Cầu Hiền Lương những năm chia đôi đất nước - Ảnh: Time
Cô gái xã đội phó trở thành đại biểu
Vĩnh Linh, huyện phía bắc của tỉnh Quảng Trị, sau Hiệp định Genève nằm bờ bắc của sông Hiền Lương và thuộc miền Bắc. Tất cả các huyện còn lại của Quảng Trị nằm ở bờ Nam của dòng sông lịch sử.
Dù chỉ là một huyện nhưng do vị trí đặc biệt của mình, Vĩnh Linh ngày ấy được nâng cấp thành "đặc khu Vĩnh Linh", một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh. Vì thế, dù đất đai dân số chỉ ngang một huyện, Vĩnh Linh vẫn có đoàn đại biểu Quốc hội của mình.
Chúng tôi trở lại miền đất giới tuyến, tìm gặp những đại biểu Quốc hội đặc khu Vĩnh Linh đã chứng kiến thời khắc của cuộc bầu cử khi non sông thống nhất. May mắn vẫn còn gặp được một nữ đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và hồi ức đầy xúc cảm của bà khi trở thành cử tri nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỳ bầu cử ngay sau ngày thống nhất.
Bà Nguyễn Thị Dậu, nay đã hơn 75 tuổi, thỉnh thoảng lại ra bờ sông cuối dòng Bến Hải đứng ngó lên tượng đài bên bến đò B. Bến đò xưa luôn đánh thức trong bà những hồi ức của một cô xã đội phó xã Vĩnh Giang vào tuổi 20 của nửa thế kỷ trước. Vì cống hiến trong những năm tháng mưa bom bão đạn ấy, cô xã đội phó Nguyễn Thị Dậu đã trở thành nữ đại biểu Quốc hội khóa IV (1971-1975) và khóa V (1975-1976).
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV, bà Dậu là một trong ba đại biểu của Vĩnh Linh (cùng với ông Trần Đồng - bí thư Khu ủy Vĩnh Linh và ông Hồ Ray, ủy viên Ủy ban hành chính khu vực). Tôi về xã Vĩnh Giang, ghé trụ sở UBND xã hỏi nhà bà Dậu, cô văn thư cười: "Bà Dậu Quốc hội" là mẹ chị Liên, người đang làm chủ tịch xã ni đó".
Rồi cô chỉ cho tôi ngôi nhà cách không xa trụ sở xã, nằm trong bóng rợp cây lá miền đất bazan màu mỡ nơi cuối dòng Bến Hải.
"Hồi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV tôi đang là xã đội phó, đến khóa V mới lên làm hội trưởng Hội phụ nữ xã. Lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV, tôi mới 25 tuổi. Thời chiến, cử tri đi bầu không chỉ có người dân mà còn các đơn vị bộ đội đang hành quân qua địa bàn cũng bầu cử luôn.Thời đó đạn bom ác liệt lắm.
Là xã đội phó, suốt ngày tôi bám trụ ở bến đò B, cùng anh em bộ đội đưa quân qua đánh bên bờ Nam, cứ đầu hôm đưa quân sang, nửa đêm về sáng lại đón anh em về, tải thương, tải đạn. Anh em lính quen hình ảnh cô xã đội phó gắn bó với bến đò B là tôi nên kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV tôi trúng cử chính là nhờ phiếu anh em bộ đội cứ bảo nhau: "Nhớ bầu cho o Dậu xã đội".
Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV đó, tôi còn nhớ là vào ngày 11-4-1971, có nhiều nơi thùng phiếu phải đặt dưới hầm, đi bỏ phiếu cũng phải đeo lá ngụy trang, dọc theo giao thông hào. Trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV rồi, mỗi lần ra Hà Nội họp cũng gian nan lắm, nhất là năm 1972. Mỗi lần họp là tôi đi bộ lên đặc khu, từ đó xe chở theo đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ) đi hai, ba ngày mới ra tới Hà Nội. Về đi tiếp xúc cử tri, cũng chỉ nói chuyện đánh giặc".
Sau nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV, bà Dậu trúng cử tiếp đại biểu Quốc hội khóa V cùng hai đại biểu của khóa IV là ông Trần Đồng và Hồ Ray. Đây cũng là nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt nhất vì chỉ dài đúng... một năm! Bầu cử Quốc hội khóa V vào ngày 6-4-1975 khi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đang diễn ra trên toàn miền Nam và chỉ hơn ba tuần sau, ngày 30-4-1975 đất nước thống nhất.
Tình hình mới đòi hỏi Quốc hội khóa V có những quyết định mới. Cuối năm 1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam.
Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định "cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất".
Nữ đại biểu miền giới tuyến năm nào nay vui vầy với vườn tược - Ảnh: L.Đ.DỤC
Nhiệm kỳ đặc biệt và đại biểu... một năm
Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa V chỉ dài vỏn vẹn đúng một năm, từ 6-4-1975 đến ngày 26-4-1976, nước Việt Nam thống nhất bầu cử Quốc hội khóa VI. Đoàn đại biểu Quốc hội đặc khu Vĩnh Linh không còn, thay vào đó là bầu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa VI.
Bà Dậu, sau nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa V, đến khóa VI thì bà không tham gia ứng cử nữa, lý do với bà thật đơn giản: "Thời chiến khác, giờ hòa bình rồi, bầu những đại biểu Quốc hội phải có trình độ, có hiểu biết về luật, về kinh tế để xây dựng đất nước".
Và cuộc bầu cử khóa VI năm 1976, bà Dậu là một cử tri như hàng chục triệu cử tri mừng Tổ quốc từ nay về một mối! "Hồi đó khí thế lắm, háo hức lắm, đất nước thống nhất rồi, ai cũng nghĩ chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ mạnh giàu", bà Dậu nhớ lại.
"Cuộc bầu cử của ngày thống nhất mần răng mà quên được - bà Dậu vẫn giữ được nét hồ hởi khi nhắc lại quá khứ - Vì mấy lần bầu cử trước đó phải bầu ở dưới giao thông hào, phải phòng tránh pháo hạm, máy bay. Còn kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội tháng 4-1976, bà con ai cũng phấn khởi vì không lo máy bay, pháo hạm nữa.
Từ mấy tuần trước đó, không khí cuộc bầu cử đã rạo rực lắm rồi, vì chuẩn bị kỷ niệm một năm thống nhất đất nước và dân hai miền Nam - Bắc cùng chung lá phiếu. Với người dân Vĩnh Linh thì lại càng vui hơn vì đây là đất giới tuyến, đất bom đạn, giờ nhớ lại, thời mới giải phóng còn gieo neo khổ cực nhưng tinh thần thì quá phấn chấn".
Sau khi thôi nhiệm vụ xã đội phó, bà Dậu chuyển qua làm hội trưởng Hội Phụ nữ, tham gia Đảng ủy xã, rồi trở về làm một công dân giản dị, làm ruộng, chăn bò, chăm lo con cái.
Thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, không tham gia công tác ở xã nữa, về nhà thấy bà cũng làm lụng như dân làng, nhiều người cứ băn khoăn hỏi: "Sao làm tới đại biểu Quốc hội mà giờ về đi làm ruộng, không được cái gì hết hay sao?" Bà Dậu trả lời: "Sao lại không được? Con cái tôi học hành đàng hoàng, công ăn việc làm ổn định, đêm ngủ ngon không lo đạn bom, như vậy là được chớ còn đòi chi nữa?".
Một buổi sáng bình yên với cựu nữ đại biểu thời chiến Nguyễn Thị Dậu, tôi bỗng nhận ra bài học vô cùng giản dị. Bà Dậu cười vang: "Thì ai cũng nói tôi làm nhiều việc nhưng toàn việc không lương nên làm chi có lương hưu, nhưng có phụ cấp tham gia kháng chiến, có chế độ thương binh, cộng lại cũng đủ để có tiền hằng tháng đi giỗ chạp, đám cưới, đám ma. Còn để sống thì tôi có cái vườn tiêu này đây, tôi nghĩ tự mình làm lấy mà ăn thôi, chứ đừng quá trông đợi chuyện đãi ngộ hay chính sách!".
Rồi bà chỉ tay ra vườn tiêu quanh nhà, hồ tiêu trên đất bazan Vĩnh Linh nổi tiếng với vị nồng thơm khó đâu có được. Cuộc đời bà Dậu cũng đặc biệt như thế, chắt chiu từ đất đai mà nồng cay, thơm thảo hồn nhiên giữa cuộc đời.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Chí Phi là một trong những đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981) của Quảng Trị và tiếp tục là đại biểu Quốc hội khóa VII (1981-1987). Sinh ở xã Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị), ông nổi tiếng là người lính dũng cảm của đơn vị đặc công tiểu đoàn 10 Quảng Trị.
Ông được phong tặng Anh hùng từ năm 1969. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chí Phi cũng là một người có lý lịch đặc biệt bởi cả hai vợ chồng ông đều là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh, quê Quảng Nam, nổi tiếng trong phong trào "đội quân tóc dài" ngày ấy.
Kỳ tới: Cô công nhân làm đại biểu Quốc hội
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, đại biểu hai miền gặp nhau rưng rưng xúc động, tặng nhau những món quà, chụp chung tấm hình kỷ niệm.
TTO - Ngày hội lớn 25-4-1976 mà cả xóm kênh nước đen chộn rộn kéo nhau đi bỏ phiếu từ mờ sáng, những bài phỏng vấn ngời lý tưởng của các ứng cử viên trẻ...