Gần 5 giờ ngày 17-5, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở trạm thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM để ghi nhận công việc của các nhân viên y tế.
Thà cực, không để mất thời gian của tài xế
Sau khi rướn người để đo thân nhiệt cho một tài xế xe container, điều dưỡng (ĐD) Lê Quách Huyền Dung (24 tuổi) nói: “Do xe container cao nên tôi phải nhón chân hoặc leo lên bậc cửa để đo thân nhiệt cho tài xế. Không cẩn thận rất dễ trượt chân. Tôi làm ca đêm, từ 22 giờ hôm trước tới 7 giờ sáng hôm sau. Lượng xe vào TP.HCM qua cao tốc Trung Lương - TP.HCM rất nhiều. Vì vậy, trong 9 tiếng làm việc, số lần tôi và đồng nghiệp rướn người để đo thân nhiệt cho tài xế xe container không đếm xuể”.
Chúng tôi hỏi: “Sao không nói tài xế xuống xe để đo thân nhiệt, khỏi phải nhón chân dễ trượt té?”. ĐD Dung chia sẻ thật tình: “Đâu được! Tài xế lên xuống mất thời gian, dễ gây ùn tắc xe. Đồng ý là đo thân nhiệt để kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch COVID-19 nhưng không nên làm tiêu tốn nhiều thời gian của tài xế, ảnh hưởng công ăn việc làm của họ. Thà mình cẩn thận và chịu cực một tí để xe được qua nhanh”.
Do xe tải và xe container cao nên nhân viên y tế phải rướn mình để đo thân nhiệt tài xế. Ảnh: TRẦN NGỌC
ĐD Dung hiện công tác tại Khoa dinh dưỡng BV Nhi đồng TP.HCM. Khi được BV phân công làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19, ĐD Dung vui vẻ chấp hành. “Đây cũng là ca trực đầu tiên của tôi. Cho dù lường trước những khó khăn trong công việc nhưng khi va chạm thực tế, tôi thấy vất vả hơn nhiều. Mặc dù làm ca đêm nhưng hơi nóng mặt đường phả ra khiến người mau mệt. Khẩu trang mang chưa đầy 2 tiếng đã nhuốm đầy bụi đường. Quần áo cũng vậy, phủi nhẹ là lất phất bụi. Còn nữa, trèo lên bước xuống xe container khiến chân đau nhức, lưng áo ướt mồ hôi” - ĐD Dung trải lòng.
“Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của công việc nên tôi và đồng nghiệp làm hết mình, bỏ lại mọi vất vả phía sau” - ĐD Dung nói.
Đối diện nguy cơ nguy hiểm tính mạng Do chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 nằm tại trạm thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM nên làn đường hẹp, gờ cao, không cẩn thận rất dễ vấp té. Hơn nữa, xe tải, xe container lưu thông qua cao tốc này rất nhiều nên ĐD Tâm và đồng nghiệp cẩn thận mỗi khi đi lại để tránh nguy hiểm tính mạng. |
Trực chốt nhưng vẫn làm tốt chuyên môn
Sát cánh cùng ĐD Dung là ĐD Phạm Thanh Tâm (34 tuổi, Khoa vi phẫu BV Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM). Đây cũng là ca trực đêm thứ ba tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở trạm thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM của ĐD Tâm.
“Nóng nực là vấn đề chúng tôi đối mặt. Những ngày đầu, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ kín mít khiến áo mặc bên trong ướt đẫm mồ hôi. Qua nay, được sự đồng ý của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chúng tôi mặc đồng phục ngắn tay nên cảm thấy dễ chịu hơn. Chúng tôi chỉ mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với ca nghi nhiễm COVID-19 để khai thác yếu tố dịch tễ” - ĐD Tâm nói.
“Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 có thể xảy ra nếu sơ sẩy cho dù rất nhỏ. Do vậy, chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng ngừa dịch bệnh. Trực xong, về nhà tôi tắm rửa cẩn thận rồi mới chơi đùa với hai con nhỏ” - ĐD Tâm trải lòng.
Cuộc chuyện trò giữa ĐD Tâm và chúng tôi vừa dứt thì cơn mưa sáng khá to bất chợt ập xuống. ĐD Tâm và đồng nghiệp vẫn lao vào công việc vì phương tiện vận chuyển từ các tỉnh miền Tây vào TP.HCM mỗi lúc mỗi nhiều.
“Đợt dịch COVID-19 năm 2020, tôi làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở cầu vượt Sóng Thần (phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức). Đợt dịch năm nay, tôi cũng làm nhiệm vụ tại chốt này” - ĐD Bùi Phạm Trung Nguyên (33 tuổi, Khoa ngoại BV quận 12, TP.HCM) bày tỏ.
Công việc của ĐD Nguyên là đo thân nhiệt, khai thác yếu tố dịch tễ tất cả người từ địa phận tỉnh Bình Dương vào TP.HCM. “Đối với xe khách, chúng tôi mời từng người xuống xe để đo thân nhiệt. Do không gian xe khách kín, dễ có nguy cơ lây nhiễm nếu chẳng may có một hành khách mắc COVID-19 nên chúng tôi phải làm vậy để bảo vệ chính mình, cho gia đình và cả cơ quan. Khi hiểu rõ điều này, tất cả hành khách vui lòng hợp tác” - ĐD Nguyên chia sẻ.
Sau ca trực, ĐD Nguyên được nghỉ một ngày và đến BV làm việc vào hôm sau. Ngày kế tiếp, ĐD Nguyên tiếp tục ra làm nhiệm vụ ở chốt. “Chúng tôi choàng gánh để vừa làm tốt nhiệm vụ ở chốt, vừa hoàn thành công việc trong BV. Chúng tôi làm hết sức mình cho tới khi dịch COVID-19 được chặn đứng hoàn toàn” - ĐD Nguyên trải lòng.
Ghi nhận công sức của nhân viên y tế Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp hết mình của nhân viên y tế BV quận 12 khi tham gia nhiệm vụ ở chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19. Trong mọi thời tiết, nhân viên y tế của BV dầm mưa dãi nắng để đo thân nhiệt, khai thác yếu tố dịch tễ tất cả người từ địa phương khác vào TP.HCM. Dịch COVID-19, cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng mau chóng đẩy lùi hay không là nhờ rất nhiều công sức của lực lượng nhân viên y tế TP.HCM, trong đó có đội ngũ nhân viên y tế BV quận 12. BS NHAN TÔ TÀI, Giám đốc BV quận 12, TP.HCM |