Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc cảnh cáo, điều chuyển công tác với đại uý công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) đứng nhìn, không giúp đỡ tài xế taxi khống chế tên cướp là chưa phù hợp mà cần kỷ luật ở mức cao hơn.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) lý giải, pháp luật quy định cho phép mọi công dân đều được bắt người phạm tội quả tang.
Trong vụ việc trên, đối tượng dùng dao nhọn đâm người lái xe nhưng nạn nhân vẫn cố gượng dậy, vật lộn với tên cướp để bắt giữ. Phải mất một thời gian khá lâu, nạn nhân (mặc áo trắng dính nhiều máu) mới khống chế được tên cướp, khi đó mới có người dân vào can thiệp hỗ trợ.
Chứng kiến sự việc nguy cấp, cần hỗ trợ như vậy nhưng có một số người xung quanh, trong đó có một người mặc quần xanh giống cảnh phục Công an (sau này xác định là đại uý Nguyễn Thanh Lâm - Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), lại dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Anh này còn đứng nhắn tin, gọi điện mà không có bất cứ hành vi nào can thiệp hỗ trợ nạn nhân.
Thái độ ứng xử của một số người xung quanh và người mặc quần cảnh sát này làm người xem clip khá bất ngờ và bức xúc. Hành vi này là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và còn không phù hợp với pháp luật.
Trong tình huống vụ việc, khi nạn nhân, bị đâm chảy máu đã đè tên cướp xuống đường, nạn nhân bị thương tích nặng, rất cần có sự hỗ trợ của người khác. Đặc biệt là với người được đào tạo nghiệp vụ, có võ thuật để khống chế, bắt giữ tên cướp, giải nguy cho nạn nhân.
Tuy nhiên, người Công an này chỉ đứng nhắn tin điện thoại rất lâu (cùng với một số người khác thấy thế cũng đứng nhìn) như không có chuyện gì xảy ra... Đây là chuyện hết sức phản cảm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về mặt đạo đức xã hội thì giúp đỡ người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, giúp người hoạn nạn là trách nhiệm của công dân.
"Nếu 2-3 người cùng lao vào bắt giữ tên cướp thì tính mạng của nạn nhân đã được bảo toàn, đối tượng không có cơ hội chống trả và sẽ không dám chống trả... Vẫn biết rằng, đối tượng gây án trong tình huống này là côn đồ, hung hãn, manh động, có hung khí, có thể gây nguy hiểm cho người bắt giữ. Song, tài xế taxi đã cơ bản khống chế được đối tượng. Việc anh này đang cần là có người hỗ trợ, khống chế giúp đỡ. Trong tình huống này rất ít nguy hiểm và đó là trách nhiệm, là lương tâm con người" - luật sư Cường nói.
Về mặt pháp luật, có quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện giúp đỡ nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì người không cứu giúp trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể hình phạt đến 2 năm tù.
Với người có trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân, nghề nghiệp đòi hỏi phải giúp đỡ nạn nhân mà không cứu giúp nạn nhân thì có thể bị xử lý đến 5 năm tù, theo Điều 132, tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
Nếu người vi phạm là cán bộ, đảng viên thì ngoài việc xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì cán bộ đảng viên còn phải chịu kỷ luật đảng và kỉ luật về chính quyền.
Từ các phân tích trên, luật sư Cường cho rằng, hình thức kỷ luật cảnh cáo là vội vàng và chưa tương xứng với tính chất của sự việc. Theo luật sư, nạn nhân không chết cũng cần kỷ luật ở mức cao nhất - tước danh hiệu Công an nhân dân nếu người này không tự viết đơn xin ra khỏi ngành.
Trong hai ngày 17-18.5, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển công tác với đại uý Nguyễn Thanh Lâm - người đứng nhìn tài xế vật lộn với tên cướp. UBND TP Hà Nội, Công an TP.Hà Nội cũng đã tặng giấy khen, thư khen, thưởng tiền cho tài xế Nguyễn Trần Minh vì lòng dũng cảm.