Hãng Reuters đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 17-5 đã cấm các quan chức trong nội các của mình phát ngôn công khai về Biển Đông.
Tuyên bố trên của ông Duterte được đưa ra sau nhiều tuần vị tổng thống Philippines bị các bộ trưởng chỉ trích mạnh mẽ liên quan phản ứng trước hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ông Duterte cấm quan chức phát ngôn công khai về Biển Đông. Ảnh: EPA-EFE
Trong bài phát biểu được ghi hình và phát hôm 17-5, ông Duterte cho biết: “Đây là mệnh lệnh của tôi với nội các, với tất cả mọi người, rằng không được thảo luận vấn đề Biển Tây Philippines với bất kỳ ai”.
Biển Tây Philippines là cách Philippines gọi phía đông Biển Đông.
"Nếu phát ngôn, thì đó chỉ là giữa những người trong nội bộ" - ông Duterte nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đã leo thang kể từ tháng 3, khi Manila nhiều lần gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh liên quan sự hiện diện của hàng trăm tàu cá của nước này tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng của chính quyền ông Duterte, cũng như cố vấn pháp lý của ông đã đưa ra những lập trường mạnh mẽ phản đối Bắc Kinh liên quan sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc trong khu vực Manila tuyên bố là thuộc “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” của nước này.
Philippines cho rằng các tàu Trung Quốc là do lực lượng dân quân biển điều khiển, gọi sự hiện diện của các tàu này là "tràn ngập và đe dọa" bất chấp việc Manila yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu ra khỏi khu vực.
Trước đó, trong bài phát biểu được ghi hình và phát hôm 14-5, ông Duterte đã bác bỏ việc Trung Quốc yêu cầu Philippines rút các tàu thuyền ra khỏi các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố ông sẽ không cúi đầu trước áp lực, ngay cả khi điều đó gây nguy hiểm cho tình bạn của ông với Bắc Kinh.
“Tôi thật sự sẽ không rút. Quý vị có thể giết chết tôi nếu muốn, nhưng tôi vẫn sẽ ở đó. Đây là nơi tình hữu nghị của chúng ta sẽ chấm dứt” - ông Duterte nhấn mạnh, song lặp lại rằng chiến tranh với Trung Quốc không phải là một lựa chọn.
Hôm 12-5, Lực lượng Đặc nhiệm Biển Tây Philippines cảnh báo 287 tàu dân quân biển Trung Quốc đang hiện diện ở vùng biển Manila tuyên bố có quyền chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có nhiều tàu hoạt động xung quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Theo Reuters, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc, được cho là đã gạt tranh chấp lãnh thổ sang một bên để đổi lấy lời hứa từ Bắc Kinh về các khoản vay, viện trợ và đầu tư hàng tỉ USD.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.