LÊ
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM với các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tối 17-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các địa phương báo cáo về công tác phòng dịch tại địa phương; nghe báo cáo về các phương án phòng dịch trên lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông vận tải; quốc phòng…
Trước tình hình xuất hiện các ca bệnh liên quan đến xe công nghệ tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Giao thông vận tải báo cáo phương án phòng ngừa và việc thực hiện bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Khi nghe báo cáo việc áp dụng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong lĩnh vực giao thông và công tác phòng dịch các xe công nghệ còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Thành Phong đã nghiêm khắc nhắc nhở.
"Chúng ta hành động không phải vì thành tích, mà vì sự an toàn, sức khỏe của người dân. Tâm chúng ta phải nhận thức được điều đó, đó là mệnh lệnh cao nhất, đừng nói là làm việc theo chỉ đạo của TP. Thái độ dửng dưng là không thể chấp nhận được" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM có đến 3 lần nhấn mạnh về việc niềm hạnh phúc lớn nhất của lãnh đạo TP là người dân được an toàn, sức khỏe của người dân được đảm bảo, công nhân không bị mất việc.
Theo ông Phong, thành quả chống dịch của TP.HCM thời gian qua không chỉ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, mà còn có sự đồng thuận lớn của người dân. Qua vụ việc nhà hàng The King hoạt động karaoke trá hình, các hàng quán tại Bình Thạnh vẫn đông người, nhiều người dân đã yêu cầu TP phải xử lý quyết liệt.
Đợt sóng này diễn ra rất phức tạp, lực lượng phòng chống dịch và người dân không được phép lơ là trong bất kỳ tình huống nào; việc chống dịch là ưu tiên hàng đầu.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng chống dịch, hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chủ yếu. Từng đơn vị phải có phương án phòng chống dịch trong từng tình huống.
Theo ông Phong, qua kiểm tra, các bệnh viện tuyến đầu TP.HCM hiện nay có lượng người lui tới rất lớn. Ông Phong nêu ví dụ Bệnh viện Chợ Rẫy hiện nay mỗi ngày có đến 10.000 lượt người đến và hơn 4.000 nhân viên y tế. Nếu xảy ra tình huống xấu những bệnh viện tuyến đầu như vậy sẽ để lại hậu quả lớn.
Ngoài bệnh viện, ông Phong cũng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; tổ chức khai báo y tế, người quản lý nhân sự phải nắm bắt được lịch trình của công nhân. Đồng thời phải ký cam kết thực hiện các quy định phòng dịch với chính quyền địa phương.
Ông Phong vận động các doanh nghiệp có quy mô lớn nên có thiết bị nhận diện khuôn mặt và đo thân nhiệt; nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất; tổ chức diễn tập các tình huống dịch bệnh.
Tất cả các lĩnh vực giao thông, du lịch, giáo dục... phải rà soát lại bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, kịp thời bổ sung cho sát thực tế dịch bệnh hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu phát huy hiệu quả các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng và vai trò của tổ dân phố; vận động người dân đến nơi có ca nhiễm phải khai báo y tế.
Về việc thiết lập trung tâm phòng chống dịch, chủ tịch UBND TP yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, sẵn sàng kích hoạt nếu cần thiết.
TTO - Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, qua kiểm tra phát hiện và xử phạt 144 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm quy định phòng dịch và 34 cơ sở bị xử phạt lần 2. Tổng số tiền xử phạt đã gần 1 tỉ đồng.