Theo hãng tin AP, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết kêu gọi "đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp vũ khí và đạn dược" cho Myanmar trong ngày 18-5 (giờ Mỹ).
Trước đó một ngày, phát ngôn viên của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ xác nhận cơ quan này sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu vào ngày 18-5. Một số nhà ngoại giao cho rằng buổi bỏ phiếu bị trì hoãn trước đó nhằm vận động thêm nhiều sự ủng hộ hơn.
Theo đó, dự thảo nghị quyết của LHQ kêu gọi chính quyền quân đội Myanmar "chấm dứt tình trạng khẩn cấp" và lập tức ngăn chặn "mọi hành vi bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa" và tôn trọng ý kiến của người dân được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11-2020.
Nghị quyết cũng đề nghị "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi" và tất cả những cá nhân "bị giam giữ, buộc tội hoặc bắt giữ tùy tiện" sau cuộc chính biến hôm 1-2.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết kêu gọi "đình chỉ ngay lập tức việc chuyển vũ khí" cho Myanmar. Ảnh: REUTERS
Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ "kêu gọi các lực lượng vũ trang Myanmar ngừng ngay lập tức mọi hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, thành viên các tổ chức xã hội, phụ nữ, thanh niên, cũng như trẻ em và những người dân khác".
Nghị quyết đồng thời thúc giục quân đội Myanmar ngừng ngay "các cuộc tấn công, quấy rối nhân viên y tế, thành viên công đoàn, nhà báo và nhân viên truyền thông, cũng như chấm dứt việc hạn chế mạng Internet và phương tiện truyền thông khác".
Nếu được thông qua, Đại hội đồng LHQ sẽ yêu cầu chính quyền quân đội cho phép đặc phái viên LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, có chuyến thăm đến nước này và tiến hành kế hoạch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ. Khác với quá trình bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an LHQ, không quốc gia nào có quyền phủ quyết trong Đại hội đồng.
Lực lượng cảnh sát chống bạo động bằt giữ một người biểu tình khi họ giải tán đám đông biểu tình ở thị trấn Tharkata, ngoại ô Yangon, Myanmar, ngày 6-3. Ảnh: AP
Myanmar đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kể từ khi lực lượng quân đội nước này tiến hành cuộc chính biến hồi đầu tháng 2 và bắt giam bà Suu Kyi.
Theo một nhóm chuyên theo dõi cuộc khủng hoảng, ít nhất 780 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 50 trẻ em, cũng như hơn 3.800 người đã bị giam giữ trong chiến dịch đối phó người biểu tình của quân đội Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar phủ nhận con số này, đồng thời áp đặt lệnh hạn chế đối với các kênh truyền thông và mạng Internet.
Cùng ngày, Mỹ, Anh và Canada đều đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhắm vào quân đội Myanmar, theo AP.