Mùa thu hoạch vải đang đến gần, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các địa phương lên phương án để tiêu thụ vải thiều an toàn trong mùa dịch. Trong đó, Bắc Giang đã chuẩn bị 3 kịch bản tiêu thụ vải, có phương án sẽ tiêu thụ 100% vải thiều ở trong nước.
Lên kịch bản tiêu thụ vải trong mùa dịch
Năm nay, Bắc Giang có 28.000ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867ha xuất khẩu sang Trung Quốc - 149 mã vùng.Do tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, UBND huyện Lục Ngạn - vùng trồng vải lớn nhất của tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với hai phương án.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết, kế hoạch tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 được các bộ ngành thông qua ngày 17.5. Theo đó, kế hoạch tiêu thụ được phân rõ theo từng kịch bản.
Kịch bản thứ nhất: Nếu dịch được kiểm soát, khoanh vùng hết, số ca mắc và các F1, F2 được kiểm soát chặt chẽ, thì 50% vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trong nước và 50% vải thiều sẽ xuất khẩu. Trong đó, tiêu thụ trong nước: 51.000 tấn, xuất khẩu dự kiến từ 51.000-53.000 tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn (sấy khô: 2.000 tấn; nước ép, đóng hộp, đông lạnh: 4.000 tấn).
Kịch bản thứ hai: Nếu dịch COVID-19 trên địa bàn không được kiểm soát một cách triệt để thì 70% vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trong nước và 30% xuất khẩu. Dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác 25.000 tấn.
Kịch bản thứ ba: Nếu Bắc Giang không kiểm soát được dịch thì 100% vải thiều được tiêu thụ trong nước. Đi cùng kịch bản này cần phải lên kế hoạch chi tiết về việc tiêu thụ ở đâu, số lượng bán tại trung tâm thương mại và chợ đầu mối thế nào, bán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử ra sao?
Ngoài ra, trong quá trình tiêu thụ vải thiều cũng cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác. Ví dụ như khi dùng xe vận chuyển vải đi tiêu thụ thì lưu thông thế nào, khử trùng, cấp giấy chứng nhận phải được tính toán kỹ lưỡng với Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải.
"Việc tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang năm nay không quá đáng lo"
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ngày 26.5 tới, lô vải sớm Tân Yên (Bắc Giang) sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đối với thị trường này, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ động làm việc với các cơ quan kiểm dịch Nhật Bản và các Tham tán của Nhật tại Việt Nam.
"Chúng tôi đề nghị Nhật Bản uỷ quyền cho các chuyên gia kiểm dịch của Việt Nam - thay thế cho các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giám sát các lô vải thiều về vấn đề kiểm dịch. Phía Nhật Bản đã có văn bản chính thức phúc đáp lại và đồng ý với đề nghị của Việt Nam. Để làm được việc này, các chuyên gia, cán bộ kiểm dịch Việt Nam cần phải nắm chắc các nguyên tắc từ phía Nhật Bản, làm sao để lô vải thiều của ta đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ" - ông Trung cho biết.
Nói về kế hoạch tiêu thụ vải thiều, nhất là vải thiều Bắc Giang trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trao đổi với Lao Động, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho hay, tại Bắc Giang, diện tích vải năm 2021 là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020.
"Việc tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang năm nay không quá đáng lo vì chúng ta đã có kế hoạch cụ thể, chủ động ứng phó nếu như tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi" - ông Tiến nói, đồng thời khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề về tiêu thụ nông sản, đặc biệt ở các cửa khẩu biên giới. Có văn bản gửi tới Tổng cục Hải Quan Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hàng hoá, không xảy ra tình trạng ứ đọng ở biên giới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số quốc gia yêu cầu xét nghiệm với nông sản Việt, trong đó có quả vải, Thứ trưởng Tiến cho rằng: "Đối với yêu cầu cần xét nghiệm COVID-19 với vải thiều khi xuất sang Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng chưa có một căn cứ khoa học nào chứng minh việc virus Sars-Cov-2 có khả năng lây nhiễm qua sản phẩm nông sản cả, mà nguồn lây từ con người với con người.
Chính vì vậy, việc nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải xét nghiệm COVID-19 trên bao bì sản phẩm là không có căn cứ, các bộ ngành cũng đã có văn bản gửi sang các nước đối tác để họ tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu nông sản, trong đó có vải thiều".
8 điểm cách ly đón thương lái Trung Quốc sang mua vải thiều
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều theo phương án tỉnh đã đề xuất, đến nay công tác phòng chống dịch bệnh để đón các thương lái này đang được triển khai.
Ông Trần Quang Tấn cho biết, huyện Lục Ngạn sẽ dùng xe chuyên dụng đón 190 thương nhân từ cửa khẩu và về thẳng khu cách ly. Xe chuyên dụng này cũng phải đảm bảo tất cả yếu tố phòng dịch.
"Hiện đã chuẩn bị 8 điểm cách ly y tế cho 190 thương nhân Trung Quốc. 8 điểm cách ly này có sức chứa khoảng 400 người. Tuy nhiên, năm nay, chỉ đề nghị 190 thương nhân được tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đồng ý và Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an cũng có văn bản đồng ý cho 190 thương nhân này sang thu mua vải thiều. Những thương nhân này phải cách ly đủ 21 ngày, không có ngoại lệ", ông Tấn nói.
"Nội bất xuất, ngoại bất nhập"
Với tình hình dịch bệnh rất phức tạp của Bắc Giang, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, mọi công dân, người lưu trú ở những vùng vải như Phúc Hoà (huyện Tân Yên), huyện Lục Ngạn, tất cả F1 sẽ được cách ly ở vùng khác, cách ly ở tỉnh. Điều này khẳng định những vùng trồng vải sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đối với hai huyện trồng vải thiều lớn ở Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã giao cho cấp uỷ và lãnh đạo, yêu cầu người dân ở vùng vải không được ra khỏi địa bàn, hàng quán ở những vùng vải thiều cũng không được phép hoạt động để tập trung cao độ cho công tác sản xuất và tiêu thụ.
Nội bộ vùng trồng vải là nội bất xuất, ngoại bất nhập, trừ những trường hợp cho phép và đảm bảo tối đa các quy định phòng chống dịch. Đối với người từ nơi khác đến vùng trồng vải, thì cấp uỷ huyện thành lập các chốt trạm để bảo vệ vùng vải thiều. Các chốt trạm này đã được phun khử trùng, ghi lịch trình của lái xe và bắt buộc phải khai báo y tế. C.Ngô
Xem thêm: odl.003019-91-divoc-hcid-iad-auig-gnaig-cab-ueiht-iav-uht-ueit-nab-hcik-3/et-hnik/nv.gnodoal