Trong bản cập nhật danh mục ngày 17/5, Berkshire Hathaway tiết lộ khoản đặt cược mới vào Aon, công ty bảo hiểm y tế và quản lý lương hưu của Anh. Tập đoàn cũng thông báo cắt giảm cổ phần trong một số doanh nghiệp và thoái vốn gần như hoàn toàn khỏi ngân hàng Wells Fargo vào quý trước.
Tập đoàn đầu tư của Warren Buffett mua 4,1 triệu cổ phiếu Aon trong ba tháng đầu năm 2021. Berkshire Hathaway cũng nâng tỷ lệ sở hữu trong tập đoàn viễn thông Verizon lên 8%, tương đương 159 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu Verizon này có giá trị 9 tỷ USD vào cuối quý I. Đồng thời Berkshire Hathaway tăng 50% khoản đầu tư vào chuỗi bán lẻ Kroger, sở hữu trên 50 triệu cổ phiếu.
Warren Buffett và các lãnh đạo của Berkshire Hathaway đã cắt giảm khá nhiều vị thế. Đây là điều đã được biết trước do đại hội cổ đông hồi đầu tháng đã tiết lộ rằng Berkshire Hathaway bán ròng 3,9 tỷ USD cổ phiếu trong quý I, theo tờ Business Insider.
Cụ thể, Berkshire Hathaway giảm hơn một nửa sở hữu trong đại gia dầu khí Chevron xuống còn 24 triệu cổ phiếu, trị giá 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý là tập đoàn mới chỉ gom cổ phiếu Chevron từ quý III năm ngoái.
Berkshire Hathaway thoái bớt vốn khỏi các công ty dược phẩm Abbvie, Bristol Myers-Squibb và Merck. Tập đoàn bán ra lượng lớn cổ phiếu công ty viễn thông đa quốc gia Liberty Global, nhà sản xuất sơn phủ Axalta và hãng fintech StoneCo trong danh mục.
Đặc biệt, số cổ phiếu Wells Fargo trong danh mục của Berkshire Hathaway giảm từ 50 triệu xuống dưới 700.000. Ngân hàng này là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Berkshire trong suốt hàng chục năm. Tập đoàn của Warren Buffett cũng thoái vốn khỏi công ty năng lượng Suncor Energy và công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Synchrony Financial.
Việc Berkshire Hathaway bán ròng cổ phiếu trong quý I gợi nhớ đến những bình luận của Warren Buffett trong đại hội cổ đông đầu tháng. Warren Buffett nói rằng ông muốn đem 80 tỷ USD trong núi tiền mặt 140 tỷ USD của Berkshire Hathaway đi đầu tư, nhưng khó tìm ra món hời trong thị trường hiện nay.
Warren Buffett chỉ ra nguyên nhân chính là nỗ lực liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm bơm thanh khoản vào thị trường. Hoạt động của Fed đã thúc đẩy giá tài sản và cạnh tranh trong các thương vụ mua lại.