Binh lính Myanmar trên một con đường ở thành phố Yangon, Myanmar ngày 28-2 khi đang diễn ra cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho biết nước này, phối hợp với Mỹ và Anh, đã trừng phạt bổ sung đối với 16 cá nhân và 10 doanh nghiệp có liên quan đến lực lượng vũ trang Myanmar.
Ông Garneau khẳng định sự ủng hộ kiên định của Canada dành cho người dân Myanmar. Ngoại trưởng Canada cũng kêu gọi các quốc gia khác xem xét các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Myanmar.
Anh tuyên bố trừng phạt doanh nghiệp đá quý nhà nước Myanmar Gems Enterprise, vốn nằm trong danh sách trừng phạt trước đây của Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 17-5 công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 16 quan chức cấp cao Myanmar và thân nhân của họ vì ủng hộ "các cuộc tấn công bạo lực và chết chóc" của chính quyền đối với phong trào biểu tình.
Theo Hãng tin AFP, trong danh sách trừng phạt của Mỹ có 4 thành viên Hội đồng hành chính nhà nước của quân đội Myanmar, 7 bộ trưởng, chủ tịch Ủy ban bầu cử Myanmar, và thống đốc Ngân hàng Trung ương Myanmar.
"Hành động của chúng tôi ngày hôm nay (17-5) nhấn mạnh quyết tâm của chúng tôi và của các đối tác trong việc gây áp lực chính trị và tài chính lên chính quyền Myanmar vì đã thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Đây là động thái mới nhất trong loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước nhắm vào chính quyền quân sự Myanmar sau cuộc chính biến ngày 1-2.
Các cuộc biểu tình dẫn đến chết người đã nổ ra trên khắp Myanmar sau khi quân đội đảo chính, bắt giữ các lãnh đạo dân sự của nước này, trong đó có Tổng thống Win Myint và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
TTO - Đụng độ giữa quân đội Myanmar và Lực lượng phòng vệ Chinland đang khiến hơn 20.000 người bị mắc kẹt. Những người chạy thoát cho biết phần lớn người đang bị bao vây là trẻ em và người già.=
Xem thêm: mth.67691529081501202-ramnaym-iod-nauq-nel-gnus-ob-tahp-gnurt-pa-adanac-hna-ym/nv.ertiout